Tái tạo văn hóa PVN để củng cố và tạo đà cho kinh doanh bền vững

(BKTO) - Chia sẻ nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh, những thành tựu mà PVN đạt được thời gian qua là nhờ sự nỗ lực, cố gắng của 6 vạn cán bộ công nhân viên, người lao động ngành dầu khí, đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các Bộ, Ban, ngành Trung ương và sự hỗ trợ của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.

1(1).jpg
Người lao động dầu khí công tác ngoài biển khơi

Tái tạo văn hóa PVN và đổi mới công tác quản trị

Ngay sau khi nước nhà độc lập, ngày 13/10/1945, Bác Hồ đã gửi thư cho giới Công Thương, sau này trở thành Ngày Doanh nhân Việt Nam; thể hiện sự thấu hiểu của Bác đối với nỗi khó khăn, vất vả và ghi nhận vai trò của doanh nhân Việt Nam.

Có thể nói, trong sự nghiệt ngã, khốc liệt của thương trường, doanh nghiệp muốn phát triển, trường tồn, sau khi sinh ra, trưởng thành phải liên tục cải tiến, đổi mới; tái cấu trúc theo chu kỳ, thậm chí tái tạo và tái lập.

PVN cũng vậy, ra đời từ Đoàn thăm dò dầu lửa 36 (thành lập ngày 27/11/1961), đến nay đã gần tròn 62 năm, PVN đã phát triển và trưởng thành, có đóng góp to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, có giai đoạn do sự phát triển nóng, xa rời cốt lõi và bị tổn thương văn hóa cùng với tác động từ môi trường kinh doanh như giá dầu giảm sâu, phạm vi hoạt động… đã dẫn đến khó khăn, khủng hoảng kéo dài.

Năm 2017, PVN đã từng báo cáo Thủ tướng Chính phủ “bức tranh” tài chính, dự báo đến năm 2019, PVN sẽ bị mất cân đối dòng tiền, lâm vào tình trạng vô cùng khó khăn.

lmh.jpg
Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng

Trong hoàn cảnh đó, cùng với sự quan tâm, chỉ đạo, chấn chỉnh và giúp đỡ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là công tác cán bộ, PVN đã thực hiện công cuộc cải tổ toàn diện bằng 2 nhóm giải pháp chính - Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng cho biết.

Thứ nhất, ưu tiên tập trung thực hiện “Tái tạo Văn hóa PVN” để củng cố và tạo đà cho tái tạo kinh doanh. Ngày 27/11/2019, PVN chính thức phê duyệt Đề án Tái tạo Văn hóa PVN, trên cơ sở tư tưởng cốt lõi bao gồm: Mục đích cốt lõi và Hệ giá trị cốt lõi, tiến hành sàng lọc, loại bỏ văn hóa xấu độc; cập nhật, bổ sung văn hóa tiến bộ, hiện đại cùng các giải pháp đồng bộ, cụ thể như hình thành 7 thói quen hiệu quả…

Sau hơn 4 năm kiên trì tổ chức thực hiện, đến nay cơ bản đã củng cố và phát triển Văn hóa nền tảng và Văn hóa bản sắc của PVN gắn với hệ giá trị cốt lõi là “Khát vọng - Trí tuệ - Chuyên nghiệp - Nghĩa tình”, lấy lại được niềm tin của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của người lao động và xã hội, góp phần đưa Giá trị thương hiệu PVN đạt gần 1,4 tỷ USD (tăng 3 lần so với năm 2019).

Thứ hai, đổi mới công tác quản trị, nâng cao hiệu quả và dịch chuyển mô hình kinh doanh. Trên cơ sở định hướng của Đảng, Nhà nước; mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước, thực tiễn hoạt động, các xu hướng lớn, PVN đã cập nhật chiến lược và hoàn chỉnh đồng bộ Đề án tái cấu trúc; điều chỉnh mô hình quản trị tinh gọn, giảm trung gian; phân công, phân cấp, phân quyền theo hướng cấp nào nắm việc rõ nhất thì cấp đó chịu trách nhiệm ra quyết định quản trị.

PVN đã chuẩn mực hóa Hệ thống quy chế quản trị giảm xuống còn 140 quy chế, chia làm 6 bộ theo từng lĩnh vực và được số hóa toàn bộ, từng bước tối ưu, cập nhật trên cơ sở ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Đồng thời, PVN xây dựng và đưa vào thực tiễn Bộ giải pháp và quản trị biến động để ứng phó với những thay đổi nhanh; triển khai quản trị danh mục đầu tư tài chính và danh mục đầu tư phát triển theo mô hình Công ty mẹ Holding kết hợp điều hành; tổ chức, hình thành các chuỗi liên kết trong Hệ sinh thái PVN, đến nay đã đưa 24 chuỗi giá trị, chuỗi liên kết vào hoạt động, phát huy hiệu quả rất tích cực…

