Bộ Công Thương xây dựng nhiều chương trình hành động cụ thể trong lĩnh vực năng lượng

(BKTO) - Trong Dự thảo Chương trình hành động thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030 đang được đưa ra lấy ý kiến, Bộ Công Thương xác định nhiều chương trình hành động cụ thể trong lĩnh vực năng lượng điện, than, dầu khí.

2(1).jpg
Bộ Công Thương sẽ triển khai nhiều chương trình hành động cụ thể trong lĩnh vực năng lượng. Ảnh minh họa: dangcongsan.vn

Theo đó, Bộ Công Thương yêu cầu Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện lực, Vụ Dầu khí và Than, Vụ Thị trường trong nước, Vụ Kế hoạch - Tài chính phải đẩy nhanh tiến độ lập, trình phê duyệt và tổ chức thực hiện hiệu quả các quy hoạch năng lượng quốc gia theo Luật Quy hoạch.

Cụ thể gồm: Quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia.

Đồng thời nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện hệ thống chính sách điều hành giá các mặt hàng năng lượng (điện, than, xăng dầu) trong nước theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước, đảm bảo tính đúng, tính đủ chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế và có mức lợi nhuận hợp lý để phát triển bền vững doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh năng lượng.

Cùng với đó là đẩy mạnh triển khai các chương trình, kế hoạch thực hiện chuyển đổi số trong ngành năng lượng. Số hóa các hoạt động tiếp cận năng lượng và cung cấp dịch vụ cho khách hàng; các hoạt động quản lý, vận hành hệ thống năng lượng; tự động hóa các mạng lưới cho việc cung ứng điện một cách hiệu quả và tiết kiệm.

Đối với lĩnh vực điện, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện lực chủ trì, phối hợp nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế điều hành thực hiện các dự án điện nhằm siết lại kỷ cương trong tổ chức thực hiện quy hoạch và kế hoạch phát triển điện, các chính sách về phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội đầu tư phát triển ngành điện. Khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn đi đôi với công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn.

Hoàn thiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh, nghiên cứu và thực hiện tách bạch hoạt động phân phối điện nhằm nâng cao tính minh bạch, hiệu quả; hoàn thành các công tác chuẩn bị về pháp lý, cơ sở hạ tầng, triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, trong đó thực hiện thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa nhà máy điện và khách hàng sử dụng điện từ nay đến năm 2025.

Tiếp tục cải cách giá bán lẻ điện phù hợp với các cấp độ thị trường điện, đồng bộ với giá phát điện, bán buôn điện, sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm; tách bạch rõ chi phí cho các hạng mục hỗ trợ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; xây dựng và trình ban hành Khung giá phát điện.

Rà soát, báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền hoàn thiện các quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, khung giá phát điện, công tác giao nhận tài sản các công trình điện.

Đẩy nhanh tiến độ đầu tư và đưa vào vận hành các dự án nguồn điện và lưới điện truyền tải. Hoàn thiện nghiên cứu khả thi các dự án điện miền Trung I, II và Dung Quất I, III đảm bảo tiến độ các dự án này đồng bộ với tiến độ triển khai Dự án thượng nguồn...

Đối với lĩnh vực dầu khí, Vụ Dầu khí và Than chủ trì, phối hợp tập trung triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành dầu khí theo chuỗi cung ứng đồng bộ, hoàn chỉnh có tính kết nối cao đối với 5 lĩnh vực cốt lõi gồm: tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí; công nghiệp điện; công nghiệp khí; công nghiệp chế biến dầu khí; dịch vụ dầu khí chất lượng cao.

Đẩy mạnh các hoạt động phát triển lĩnh vực hóa dầu, chế biến sâu tạo ra các sản phẩm mới từ dầu khí và phát triển dịch vụ dầu khí; phát triển, khai thác và sử dụng khí thiên nhiên, đảm bảo đủ năng lực để nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) phục vụ nhu cầu trong nước.

Xây dựng và trình cấp có thẩm quyền hoàn thiện hệ thống pháp luật về dầu khí để loại bỏ các bất cập, vướng mắc phát sinh, tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí; tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, minh bạch theo cơ chế thị trường đối với hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước trong ngành dầu khí.

Nghiên cứu, đề xuất chính sách thu hút đầu tư vào phát triển dầu khí tại các vùng nước sâu, xa bờ; hiện đại hóa, đẩy nhanh công tác tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí; đánh giá tiềm năng, khai thác có hiệu quả, đảm bảo an toàn và phát triển bền vững khoáng sản thềm lục địa và hải đảo.

Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án khí trọng điểm như Chuỗi dự án khí - điện Lô B, Cá Voi Xanh nhằm cung cấp nhiên liệu cho phát điện khu vực Tây Nam bộ, Trung bộ và các khu vực lân cận đến năm 2025 và các năm tiếp theo, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, góp phần bảo vệ chủ quyền và biển đảo; khai chuỗi dự án điện khí hóa lỏng (LNG) Thị Vải và Sơn Mỹ.

Đối với lĩnh vực than, cần đẩy mạnh công tác tìm kiếm thị trường, nguồn than nhập khẩu, bảo đảm việc xuất, nhập khẩu hợp lý và chỉ xuất khẩu các chủng loại than trong nước chưa có nhu cầu sử dụng để không thiếu than cho sản xuất điện và các hộ tiêu thụ, đảm bảo an ninh năng lượng và phù hợp với các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu của Việt Nam.

Xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách khuyến khích cải tiến công nghệ trong công tác thăm dò, khai thác, chế biến than nhằm đa dạng hóa sản phẩm sản xuất từ than để cung cấp cho các ngành kinh tế trong nước và khai thác, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên than của đất nước; thúc đẩy tìm kiếm và phát triển các nguồn năng lượng mới, năng lượng sạch như băng cháy, hydro, nhiên liệu phát thải các bon thấp, năng lượng sóng biển, thủy triều…

Rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách phù hợp điều kiện cụ thể của Việt Nam và thông lệ quốc tế nhằm hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia đầu tư thăm dò và khai thác than ở nước ngoài, tìm kiếm và đa dạng hóa nguồn than nhập khẩu về Việt Nam phục vụ nhu cầu sử dụng trong nước.

Đổi mới công nghệ trong công tác thăm dò nhằm gia tăng trữ lượng than xác minh và nâng cấp trữ lượng than hiện có trong nước bằng các phương pháp đánh giá, tính toán theo tiêu chuẩn trong nước kết hợp với quốc tế nhằm nâng cao độ tin cậy. Đầu tư nghiên cứu, áp dụng công nghệ chế biến than để tạo ra chủng loại than phù hợp đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ trong nước. Giảm tỷ lệ tổn thất than khai thác hầm lò và khai thác lộ thiên, tăng hệ số thu hồi than.

Cùng chuyên mục
Bộ Công Thương xây dựng nhiều chương trình hành động cụ thể trong lĩnh vực năng lượng