Cần cơ chế phối hợp, theo dõi thực hiện kiến nghị kiểm toán

(BKTO) - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Bùi Quốc Dũng lưu ý: Cùng một vấn đề nhưng lại có hai kiến nghị kiểm toán khác nhau, trường hợp này phải chuẩn bị thật tốt để có thể lý giải trong Phiên giải trình sắp tới. Đặc biệt, cần có cơ chế theo dõi thực hiện kiến nghị dựa trên thực tế.

s1.jpg
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng chủ trì cuộc họp báo cáo kết quả rà soát tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán của KTNN chuyên ngành VII. Ảnh: Thành Đức

Chiều 16/8, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng đã có buổi làm việc với Kiểm toán nhà nước (KTNN) chuyên ngành VII về tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán đến hết niên độ ngân sách nhà nước năm 2021. 

Một số kiến nghị khó thực hiện do chưa có hướng dẫn

Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VII Vũ Văn Cường cho biết: Đến thời điểm 31/3/2023, tổng số kiến nghị về xử lý tài chính và xử lý khác của đơn vị là 17.755 tỷ đồng, trong đó, tổng số kiến nghị chưa thực hiện là 4.235,98 tỷ đồng (tỷ lệ thực hiện là 76,19%, tỷ lệ chưa thực hiện là 33,81%).

s2.jpg
Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VII báo cáo kết quả rà soát tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán của đơn vị.
Ảnh: Thành Đức

Trong tổng số kiến nghị chưa thực hiện, niên độ ngân sách nhà nước (NSNN) 2021 (năm kiểm toán 2022) là 1.621,24 tỷ đồng (trong đó, 1.597,56 tỷ đồng chưa tới kỳ báo cáo). Niên độ NSNN 2020 (năm kiểm toán 2021) tồn đọng 99,97 tỷ đồng kiến nghị xử lý khác chưa thực hiện tại 2 đơn vị. Niên độ NSNN 2019 trở về trước tồn đọng là 2.514,76 tỷ đồng kiến nghị.

Đến thời điểm 31/3/2023, chỉ còn 1 kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm tại 1 đơn vị chưa thực hiện; trong khi đó, còn 6 kiến nghị cơ chế chính sách chưa thực hiện.

Đến thời điểm 31/3/2023, theo rà soát của KTNN chuyên ngành VII, 21 đầu mối, đơn vị có kiến nghị còn tồn đọng chưa thực hiện, trong đó có 3 đơn vị Ủy ban Tài chính ngân sách (UBTCNS) của Quốc hội không yêu cầu báo cáo, còn lại 18 đơn vị UBTCNS yêu cầu gửi báo cáo về tình hình thực hiện kiến nghị của KTNN.

Kết quả rà soát báo cáo các đơn vị gửi UBTCNS cho thấy, 5/18 đơn vị có số liệu báo cáo khớp với số liệu của KTNN chuyên ngành VII. 13/18 đơn vị có số liệu báo cáo chênh lệch với số liệu của KTNN, nguyên nhân chủ yếu do các đơn vị báo cáo không đầy đủ.

Theo kết quả theo dõi, một số kiến nghị được đơn vị báo cáo khó thực hiện do còn chờ hướng dẫn của các cơ quan chức năng. Cụ thể là: Kiến nghị về rà soát lại các khoản thu nhập từ hoạt động cung ứng dịch vụ thư tín dụng từ năm 2011 đến năm 2019, làm việc với cơ quan thuế để kê khai và nộp thuế giá trị gia tăng theo đúng quy định pháp luật; kiến nghị thu hồi về Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của các trường hợp hưởng trợ cấp thất nghiệp chưa đúng quy định; kiến nghị thực hiện, nhất quán trong việc áp dụng các giải pháp hỗ trợ, xử lý đối với các ngân hàng được mua lại giá 0 đồng/cổ phần; kiến nghị tiếp tục có giải pháp quyết liệt, khả thi để xử lý theo quy định đối với các khoản công nợ phải thu tồn đọng lâu ngày tại một số đơn vị.

Đáng lưu ý, đối với kiến nghị tăng thu về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp (HTSXDN), KTNN chuyên ngành VII cho biết: Do có sự thay đổi về cơ chế chính sách, kể từ khi Nghị định số 148/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành (từ ngày 01/4/2022), các khoản phải thu về Quỹ HTSXDN được chuyển thu vào ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo phân cấp (không còn thu nộp về Quỹ HTSXDN). Theo đó, cơ quan đại diện chủ sở hữu trung ương, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm rà soát, xác định các khoản phải thu về Quỹ để thu vào ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo phân cấp tại Nghị định số 148/2021/NĐ-CP. Để giải quyết triệt để kiến nghị trên, các đơn vị được kiểm toán, đặc biệt là UBND các địa phương cần cung cấp đầy đủ bằng chứng chứng minh việc thực hiện kiến nghị của KTNN.

