Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng cho rằng đấu tranh để loại bỏ những kẻ bất liêm là việc không dễ dàng mà rất gian khó, đau đớn. Ngày 06/02/1953, nói chuyện trong buổi khai mạc Lớp chỉnh huấn cán bộ Đảng, dân, chính ở cơ quan Trung ương, Người nhấn mạnh: “Việc tranh đấu với kẻ địch ở tiền tuyến bằng súng, bằng gươm còn dễ, nhưng việc tranh đấu với kẻ địch trong người, trong nội bộ, trong tinh thần, là một khó khăn, đau xót”.
Nhưng dù khó, dù đau đến đâu thì vẫn phải có quyết tâm, có giải pháp kiên quyết đấu tranh, loại bỏ những kẻ bất liêm. Muốn vậy, Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hiện chữ liêm và nếu không tự giác, gương mẫu thì phải có biện pháp trừng phạt. Ngày 30/10/1946, khi trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Chính phủ đã hết sức làm gương và nếu làm gương không xong thì sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ ăn hối lộ. Đã trị, đang trị và sẽ trị cho kỳ hết”. Người kiên quyết yêu cầu: “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”. Đồng thời, đối với những ai có sai phạm, khuyết điểm, thậm chí phạm tội nhưng biết ăn năn, hối cải, sửa chữa khuyết điểm, khắc phục hậu quả, lập công chuộc tội thì cần xem xét, xử lý sao cho vừa nghiêm minh, vừa nhân văn.
Trong xử lý nghiêm minh những kẻ bất liêm, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu sự nỗ lực, kiên quyết của Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng, cơ quan pháp luật và sự tham gia ủng hộ, đóng góp của nhân dân. Ngày 24/7/1962, nói chuyện tại Hội nghị cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, Hồ Chủ tịch nhắc nhở phải chủ động tuyên truyền, xây dựng cho nhân dân thái độ kiên quyết đấu tranh, phát hiện, tố giác những hành vi, việc làm bất liêm của các tổ chức, cá nhân. Người nói: “…Chúng ta phải phát động tư tưởng của quần chúng làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng ức, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi” và qua đó: “Không để cho tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”.
Những tư tưởng, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đấu tranh, loại bỏ tình trạng bất liêm luôn được Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam quán triệt, triển khai thực hiện ngày càng nghiêm túc và hiệu quả. Những hành vi bất liêm đã được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta xác định rõ, kiên quyết, kiên trì đấu tranh, phòng, chống mà biểu hiện rõ nhất là qua cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đánh giá: “Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng về chế độ ta” và xác định phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, “với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, triệt để hơn, hiệu quả hơn”. Trong đó, Đảng ta và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Điều quan trọng có ý nghĩa quyết định là: Nhận thức phải chín; tư tưởng phải thông; quyết tâm phải lớn và phương pháp phải đúng; góp phần từng bước làm chuyển biến tình hình, thực sự có kết quả rõ ràng, cụ thể”. Đảng ta và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng xác định: Trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần phải thật sự kiên quyết, kiên trì, tuyệt đối không có ngoại lệ, không có vùng cấm, cũng như: “Không chịu bất kỳ một sức ép nào của bất cứ tổ chức, cá nhân nào”. Đồng thời, có sự phối hợp thực hiện kiên quyết, nghiêm minh, chặt chẽ, đồng bộ giữa kỷ luật đảng với kỷ luật hành chính và xử lý hình sự các hành vi tham nhũng, tiêu cực xảy ra, bảo đảm đúng nguyên tắc: “Tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó, không phân biệt người có hành vi tham nhũng là ai, đã có dấu hiệu tội phạm phải khởi tố điều tra và đã kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử”.
Một trong các giải pháp quan trọng để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong giai đoạn hiện nay, được Đảng ta và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ ra là phải huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Cụ thể, phải: “Phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, nhân dân, cơ quan truyền thông và báo chí, doanh nghiệp, doanh nhân trong phòng, chống tham nhũng”. Và phải quán triệt thật sâu sắc “tư tưởng “dân là gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dựa vào dân, lắng nghe dân, lắng nghe dư luận để chọn lọc tiếp thu cái đúng, nhưng không chạy theo dư luận”.
Cùng với đó, phải chú trọng quan tâm xây dựng sự liêm chính, tạo thuận lợi để lực lượng trực tiếp tiến hành phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đủ phẩm chất, năng lực, uy tín hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ. Cụ thể, thực hiện đúng tinh thần mà Hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, ngày 19/6/2023 đã đề ra: “Phải phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành liêm chính ngay trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, có chính sách đãi ngộ hợp lý; tạo điều kiện thuận lợi và động lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nỗ lực phấn đấu, toàn tâm, toàn ý với công việc”.
Với nỗ lực cố gắng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, cũng như từ những kết quả và kinh nghiệm đạt được trong thời gian vừa qua, chúng ta tin tưởng và chờ đợi vào sự khẳng định của Đảng và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới sẽ có bước tiến mới, mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa và đạt hiệu quả cao hơn nữa. Tham nhũng, tiêu cực nhất định sẽ bị ngăn chặn, đẩy lùi; góp phần xây dựng Đảng ta, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và xứng đáng với niềm tin yêu, sự mong đợi của nhân dân”./.