Bắt đầu từ niềm tin

Có thể nói trong lịch sử văn hóa, văn nghệ Việt Nam hiếm có một thời kỳ nào lại có một đội ngũ văn nghệ sĩ đông đảo và cùng đó là những sáng tác không chỉ nhiều về mặt số lượng mà còn có ảnh hưởng to lớn đến đời sống xã hội như giai đoạn nửa cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI này.

ngo-vinh-binh.jpg
Các văn nghệ sĩ luôn tin tưởng, gắn bó với Đảng và sự nghiệp cách mạng của dân tộc, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển văn hóa, văn nghệ. Ảnh minh họa

Vừa qua, nhân Kỷ niệm 75 năm Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam (25/7/1948 - 25/7/2023), qua báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Hội được biết cho đến nay, đội ngũ văn nghệ sĩ của nước nhà đã có tới hơn bốn vạn người, bao gồm 5 thế hệ thuộc các dân tộc anh em, vùng miền trong cả nước; hoạt động trong các chuyên ngành: Văn học, kiến trúc, sân khấu, mỹ thuật, âm nhạc, nhiếp ảnh, điện ảnh, văn nghệ dân gian, văn nghệ các dân tộc thiểu số; sinh hoạt trong 10 hội chuyên ngành Trung ương và 63 hội văn học nghệ thuật các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên toàn quốc.

Đó là một đội ngũ hùng hậu, gắn bó máu thịt với Tổ quốc, với Nhân dân, đoàn kết, nhất trí về chính trị, tư tưởng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, thiết tha với sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hoá dân tộc, khao khát vươn lên để cống hiến có hiệu quả.

Đó cũng là đội quân nòng cốt để tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới. Nền văn học nghệ thuật tiếp tục đổi mới, bám sát hiện thực sôi động của đất nước, có cách nhìn điềm tĩnh, tinh tế, tích cực ủng hộ sự ổn định xã hội, củng cố niềm tin, có quan điểm biện chứng về đời sống; ca ngợi, khẳng định những cái tốt đẹp, cái tích cực; cổ vũ những nhân tố mới, thành tựu mới, “lấy ánh sáng đẩy lùi bóng tối”; tính tích cực xã hội được đề cao.

Văn học nghệ thuật ngày càng phát triển đa dạng, phong phú, mới mẻ, giàu tiềm năng; xu hướng chuyên nghiệp hoá ngày càng được đề cao; tính dân tộc ngày càng đi vào chiều sâu, có thành tựu to lớn và bước tiến dài trong sự nghiệp.

Những con số, những kết quả so sánh ấy là thành tựu rất đáng khẳng định của mấy mươi năm văn học nghệ thuật cách mạng Việt Nam. Đồng thời cũng là một minh chứng để khẳng định đường lối văn hóa - văn nghệ đúng đắn bấy lâu nay của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ngay từ khi được thành lập (1930), Đảng ta trong đường lối cách mạng của mình đã hết sức coi trọng mặt trận văn hóa và xác định rõ là Đảng phải nắm giữ vai trò lãnh đạo mặt trận này song song với mặt trận kinh tế, chính trị.

Nghiên cứu các nghị quyết của Đảng trong các kỳ đại hội cùng nhiều văn kiện khác nói về văn hóa - văn nghệ thấy rõ định hướng xây dựng và phát triển nền văn hóa luôn là một nội dung được Đảng hết sức coi trọng. Cùng với việc định hướng văn hóa - văn nghệ, Đảng ta luôn luôn chăm lo đến công tác xây dựng đội ngũ các văn nghệ sĩ cách mạng và coi đội ngũ này là lực lượng chủ lực để tạo nên diện mạo của nền văn hóa mới vừa tiên tiến vừa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.

Từ nhận thức đúng đắn coi “văn hóa văn nghệ là một mặt trận”, “văn nghệ sĩ là chiến sĩ”, Đảng ta đã nhanh chóng tập hợp được một lực lượng đông đảo các văn nghệ sĩ lớp trước “đầu quân” theo kháng chiến. Không phải ngẫu nhiên mà có “phong trào văn nghệ sĩ đầu quân” rộng lớn những năm sau toàn quốc kháng chiến (1946), cũng không phải ngẫu nhiên mà trên rừng núi chiến khu gian khổ thời ấy có mặt những văn nghệ sĩ tên tuổi...