Có phương án giải trình đối với vấn đề phát sinh

Nội dung đáng lưu ý từ kết quả rà soát, theo dõi tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán của KTNN chuyên ngành VII là kiến nghị về chuyên đề kiểm toán việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch Covid, thu hồi về Quỹ BHTN của các trường hợp hưởng trợ cấp thất nghiệp chưa đúng quy định.

s3.jpg
Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Nguyễn Tuấn Trung đề nghị KTNN chuyên ngành VII làm rõ hơn một số vấn đề. Ảnh: Thành Đức

Liên quan đến nội dung này, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp KTNN Nguyễn Tuấn Trung đề nghị KTNN chuyên ngành VII làm rõ tính khả thi trong việc thu hồi về Quỹ BHTN, có báo cáo cụ thể để Vụ Tổng hợp tổng hợp vào báo cáo của toàn Ngành trong phiên làm việc với UBTCNS. Đối với những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện kiến nghị thu hồi về Quỹ BHTN, KTNN chuyên ngành VII cần tham mưu cho lãnh đạo Ngành phương án xử lý.

Một nội dung đáng quan tâm nữa là kiến nghị tăng thu về Quỹ HTSXDN. Ông Nguyễn Tuấn Trung đề xuất: Số liệu nào tổng hợp từ báo cáo kiểm toán ngân sách địa phương thì KTNN khu vực phụ trách địa phương đó theo dõi thực hiện kiến nghị, KTNN chuyên ngành VII theo dõi đối với những nội dung trực tiếp kiến nghị và làm nhiệm vụ tổng hợp số liệu chung.

s6.jpg
Ông Lê Mạnh Cường - Trưởng phòng, KTNN chuyên ngành VII - làm rõ hơn một số kiến nghị kiểm toán. Ảnh: Thành Đức

Ông Lê Mạnh Cường - Trưởng phòng, KTNN chuyên ngành VII - làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến kiến nghị tăng thu về Quỹ HTSXDN, đồng thời cho biết: Đối với một số kiến nghị tại Bình Định, Đà Nẵng, KTNN chuyên ngành VII đã đề nghị KTNN khu vực III phối hợp, hỗ trợ đơn vị trong việc đôn đốc, theo dõi thực hiện kiến nghị. Ông Cường cũng kiến nghị với lãnh đạo KTNN xem xét, giao trách nhiệm cho KTNN khu vực theo dõi thực hiện các kiến nghị kiểm toán ở cấp địa phương để đảm bảo hiệu quả. Tuy nhiên, các địa phương phải tôn trọng kiến nghị của KTNN chuyên ngành VII cũng như các đơn vị khác.

Liên quan đến đề xuất trên, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng định hướng: Đầu mối đốc thúc địa phương phải là KTNN khu vực, các KTNN chuyên ngành phối hợp, rà soát kiểm tra lại bằng chứng và tổng hợp. Vụ Tổng hợp cân nhắc cơ chế theo dõi thực hiện kiến nghị dựa trên thực tế.

Đối với vấn đề trùng lặp theo dõi kiến nghị giữa KTNN chuyên ngành VII và KTNN chuyên ngành VI, đại diện KTNN chuyên VI kiến nghị lãnh đạo Ngành cũng như Vụ Tổng hợp gợi mở giải pháp để hai đơn vị phối hợp rà soát, tránh việc theo dõi trùng lặp.

Nêu ý kiến về nội dung này, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng đặt vấn đề: Báo cáo kiểm toán của một trong hai đơn vị phải điều chỉnh. Tuy nhiên, việc điều chỉnh phải có sự thống nhất giữa các đơn vị chuyên môn. Văn bản đề xuất điều chỉnh phải có bằng chứng liên quan đến điều chỉnh nội dung đó.

Theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng, phát sinh lớn nhất là cùng một vấn đề nhưng hai kiến nghị khác nhau mà chúng ta chưa có văn bản điều chỉnh hoặc hủy bỏ một trong hai kiến nghị. Trường hợp này chuẩn bị thật tốt để sẵn sàng giải đáp trong Phiên giải trình tới nếu được yêu cầu./.

Cùng chuyên mục
Cần cơ chế phối hợp, theo dõi thực hiện kiến nghị kiểm toán