Dịch chuyển mô hình kinh doanh theo hướng bền vững

Tích cực thực hiện 2 nhóm giải pháp trên, mô hình kinh doanh của PVN đã được dịch chuyển theo hướng bền vững hơn, cơ cấu doanh thu, lợi nhuận giữa các lĩnh vực ổn định, tăng trưởng, không còn chỉ dựa vào lĩnh vực khai thác dầu khí.

anh-3.jpg
Kỹ sư ngành dầu khí kiểm tra an toàn máy móc, thiết bị sản xuất

Kết quả sản xuất, kinh doanh của PVN nhờ đó đã đạt tăng trưởng trung bình cao hơn so với giai đoạn 2016-2020. Từ năm 2021 đến tháng 6/2023, tổng doanh thu của PVN đạt 2.117 nghìn tỷ đồng, tăng 30%; nộp ngân sách nhà nước đạt 349,12 nghìn tỷ đồng, tăng 40%; lợi nhuận đạt 152,6 nghìn tỷ đồng, tăng 60%; tiết giảm chi phí đạt 13.792 tỷ đồng; đặc biệt là thu nhập người lao động tăng 18,2%.

Trong bối cảnh vô cùng khó khăn năm 2020 (khi giá dầu -37,63USD), PVN là một trong số ít công ty dầu khí trên thế giới đã vượt qua và có lợi nhuận gần 20.000 tỷ đồng; năm 2021 đã phục hồi so với trước đại dịch Covid-19; năm 2022 đạt nhiều kỷ lục, hoàn thành nhiều công trình lớn, đạt nhiều giải thưởng khoa học công nghệ.

Năm 2023, chỉ sau 9 tháng hoạt động, tổng doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 655 nghìn tỷ đồng, vượt 30% kế hoạch 9 tháng, hoàn thành 97% kế hoạch năm. Nộp ngân sách toàn Tập đoàn ước đạt 105,4 nghìn tỷ đồng, vượt 35% kế hoạch năm 2023. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất Tập đoàn vượt 17% kế hoạch năm.

Để đạt được kết quả nêu trên, ngoài những nỗ lực, cố gắng của 6 vạn cán bộ, đảng viên, người lao động, PVN còn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Ban, Bộ, ngành Trung ương, sự hỗ trợ, giúp đỡ của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam.

Thời gian tới, với mục tiêu trở thành tập đoàn công nghiệp - năng lượng quốc gia, giữ vai trò trụ cột trong bảo đảm an ninh năng lượng và trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trước những khó khăn lớn như xu hướng dịch chuyển năng lượng, địa chính trị phức tạp, biến động của thị trường, PVN mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo và hỗ trợ của Đảng, Chính phủ, các Bộ, Ban, ngành Trung ương và địa phương để giữ đà phát triển bền vững, đạt được những thành công và thắng lợi mới, tiếp tục đóng góp xứng đáng cho sự phát triển của đất nước - Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng bày tỏ./.

Cùng chuyên mục
  • 9 tháng, tỷ lệ giải ngân của Bộ Giao thông vận tải đạt 61%
    6 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Tính đến hết tháng 9/2023, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) giải ngân được 58.000 tỷ đồng, đạt 61% kế hoạch năm.
  • Doanh nghiệp công nghệ tăng cường bảo đảm an ninh mạng
    6 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Theo số liệu mới nhất của Vietnam Report, 53,9% số doanh nghiệp (DN) công nghệ được khảo sát chia sẻ rằng họ đã triển khai toàn diện hoạt động an ninh mạng và 46,2% trong số đó cho biết sẽ tăng cường phát triển thêm về vấn đề này.
  • PVN tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn
    6 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Mặc dù đạt được kết quả sản xuất kinh doanh rất tích cực, vượt kế hoạch trong 9 tháng đầu năm 2023, đóng góp quan trọng cho nền kinh tế và an ninh năng lượng quốc gia, tuy nhiên, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) tiếp tục đặt ra các mục tiêu cao trong 3 tháng cuối năm, kiên định phương châm quản trị là đảm bảo sự phát triển và tăng trưởng bền vững, dài hạn.
  • Phát huy vai trò đầu tàu của Hà Nội trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo
    6 tháng trước Địa phương
    (BKTO) - Thành phố Hà Nội có khoảng 1.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên tổng số 3.800 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của cả nước, chiếm 26,32%.
  • HSBC: Tăng trưởng quý IV dự báo đạt 7,3%
    6 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Tăng trưởng quý IV dự báo đạt 7,3%, giúp tăng trưởng cả năm 2023 ở mức 5%. Tuy nhiên, rủi ro lạm phát đã xuất hiện trở lại, dự báo lạm phát được điều chỉnh lên mức 3,4% trong năm nay và dự báo trước đó về đợt cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản được loại bỏ. Đây là các nội dung đáng chú ý trong báo cáo “Vietnam At A Glance: Ánh sáng cuối đường hầm” mà Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC vừa phát hành.
Tái tạo văn hóa PVN để củng cố và tạo đà cho kinh doanh bền vững