Tôi cứ bị ấn tượng mãi câu: “...Còn cái lớn lao chung: Ấy là dân tộc”. Đó là một câu trong bài báo nổi tiếng mang tựa đề “Nhận đường” của nhà văn Nguyễn Đình Thi. Bài báo được viết vào những ngày cuối năm 1947, ghi nhận một tâm trạng, một tình huống đặc biệt của không ít người viết văn, làm nghệ thuật từ chế độ cũ bước vào cách mạng, đi kháng chiến. Với họ, bao nhiêu là bỡ ngỡ, dằn vặt, khó khăn giống như “một cuộc lột vỏ... da non mới mọc chưa lành, một cái gì chạm phải cũng nhỏ máu”.

Nhưng với khẩu hiệu: “Tất cả cho kháng chiến, tất cả cho dân tộc”, họ đã vượt qua tất cả. Đi kháng chiến bằng tài năng và sức lực của mình. “Những ngày tháng Tám, chúng ta bước từ một thời đại lịch sử sang một thời đại mới. Hàng chục triệu con người ra khỏi những khoảng đêm đẫm máu, rỏ nước mắt khóc, vui sướng ôm lấy nhau, quàng nhau dưới bóng cờ đỏ, vùng dậy trước mũi súng ngơ ngác của tụi phát xít Nhật.

Mỗi người chúng ta không còn yếu ớt riêng lẻ. Chúng ta đã tìm thấy bao trùm lên chúng ta, bao trùm lên gia đình làng xóm chúng ta còn cái lớn lao chung: Ấy là dân tộc” - nhà văn Nguyễn Đình Thi viết. Chính lớp văn nghệ sĩ đàn anh này đã trở thành những người thầy đào tạo dìu dắt lớp các văn nghệ sĩ “con đẻ của cách mạng”, trưởng thành và lớn lên trong cách mạng, cùng cách mạng sau này. Một lớp người đến với cách mạng cùng với những người trưởng thành trong cách mạng, giữa cách mạng không phải chỉ bằng vào ước mơ mà ở ngay trong đội ngũ, trong tổ chức của mình đã tạo nên một đội ngũ văn nghệ sĩ đông đảo - đội ngũ các nhà văn Việt Nam hiện đại…

Tìm hiểu quá trình hình thành, phát triển đội ngũ các nhà văn nghệ Việt Nam hiện đại, dõi theo bước trưởng thành của các thế hệ nhà văn xuất hiện qua các thời kỳ chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ xâm lược và các cây bút trẻ hôm nay một điều rất dễ thấy là chế độ đã tạo điều kiện không phải chỉ cho riêng ai mà cho cả một lớp người, một thế hệ cầm bút.

Khác với trước đây, văn nghệ sĩ chỉ như “cánh bèo vật vờ”, có thể ra biển khơi mênh mông, có thể dạt lên chết trên bờ cát (theo như cách nói của nhà văn lão thành Tô Hoài), nhà văn hôm nay được sống và làm nghề trong một tổ chức, trong đội ngũ của mình. Một em bé sinh ra ở một vùng quê hẻo lánh và nghèo như “thần đồng thơ” Trần Đăng Khoa cũng có thể dễ dàng gặp gỡ những tên tuổi như Tố Hữu, Xuân Diệu, một người tật nguyền như Đỗ Trọng Khơi cũng có thể nhận “vương miện” thơ của Báo Văn nghệ, một “ngự tiền văn phòng” của vua Bảo Đại (cụ Phạm Khắc Hòe) trước đây, dẫu 90 tuổi vẫn có thể trở thành hội viên Hội Nhà văn... Rồi cả các tướng lĩnh cầm quân, cả các tổng giám đốc... cũng có thể viết văn làm thơ. Ai cũng có thể viết văn và làm thơ nếu có tài và có năng khiếu.

Bước sang giai đoạn mới, giai đoạn phục hưng và cách tân đất nước, chấn hưng văn hóa có nhiều vấn đề mới đang được đặt ra, với nền văn học, với các nhà văn, Đảng ta đã liên tiếp có những nghị quyết quan trọng về văn hóa, văn nghệ.

