Cần hơn 250.000 tỷ đồng "nâng đời" cao tốc phân kỳ, ngân sách mới cân đối được 8% nhu cầu

(BKTO) - Trên cơ sở lấy ý kiến của các bộ, ngành, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề xuất danh mục 28 cao tốc phân kỳ cần ưu tiên nâng cấp, mở rộng với tổng nhu cầu vốn khoảng 247.660 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay ngân sách trung ương và địa phương mới cân đối được 18.763 tỷ đồng cho 5 dự án, đáp ứng gần 8% nhu cầu...

14.6-khdt(1).jpg
Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề xuất phát hành gói Trái phiếu chính phủ 165.000 tỷ đồng đầu tư dự án.

Tính đến cuối tháng 5/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới nhận được văn bản của 11/15 cơ quan (gồm Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Ủy ban nhân dân các tỉnh: Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hà Giang, Hòa Bình, Cao Bằng, Hải Phòng, Sở Giao thông vận tải tỉnh Ninh Bình, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Bình) góp ý về phương án đầu tư, nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc phân kỳ đạt quy mô hoàn chỉnh.

Các cơ quan chưa có ý kiến gồm: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Sơn La.

Lo đầu tư dàn trải, huy động vốn rơi vào bế tắc

Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, Uỷ ban Quản lý vốn, để đảm bảo thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc khẩn trương triển khai các giải pháp hiệu quả, kịp thời, khắc phục các tồn tại, hạn chế, tăng cường an toàn giao thông, nâng cao hiệu quả khai thác đường bộ cao tốc đang khai thác theo quy mô phân kỳ, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề nghị khu biệt lại các công trình thật sự cần thiết để đầu tư nâng cấp; tránh đầu tư dàn trải và không khả thi trong việc bố trí, huy động vốn.

Theo đó, các dự án Hòa Bình - Mộc Châu, Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Hữu Nghị - Chi Lăng đoạn nối cửa khẩu Cốc Nam với cửa khẩu Tân Thanh chưa làm rõ lưu lượng cần thiết phải mở rộng, nâng cấp.

Đối với các đoạn tuyến hiện đang đầu tư theo phương thức PPP hoặc vốn doanh nghiệp đề xuất sử dụng vốn ngân sách nhà nước tham gia đầu tư mở rộng trong khi chưa đánh giá sự phù hợp pháp luật theo các quy định hiện hành sẽ khó khả thi.

Đồng thời, chưa làm rõ trách nhiệm và khả năng huy động nguồn vốn ngân sách trung ương và nguồn vốn ngân sách địa phương. Chẳng hạn, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình không cân đối được vốn ngân sách địa phương mở rộng dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn 12km qua địa phận tỉnh Thái Bình và TP. Hải Phòng.

Bộ Tài chính cho rằng phương án đầu tư, nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc phân kỳ đạt quy mô hoàn chỉnh của Bộ Giao thông vận tải mới mang tính tổng hợp nhu cầu, chưa cung cấp đầy đủ thông tin, số liệu để thuyết minh đánh giá sự cần thiết, tính cấp bách phải đầu tư đối với từng đoạn tuyến; sự phù hợp với các quy hoạch có liên quan.

Theo Bộ Tài chính, phương án này cũng chưa đánh giá tác động của chính sách đối với các dự án đang thực hiện; chưa đề xuất nhu cầu vốn ngân sách trung ương và đánh giá khả năng thực hiện, giải ngân trong từng giai đoạn 2021-2025, 2026-2030 và sau 2030.

Bộ Giao thông vận tải cũng chưa đề xuất các biện pháp, giải pháp để tổ chức triển khai thực hiện (trình tự, thủ tục phải thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư, dự án đầu tư, hợp đồng dự án PPP...); chưa lựa chọn đề xuất danh mục dự án ưu tiên đầu tư trong từng nhóm...

Bên cạnh đó, theo quy định của pháp luật giao thông đường bộ, ngân sách nhà nước, đầu tư công và các quy định hiện hành có liên quan, đối với các tuyến cao tốc đầu tư theo hình thức đầu tư công, Bộ Giao thông vận tải là cơ quan chủ quản và ngân sách trung ương bố trí vốn để thực hiện. Đối với các dự án PPP, tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án không quá 50% tổng mức đầu tư của dự án.

Do đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông vận tải có phương án triển khai thực hiện các dự án cụ thể, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật, tránh việc phát sinh nhiều nội dung phải trình Quốc hội ban hành Nghị quyết để xử lý.

4 nguyên tắc, tiêu chí ưu tiên đầu tư

Nhấn mạnh về nguyên tắc, tiêu chí đầu tư nâng cấp, Bộ Kế hoạch & Đầu tư nêu rõ một là, đầu tư mở rộng các đoạn quy mô 2 làn xe (đã hoàn thành, đang đầu tư) lên quy mô 4 làn xe để đảm bảo an toàn giao thông và đồng bộ trên toàn tuyến.

