Ngày 11/7/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài trên Báo Cứu quốc, chỉ rõ: “Cán bộ chính quyền và đoàn thể ta phải tẩy cho sạch bệnh quan liêu, mệnh lệnh, nếu không thì sẽ bị dân tẩy”. Theo Hồ Chí Minh, trước hết, đội ngũ cán bộ phải có nhận thức đúng về vai trò, vị trí của mình đối với sự nghiệp cách mạng, đối với nhân dân. Khi về thăm khu mỏ, vào ngày 04/10/1957, Người nói: “Cán bộ Đảng, cán bộ chính quyền không phải làm quan cách mạng, ăn trên ngồi trốc. Cán bộ Đảng cũng như cán bộ chính quyền, ngay cả Bác là cán bộ cao nhất đều là đầy tớ của nhân dân, phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân…”. Từ đó, Người yêu cầu đội ngũ cán bộ Đảng và chính quyền các cấp cần quan tâm chăm lo đời sống mọi mặt của nhân dân, bảo đảm cho nhân dân ấm no, hạnh phúc.
Hồ Chí Minh thường xuyên nêu ra những tiêu chí, yêu cầu về uy tín, tín nhiệm của đội ngũ cán bộ trong quá trình tham gia cách mạng cũng như trong xây dựng, rèn luyện phẩm chất năng lực. Người dạy: Cán bộ phải hết lòng, hết dạ phục vụ nhân dân, chấp hành nghiêm chỉnh chính sách, pháp luật, phải luôn đoàn kết nhất trí, giữ vững đạo đức cần, kiệm, liêm, chính và kiên quyết chống quan liêu, tham ô, lãng phí. Người nhắc nhở đội ngũ cán bộ phải bằng mọi cách xây đắp và gìn giữ cho được mối quan hệ máu thịt với nhân dân, giành và giữ cho tốt sự tin yêu của nhân dân. Trong bài “Cán bộ và đời sống mới” đăng trên Báo Sự thật ngày 02/9/1947, Người viết: “Muốn được dân tin, dân phục, dân yêu, cán bộ phải tự mình làm đúng đời sống mới. Nghĩa là phải siêng năng, tiết kiệm, trong sạch, chính đáng. Nếu không thực hành bốn điều đó, mà muốn được lòng dân, thì cũng như bắc dây leo trời”.
Một trong những yêu cầu quan trọng Hồ Chí Minh đặt ra là cán bộ phải gắn bó, gần gũi với nhân dân. Ngày 01/10/1960, Người gửi thư cho cán bộ nông trường nhà nước: “Cán bộ cùng ăn, cùng ở, cùng lao động, cùng bàn bạc công việc với quần chúng, thì khó khăn gì cũng khắc phục được, kế hoạch gì cũng hoàn thành tốt”. Người cũng chỉ rõ muốn sát dân, gần dân, học dân thì cán bộ cần tránh quan liêu, mệnh lệnh, phải thực hiện cho được phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính để có uy tín, tín nhiệm trong nhân dân.
Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải tăng cường trách nhiệm giải trình, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước về tiếp, đối thoại với công dân; tiếp nhận và kịp thời chỉ đạo giải quyết các vấn đề nhân dân phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, nhất là những vấn đề liên quan đến đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Cùng với sự nỗ lực rèn luyện, phấn đấu của đội ngũ cán bộ, Hồ Chí Minh cũng chỉ ra vai trò, trách nhiệm, tình cảm của nhân dân trong mối quan hệ với cán bộ. Người khẳng định nhân dân có quyền lựa chọn những cán bộ có uy tín, tín nhiệm ngay từ cơ sở để làm gương cho mình học tập, làm theo. Ngày 20/3/1947, Người nêu rõ: “Cán bộ của làng phải là người trong sạch, công bình, thạo việc, có thể làm gương cho dân làng; có thể hy sinh lợi ích riêng cho lợi ích chung. Trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, dân có quyền lựa chọn những cán bộ như thế”.
Tháng 6/1949, khi bàn về vấn đề Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích: “Quan tham vì dân dại. Nếu dân hiểu biết, không chịu đút lót, thì “quan” dù không liêm cũng phải hóa ra Liêm”. Người đề nghị nhân dân phải giúp cán bộ thực hiện chữ “Liêm”, mà muốn làm được như vậy thì nhân dân phải biết quyền hạn của mình và phải biết kiểm soát cán bộ.
Thực hiện tư tưởng, lời dạy trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước, các ngành, đoàn thể, địa phương ở Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp để đội ngũ cán bộ thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ, trau dồi đạo đức, nhân cách và năng lực mọi mặt của mình, gắn bó với dân, gần dân, sát dân, vì dân phục vụ. Bên cạnh đó, đông đảo quần chúng nhân dân cũng chủ động, tự giác tham gia hỗ trợ, giúp đỡ cán bộ phát huy phẩm chất, năng lực tốt đẹp, ngăn chặn, khắc phục, sửa chữa hạn chế, khuyết điểm. Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã và đang đoàn kết thống nhất, phối hợp thực hiện tích cực phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Ví dụ, trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở cấp cơ sở, cấp tỉnh vừa qua, nhân dân đã có nhiều đóng góp rất thiết thực, hiệu quả, từ đó đặt ra yêu cầu, đòi hỏi các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể phải tiếp tục huy động được sự tham gia tích cực của đông đảo nhân dân.
Ngày 19/6/2023, tại Hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo Đảng, chính quyền các cấp phải tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân có thể thực hiện tốt việc trực tiếp phản ánh, tố giác tham nhũng, tiêu cực, góp ý với cấp ủy về công tác cán bộ của Đảng, chính quyền, đoàn thể. Theo đó, nhiều biện pháp, cách làm cụ thể đã được Tổng Bí thư chỉ ra, như: “Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải tăng cường trách nhiệm giải trình, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước về tiếp, đối thoại với công dân; tiếp nhận và kịp thời chỉ đạo giải quyết các vấn đề nhân dân phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, nhất là những vấn đề liên quan đến đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên”. Đối với Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh “cần lập đường dây nóng hoặc phương thức phù hợp để tiếp nhận những thông tin về công tác chống tham nhũng, tiêu cực của nhân dân”.
Trách nhiệm, nghĩa vụ, tình cảm với Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã và đang đòi hỏi chúng ta phải quyết tâm kiên quyết, kiên trì thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, để phấn đấu đạt cho được mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ của Đảng tổ chức vào tháng 6/2023 vừa qua: “Kiên quyết đấu tranh loại ra khỏi đội ngũ những người sa vào tham nhũng, hư hỏng: Chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, cục bộ, ưu ái tuyển dụng người nhà, người thân không đủ tiêu chuẩn”; đồng thời: “Phát huy dân chủ, nâng cao ý thức trách nhiệm, nêu gương; tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức…” và tích cực, chủ động: “Làm tốt hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí đúng những người thật sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết; thật sự vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo” của bộ máy Đảng và Nhà nước./.