Nếu như Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị khóa VI đã tạo điều kiện cho văn hóa, văn nghệ đạt nhiều thành tựu, đáp ứng một phần nhu cầu hưởng thụ văn hóa của các tầng lớp nhân dân, đóng góp tích cực vào sự nghiệp đổi mới thì Nghị quyết 04 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII khẳng định: “Đội ngũ văn nghệ sĩ và cán bộ văn hóa gồm nhiều lớp kế tiếp nhau, trải qua thử thách, ngày càng phát triển và trưởng thành.

Trước khó khăn của đất nước và những biến động quốc tế phức tạp trong mấy năm gần đây, đại bộ phận vẫn tin tưởng, gắn bó với Đảng và sự nghiệp cách mạng của dân tộc, giữ vững phẩm chất, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển văn hóa, văn nghệ”.

Sự quan tâm của Đảng với đội ngũ văn nghệ sĩ không dừng lại ở chủ trương, đường lối đúng đắn mà còn ở từng việc làm cụ thể. Trong các đại hội văn học - nghệ thuật dường như đại hội nào cũng thấy sự có mặt của những đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước ta. Đích thân đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nghe và trả lời nhiều câu hỏi của các văn nghệ sĩ và có bài phát biểu quan trọng tại Lễ Kỷ niệm 75 năm Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam.

Trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ Kỷ niệm có đoạn: “…Nhân đây, tôi có đôi điều muốn nhắc lại, trao đổi, tâm sự thêm với anh chị em văn nghệ sĩ trẻ. Chúng ta đều đã biết, thời đại chúng ta, cuộc sống quanh ta có rất nhiều điều để nói, để viết, nhưng quan trọng là nói như thế nào và viết như thế nào? Nhiều người thường bảo, văn nghệ phải chiếu sáng cuộc sống, chứ không chỉ là nơi cuộc sống hiện hình; văn nghệ bồi dưỡng, nâng cao con người chứ không phải chỉ là nơi giãi bày tâm trạng cá nhân, hạ thấp con người.

Mong sao, các văn nghệ sĩ nhận thức và thể hiện thật rõ điều đó để xứng đáng với niềm tin yêu và hy vọng mới của nhân dân; đừng để cho sự tầm thường, dễ dãi ám ảnh mình. Các đồng chí cần thường xuyên học hỏi, đúc rút những bài học tốt từ các thế hệ đi trước để tiếp tục dấn thân, đi xa hơn, vững vàng hơn. Bài học đó phải chăng vẫn là: Khát vọng lớn lao, lý tưởng cao cả, hoà nhịp đập trái tim mình với nhịp đập trái tim toàn dân tộc, lăn lộn với thực tiễn phong phú, sôi động của cuộc sống nhân dân, chứ không phải chỉ sa vào tâm trạng cá nhân, gặm nhấm tâm tư, yếm thế, lấy tiểu xảo thay cho tài năng, nhìn đời bằng góc nhìn chật hẹp, thậm chí coi văn nghệ chỉ đơn giản như là một thú vui, giải trí hoặc một cuộc chơi, một sự đam mê tầm thường.

Thực tế đời sống văn học ở nước ta và trên thế giới cho thấy, những tác gia lớn đều là những tác gia có khát vọng và hoài bão lớn lao, có tầm nhìn xa rộng và có tư duy sâu sắc. Chỉ có khát vọng và hoài bão lớn về sự sáng tạo thì mới đi xa và bền vững được. Mục đích cuối cùng của người nghệ sĩ là tác phẩm hay, tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao. Nó phản ánh tâm hồn và tính cách dân tộc, những điều lớn lao, mạnh mẽ của con người và dự báo cho cả tương lai!”…

Với lực lượng đông đảo, nhiều tài năng lại được tôi rèn trong cách mạng, kháng chiến, trong đổi mới cùng với niềm tin lớn lao vào công cuộc canh tân đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng nhất định sự nghiệp văn hóa văn nghệ của chúng ta sẽ gặt hái được những thành tựu mới!./.

(Thập Tam trại, mùa Thu năm 2023)

Cùng chuyên mục
Bắt đầu từ niềm tin