Lập lại kỷ cương trong quản lý tài sản công

(BKTO) - Sử dụng nhà, đất công để kinh doanh nhưng chưa nộp tiền thuê đất; cho thuê tài sản nhưng chưa xây dựng đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, chưa được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền… là những bất cập nổi cộm trong công tác quản lý tài sản công diễn ra từ nhiều năm nay, dù đã được các cơ quan chức năng thường xuyên chấn chỉnh. Thực trạng này cũng được Kiểm toán nhà nước (KTNN) chỉ ra, qua công tác kiểm toán thời gian qua.

67a351236ee0bfbee6f1.jpg
Siết chặt quản lý việc sử dụng tài sản công để cho thuê, liên kết. Ảnh tư liệu

Bất cập trong việc quản lý, cho thuê tài sản công

Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước đối với tài sản công, đặc biệt là nhà, đất đã được tăng cường, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực để phát triển đất nước. Tuy nhiên, theo đánh giá của các cơ quan chức năng, việc sắp xếp nhà, đất; việc sử dụng tài sản công để kinh doanh, cho thuê còn bất cập. Điển hình như trường hợp Khu Liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thực hiện liên doanh, liên kết tài sản công trái quy định, không đúng mục đích và nợ thuế.

Những bất cập trong quản lý tài sản công được Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” của Quốc hội đề cập tương đối rõ nét. Trong đó nổi lên là tình trạng quản lý, sử dụng nhà, đất công sai mục đích, lãng phí; sử dụng tài sản trên đất cho thuê chưa lập đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; liên kết kinh doanh chưa phù hợp với đề án được duyệt…

Đây cũng là vấn đề từng được KTNN nhiều lần chỉ ra qua kết quả kiểm toán. Theo kết quả kiểm toán năm 2022 (niên độ ngân sách năm 2021), tại Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, các đơn vị sử dụng diện tích nhà cho thuê chưa báo cáo cơ quan có thẩm quyền để xác định tiền thuê đất tương ứng với thời gian sử dụng. Tại Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, 5 đơn vị có hoạt động kinh doanh dịch vụ nhưng chưa nộp tiền thuê đất; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 53 cơ sở đất của 16 đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên và đầu tư chưa thực hiện nộp tiền thuê đất theo quy định…

Ngoài các tồn tại này, những thiếu sót trong công tác cho thuê tài sản, liên doanh, liên kết cũng diễn ra tương đối phổ biến. Đơn cử, tại Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Mỹ nghệ Việt Nam, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Bộ chưa xây dựng đề án sử dụng tài sản công trình Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phê duyệt theo quy định; Công ty TNHH Đầu tư thương mại và du lịch Thắng Lợi dùng 410m2 đất để góp vốn vào liên doanh khách sạn Hà Nội Fortuna trong khi chưa kê khai và nộp ngân sách nhà nước tiền thuê đất hằng năm là không đúng quy định…

Bịt lỗ hổng gây thất thoát, tiêu cực…

Qua tổng kết thực tiễn thời gian qua cho thấy, những tồn tại, bất cập trong quản lý tài sản công không chỉ ảnh hưởng đến nguồn lực phát triển mà còn gây nhiều hệ lụy như: Tham nhũng, tiêu cực, thất thoát, lãng phí. Do đó, các chuyên gia, đại biểu Quốc hội cho rằng, việc tăng cường quản lý đối với tài sản công, đi đôi với việc kiểm tra, giám sát sẽ góp phần kịp thời chấn chỉnh, lặp lại kỷ cương trong công tác này.

Dẫn chứng cho công tác quản lý, sử dụng tài sản công tại địa phương còn bất cập, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) cho biết, nguồn lực về nhà, đất công đang bị lãng phí rất lớn, khi nhiều nơi bị bỏ hoang thời gian dài; tình trạng liên kết, cho thuê còn tiềm ẩn rủi ro, có nguy cơ gây thất thoát cho ngân sách… Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ các quy định về quản lý tài sản công còn kẽ hở; đầu mối quản lý bị phân tán; cũng như thực tiễn quản lý tại một số cơ quan, địa phương còn lỏng lẻo, có tiêu cực.

Đánh giá cao vai trò của KTNN trong việc phát hiện, kiến nghị chấn chỉnh những bất cập trong công tác quản lý tài sản công vừa qua, đại biểu Nguyễn Tạo cho rằng, KTNN cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm toán; thẳng thắn chỉ rõ trách nhiệm của từng cơ quan, cá nhân có vi phạm để kiến nghị xử lý, lập lại trật tự, kỷ cương. Đặc biệt, cần “tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật, thống nhất đầu mối quản lý tài sản công; đẩy mạnh phân cấp để địa phương chủ động quản lý, khai thác hiệu quả nguồn lực; tăng cường vai trò giám sát của cơ quan dân cử” - đại biểu đề xuất.

Theo TS. Trần Anh Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính, để thúc đẩy thực hiện quản lý sử dụng tài sản công được hiệu quả, ngoài các giải pháp về quản lý nhà nước, cần tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm toán đối với vấn đề này; đặc biệt là vai trò giám sát của Quốc hội. Trong đó, cần xác định rõ nội dung giám sát tập trung vào những vấn đề quản lý, sử dụng tài sản công như lĩnh vực đất đai, nhà ở, tài nguyên... phù hợp với những mục tiêu chính sách đã được xác định trong các đạo luật và trong các nghị quyết của Quốc hội và được dư luận quan tâm.

Để chấn chỉnh những tồn tại, bất cập trong quản lý, sử dụng tại sản công, vừa qua, Bộ Tài chính đã có công văn gửi các Bộ, ngành, địa phương về việc tăng cường công tác quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý, đặc biệt là việc sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên kết.

Theo đó, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm và đầy đủ các quy định về quản lý, sử dụng tài sản công; đồng thời chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên kết. “Trên cơ sở kết quả kiểm tra, thanh tra, chỉ đạo xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và chấm dứt ngay các trường hợp kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết không đúng quy định của pháp luật” - Công văn số 1076/BTC-QLCS, ngày 07/02/2023 của Bộ Tài chính nêu rõ./.

Báo cáo tổng hợp của KTNN gửi Quốc hội về kết quả kiểm toán năm 2022 (niên độ ngân sách 2021) chỉ ra nhiều bất cập, thiếu sót trong công tác quản lý, sử dụng tài sản công. Trong đó nổi cộm là tình trạng một số Bộ, cơ quan trung ương chưa thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo quy định; chưa thực hiện các trình tự, thủ tục liên quan về thu tiền thuê đất; chưa thực hiện xác định giá trị quyền sử dụng đất để tính vào giá trị tài sản của đơn vị; còn tồn tại trong công tác cho thuê tài sản, liên doanh, liên kết.

Cùng chuyên mục
Lập lại kỷ cương trong quản lý tài sản công