Đảm bảo phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng"
Thông tin tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TƯ ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khoá XI), Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy Phùng Văn Dũng cho biết, sau 10 năm triển khai thực hiện, Quy định MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền đã phát huy hiệu quả và được nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Các cấp ủy đảng, chính quyền nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện, ban hành văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp, tạo điều kiện để MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Qua đó, nhận thức của các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên, công chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân về việc góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội được nâng lên.
MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội đã phát huy tốt vai trò chủ trì trong việc tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của thành phố, thiết thực thể chế hóa cơ chế: Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, với phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".
Với hình thức góp ý định kỳ, MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên đã thực hiện góp ý bằng văn bản định kỳ mỗi năm một lần trước khi kiểm điểm cấp ủy, tổ chức Đảng và trước khi kết thúc nhiệm kỳ của cấp ủy cùng cấp với tổng số 20.748 ý kiến.
Với hình thức góp ý thường xuyên, đã tham gia góp ý với tổ chức đảng 22.831 ý kiến thông qua hòm thư góp ý tại trụ sở làm việc, tại nhà văn hóa thôn, tổ dân dân phố và bằng văn bản góp ý với dự thảo kế hoạch chương trình công tác năm của cấp uỷ cùng cấp gửi đầu nhiệm kỳ và hằng năm. Với hình thức góp ý đột xuất, đã góp ý 11.317 ý kiến đối với dự thảo văn bản chỉ đạo của cấp ủy các cấp trước khi được ban hành.
Liên đoàn Lao động Thành phố đã thực hiện góp ý 1.870 lượt ý kiến, Hội Nông dân đóng góp 4.950 ý kiến vào 865 dự thảo chương trình; Các cấp hội phụ nữ đã đóng góp 8.020 ý kiến bằng văn bản với cấp ủy, tổ chức đảng trước các kỳ kiểm điểm, 21.255 lượt góp ý thông qua tiếp xúc trực tiếp của cán bộ, đảng viên.
Hội Cựu chiến binh Thành phố đã tham gia góp 374 ý kiến bằng văn bản mỗi năm một lần trước khi kiểm điểm cấp ủy, tổ chức đảng, đóng góp 8.769 ý kiến vào các dự thảo văn bản do cấp ủy, tổ chức Đảng gửi đến…
Trong thời gian chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2015- 2020) và Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020- 2025), các tổ chức chính trị xã hội Thành phố đã tổ chức nhiều hội nghị lấy ý kiến của các tổ chức thành viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia ý kiến vào dự thảo các văn kiện đại hội Đảng các cấp với gần 138.000 lượt ý kiến góp ý vào dự thảo báo cáo chính trị các cấp.
Cùng với đó, việc tiếp thu ý kiến góp ý của nhân dân góp phần phát huy dân chủ, củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân Thủ đô; đặc biệt, đã giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, rèn luyện cán bộ lãnh đạo, quản lý toàn diện về kiến thức, kỹ năng, tác phong, bản lĩnh.
Nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của việc đóng góp xây dựng Đảng, chính quyền
Theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, một trong những bài học kinh nghiệm của Thành phố trong 10 năm qua là phải phát huy dân chủ trong Đảng, xã hội và phải dựa vào dân để xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Đặc biệt là đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong giải quyết vướng mắc của nhân dân thông qua công tác tiếp thu các ý kiến đóng góp xây dựng Đảng, chính quyền tại hội nghị đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân.
Thời gian tới, các địa phương phải đặc biệt quan tâm đến công tác nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, việc nắm bắt tình hình dư luận thực tế tại các địa phương phải thực chất, tuyệt đối không chủ quan và “bệnh thành tích” để kịp thời giải quyết triệt để những bức xúc, tồn tại ngay từ cơ sở, không để phát sinh những điểm nóng tại các địa phương.
Để góp phần tạo sự đồng thuận trong nhân dân, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong triển khai thực hiện mọi chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tại địa phương, vai trò của hệ thống MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội hết sức quan trọng. Do đó, các địa phương, đơn vị cần nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của việc triển khai thực hiện Quyết định 218-QĐ/TƯ.
Trong đó, cần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân về việc MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp thành phố góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. Đối với các đơn vị, địa phương, cần rà soát lại các kiến nghị, góp ý của các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn, đặc biệt chú trọng kiểm tra sau thanh tra, kết luận.
Đối với các cấp ủy, chính quyền các cấp cần thực hiện nghiêm Kết luận số 21-KL/TƯ ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" và Chỉ thị số 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội “Về việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố”; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai thực hiện các quy định này./.