Tin giả khuyếch trương, tác động rất kinh khủng
Thông tin tại Tọa đàm “Bảo vệ DN trước tin giả” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ vừa tổ chức, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) - ông Đậu Anh Tuấn - cho biết, tin giả không phải gần đây mới xuất hiện. Dưới sự phát triển của mạng xã hội, tin giả khuyếch trương, tác động rất kinh khủng.
Trưởng Ban Pháp chế VCCI dẫn chứng, một DN đang kinh doanh bình thường nhưng tự nhiên có thông tin tiêu cực sản phẩm gây ung thư. Ngay lập tức, việc cung ứng hàng hóa của DN chịu ảnh hưởng lớn. Khách hàng có thể ngừng mua, gây thiệt hại không nhỏ cho DN.
Hay xu hướng khác, chủ DN dính tin đồn bị bắt hoặc bị bệnh tật. Cổ phiếu DN xuống giá, ngân hàng cho vay lập tức phải tìm hiểu “sức khỏe” của DN, thậm chí dừng hợp đồng tín dụng. Nhiều đối tác bị ảnh hưởng theo. “Tin giả nhưng hậu quả rất thật” - ông Tuấn đặc biệt nhấn mạnh.
Theo ông Tuấn, không chỉ DN bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những tin đồn thất thiệt mà rất điển hình ở Việt Nam là nhiều nghệ sĩ nổi tiếng phải xuất hiện để đính chính rằng “tôi vẫn sống, vẫn bình thường”, trong khi xuất hiện nhiều tin đồn người đó bị bệnh nặng hoặc qua đời.
“Chúng tôi thấy rằng đây là vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn. Đã đến lúc chính quyền và các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc một cách tích cực” - ông Tuấn đề nghị.
Từ góc độ DN, ông Nguyễn Vũ Long - Quyền Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Vndirect - chia sẻ, giai đoạn vừa qua, khi thị trường chứng khoán rất xấu thì bản thân Vndirect cũng chịu rất nhiều thông tin sai lệch, bao gồm thông tin về hoạt động kinh doanh, hoạt động tư vấn khách hàng, hay các thông tin khác ví dụ Chủ tịch và Tổng giám đốc Vndirect bị bắt…
“Những thông tin đó ảnh hưởng đến niềm tin của khách hàng, uy tín của đối tác, chẳng hạn ngân hàng có thể dừng hạn mức của công ty chứng khoán hay khách hàng chuyển hết tài khoản sang đơn vị khác” - ông Long nêu rõ.
“Hiện nay, fanpage Thông tin Chính phủ trên Facebook là nơi chúng tôi hay làm điển hình để giới thiệu với các địa phương về việc vừa thông tin, tuyên truyền trên mạng xã hội hiệu quả, vừa là nơi lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của người dân. Ý tưởng kết hợp giữa Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử với Cổng Thông tin điện tử Chính phủ để sử dụng được những phản ánh của người dân qua fanpage rất hay. Chúng tôi sẽ triển khai trong thời gian tới”.
Ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông
Chủ động ứng phó, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật
Chia sẻ kinh nghiệm xử lý tin giả, ông Nguyễn Vũ Long cho biết, DN chọn cách đối mặt trực tiếp bằng cách truyền thông qua hình thức email, trao đổi trực tiếp. Quan trọng nhất là truyền thông đến nhân viên, đến các đối tác. Đối với những thông tin sai lệch có thể làm ảnh hưởng đến uy tín và ảnh hưởng trực tiếp đến giá cổ phiếu, tác động tới cảm xúc của nhà đầu tư, DN cần liên hệ trực tiếp với khách hàng để trao đổi, tư vấn, giải thích thấu đáo.
“DN phải thích nghi trong điều kiện mới, luôn chủ động truyền thông các hoạt động kinh doanh” - ông Long khuyến nghị.
Bên cạnh đó, theo ông Long, trong bối cảnh kỷ nguyên số, khi tốc độ lan truyền thông tin trên các mạng xã hội rất nhanh như hiện nay, để giải bài toán này một cách triệt để, cần có sự phối hợp chặt chẽ, giải pháp đồng bộ, tổng thể nhằm điều chỉnh hành vi, thay đổi nhận thức của mỗi người, bao gồm từ người đưa tin đến người chịu ảnh hưởng của thông tin, người đọc, người tiếp nhận thông tin.
Nhà báo, chuyên gia truyền thông - ông Lê Quốc Vinh - nhấn mạnh, nguyên lý truyền thông trong thời đại số là tính minh bạch. DN nên chủ động thông tin đến công chúng ngay cả khi họ chưa quan tâm. Công nghệ có thể đo lường được công chúng sắp tới quan tâm, lo lắng điều gì. Ngoài ra, phải có giải pháp cho người cố tình đưa tin giả, xử phạt nặng mới ngăn chặn được.
Ông Đậu Anh Tuấn cũng khẳng định, chỉ có tin thật mới xóa được tin đồn. Khi công chúng tin cậy một nguồn thông tin, tin cậy nơi cung cấp thông tin thì chắc chắn tin đồn tự khắc giảm dần và sẽ hết. Do đó, các cơ quan cần phản ứng nhanh hơn, chuyên nghiệp hơn. DN phải có người chuyên trong lĩnh vực này, là đầu mối đưa ra những phản ứng kịp thời.
Luật sư Nguyễn Danh Huế khuyến nghị, để giải quyết được tin giả cần nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật, đặc biệt các cơ quan nhà nước, công chức, viên chức phải đi đầu làm gương, xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật.
Đồng ý mức chế tài phải nghiêm khắc hơn, luật sư Huế lưu ý chế tài cần đặt trong bối cảnh cụ thể của nước ta và cần xử lý triệt để. Thêm vào đó, để ngăn chặn việc này, báo chí không thể đứng ngoài cuộc…/.