Nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cấp cơ sở, Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau vừa triển khai Kế hoạch số 214/KH-UBND ngày 30/8/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh về rà soát, đánh giá và đề xuất phương án uỷ quyền trong giải quyết TTHC thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh. Ðây được xem là bước đi mớiquan trọng, góp phần cải cách mạnh mẽ quy trình TTHC trên địa bàn, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Đẩy mạnh uỷ quyền giải quyết thủ tục hành chính
Theo rà soát của UBND Cà Mau, hiện nay, toàn tỉnh có tổng số 1.937 TTHC. Trong đó, TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh/Chủ tịch UBND tỉnh là 353 TTHC, chiếm 18,22% TTHC toàn tỉnh.
TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành là 1.178 TTHC, chiếm 60,82% TTHC toàn tỉnh. TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND/Chủ tịch UBND huyện là 295 TTHC, chiếm 15,23% TTHC.
Riêng TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND/Chủ tịch UBND cấp xã là 111 TTHC, chiếm 5,73% TTHC toàn tỉnh. Số lượng hồ sơ phát sinh ở cấp xã trong năm 2022 là 164.877 hồ sơ, chiếm 48,20%.
Qua phân tích số liệu trên cho thấy, số lượng TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh/Chủ tịch UBND tỉnh và các sở, ban, ngành tỉnh chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số TTHC toàn tỉnh, nhất là số lượng các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành tỉnh, chiếm đến gần 61%. Trong khi đó, số lượng TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết tại UBND cấp huyện và UBND cấp xã chiếm số lượng rất ít, trong khi đó đây lại là những cấp gần dân nhất.
Bà Lê Thị Kim Chung - Phó chánh văn phòng UBND tỉnh Cà Mau - nhấn mạnh: Chính vì vậy, việc uỷ quyền trong thực hiện TTHC là điều cần thiết để góp phần phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Theo đó, việc uỷ quyền được thực hiện theo phương án: Ðối với TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh/Chủ tịch UBND tỉnh thì uỷ quyền cho sở, ban, ngành tỉnh/thủ trưởng sở, ban, ngành tỉnh và uỷ quyền cho UBND cấp huyện/Chủ tịch UBND cấp huyện.
Ðối với TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của sở, ban, ngành tỉnh thì uỷ quyền cho phòng/đơn vị thuộc sở, ban, ngành tỉnh, cho UBND cấp huyện, phòng/đơn vị thuộc UBND cấp huyện và uỷ quyền từ phòng thuộc sở, ban, ngành tỉnh về phòng thuộc UBND cấp huyện.
Ðối với TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện/Chủ tịch UBND cấp huyện, tiến hành uỷ quyền cho phòng/đơn vị thuộc UBND cấp huyện và uỷ quyền cho UBND cấp xã/Chủ tịch UBND cấp xã.
UBND tỉnh sẽ kịp thời tháo gỡ khó khăn
Phương án trên sẽ thúc đẩy tính chủ động, sáng tạo của các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương, góp phần hiện đại hoá nền hành chính. Thế nhưng, bên cạnh đó, phương án cũng đặt ra không ít băn khoăn, lo lắng cho các đơn vị, địa phương.
Ông Huỳnh Thạch Sum - Chánh Văn phòng Sở Tài nguyên và Môi trường - chia sẻ: Sở có tổng số 38 TTHC, trong đó 7 lĩnh vực quản lý Nhà nước. Hiện nay, lĩnh vực uỷ quyền rõ nhất là đất đai. Trước đây, UBND tỉnh uỷ quyền cho Giám đốc Sở cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, doanh nghiệp; Giám đốc Sở uỷ quyền Giám đốc Văn phòng Ðăng ký đất đai (Văn phòng) tỉnh cấp cho hộ gia đình cá nhân. Ðến năm 2023, tiếp tục uỷ quyền một cấp nữa (Giám đốc Sở uỷ quyền Giám đốc Văn phòng cấp tỉnh cấp cho tổ chức, doanh nghiệp và Giám đốc Văn phòng tỉnh cấp uỷ quyền cho giám đốc Văn phòng cấp huyện cấp cho hộ gia đình cá nhân.
Riêng về lĩnh vực môi trường, khoáng sản và tài nguyên nước thì giấy phép môi trường, giấy phép khai thác tài nguyên nước ngầm đều do UBND tỉnh cấp, không có quy định về uỷ quyền. Tuy nhiên, Trung ương chưa có văn bản mở, nếu địa phương thực hiện uỷ quyền sẽ có nhiều lúng túng. Trước mắt, UBND tỉnh cần xem xét những thủ tục đơn giản để đề xuất uỷ quyền – ông Sum nêu ý kiến.
Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch là đơn vị có rất nhiều thủ tục liên quan các lĩnh vực thể thao, hoạt động nghệ thuật, quảng cáo, karaoke... Bà Trương Cẩm Thuý - Phó chánh Văn phòng Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch - băn khoăn: Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, Sở đã ban hành kế hoạch triển khai rất sớm đến các đơn vị để rà soát các thủ tục trên tinh thần đảm bảo việc uỷ quyền phải phù hợp với quy định Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các quy định khác của luật chuyên ngành. Trên cơ sở đó, Sở đã hướng dẫn các phòng chuyên môn cũng như các huyện vừa rà soát thủ tục có phát sinh hồ sơ trong năm 2022 và 9 tháng năm 2023, vừa quan tâm đến cơ sở pháp lý về uỷ quyền. Qua rà soát, đối với thủ tục có phát sinh hồ sơ không nhiều, số thủ tục có quy định uỷ quyền rất ít nên khó đạt chỉ tiêu đề ra. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực của các đơn vị, địa phương khi thực hiện uỷ quyền rất khó đảm bảo hiệu quả công việc khi đưa về cơ sở.
Bà Lê Thị Kim Chung cho biết: Ðây là vấn đề mới nên bước đầu triển khai sẽ gặp nhiều khó khăn. Khi có vướng mắc, các sở, huyện cần báo cáo kịp thời để UBND tỉnh tháo gỡ ngay. Điều quan trọng là làm sao xác định được TTHC đưa về cho ai, đơn vị nào để quản lý chặt chẽ, hiệu quả hơn. Cấp trên không uỷ quyền hết, không đẩy trách nhiệm hết nhưng cũng không giữ lại để có nguồn thu, phải lấy hiệu quả công việc làm hàng đầu.
Văn phòng UBND tỉnh sẽ phối hợp Sở Tư pháp xác định cơ sở pháp lý để triển khai phương án uỷ quyền. Ðồng thời, học hỏi thêm kinh nghiệm các tỉnh để triển khai kế hoạch đạt tỷ lệ đề ra, vừa đảm bảo đúng tiến độ, hiệu quả, vừa đúng quy định./.