Ưu tiên các đoạn đang mất an toàn giao thông nghiêm trọng, thường xuyên xảy ra tai nạn, đặc biệt trên trục cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các đoạn có lưu lượng tăng cao gây ách tắc kéo dài, các dự án PPP đã đưa vào khai thác có khả năng thu xếp được nguồn vốn, thủ tục đầu tư thuận lợi.

Hai là, đầu tư mở rộng toàn bộ các đoạn tuyến cao tốc có quy mô 4 làn xe hạn chế, 4 làn xe hoàn chỉnh đang khai thác lên quy mô theo quy hoạch trên trục cao tốc Bắc - Nam phía Đông và các đoạn cao tốc kết nối tại cửa ngõ trung tâm TP. lớn, giảm ùn tắc, bức xúc về kinh tế - xã hội.

Ba là, việc đầu tư cần phù hợp với nguồn vốn, khả năng cân đối vốn và khả năng giải ngân vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm của ngân sách trung ương/ngân sách địa phương.

Đối với các dự án PPP dự kiến được nguồn vốn đầu tư công và kế hoạch huy động vốn nhà đầu tư tham gia vào dự án PPP.

Bốn là, phù hợp với quy định của pháp luật.

Danh mục 23 dự án cần nâng cấp với nhu cầu gần 250.000 tỷ đồng

Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề xuất danh mục 28 dự án đầu tư gồm 23 dự án đầu tư công, 2 dự án đầu tư PPP và 3 dự án do VEC quản lý, với tổng nhu cầu vốn là 247.660 tỷ đồng.

Cụ thể, thứ nhất, 23 dự án đầu tư công được đề xuất nâng cấp, mở rộng cần nhu cầu vốn 181.403 tỷ đồng, được chia thành hai nhóm.

Nhóm các dự án đang khai thác gồm: Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Hoà Liên, Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây.

Nhóm các dự án đang thi công gồm: Tuyên Quang - Hà Giang đoạn qua tỉnh Tuyên Quang, Tuyên Quang - Hà Giang đoạn qua tỉnh Hà Giang; Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh - Vân Phong, Vân Phong - Nha Trang.

Thứ hai, hai dự án PPP được đề xuất mở rộng với tổng nhu cầu vốn 43.162 tỷ đồng tỷ đồng, gồm: Hoà Lạc - Hoà Bình (đang điều chỉnh chủ trương đầu tư), TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận.

Thứ ba, ba dự án do VEC quản lý được đề xuất nâng cấp với nhu cầu 23.095 tỷ đồng, gồm: Hà Nội - Lào Cai đoạn Yên Bái - Lào Cai, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Về khả năng cân đối nguồn vốn nâng đời các tuyến cao tốc, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết hiện nay, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 nguồn ngân sách trung ương dự kiến cân đối được 15.506 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 và dự kiến tăng thu ngân sách trung ương năm 2023 để nâng cấp, mở rộng 4 dự án.

Về khả năng cân đối nguồn vốn, dự án Cam Lộ - La Sơn được xem xét, cân đối 7.000 tỷ đồng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2023, Bộ Giao thông vận tải đang lấy ý kiến các địa phương để lập dự án đầu tư.

Dự án La Sơn - Hoà Liên được cân đối 3.011 tỷ đồng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chủ trương đầu tư, Bộ Giao thông vận tải đang hoàn thiện để phê duyệt dự án, dự kiến khởi công năm 2024, hoàn thành năm 2025.

Dự án Tuyên Quang - Hà Giang đoạn qua tỉnh Tuyên Quang được xem xét cân đối 2.000 tỷ đồng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2023. Hiện, dự án đang triển khai thi công giai đoạn 1 với quy mô 2 làn xe, dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 trong năm 2025.

Dự án Tuyên Quang - Hà Giang đoạn qua tỉnh Hà Giang được cân đối 1.500 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương 2023, đang triển khai thi công giai đoạn 1 quy mô 2 làn xe, dự kiến hoàn thành trước ngày 19/5/2025.

Dự án Cao Bồ - Mai Sơn có tổng mức đầu tư 1.995 tỷ đồng. Trong đó, 1.200 tỷ đồng được bố trí từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 và 795 tỷ đồng giai đoạn 2026 - 2030 của Bộ Giao thông vận tải. Hiện, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt chủ trương đầu tư, dự kiến, dự án khởi công trong năm 2024, hoàn thành năm 2026.

"Số vốn còn thiếu khoảng 165.897 tỷ đồng dành cho 18 dự án nâng cấp, mở rộng cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ 4 làn xe hạn chế, 4 làn xe hoàn chỉnh lên quy mô hoạch", Bộ Kế hoạch & Đầu tư tính toán.

Về vốn ngân sách địa phương, hiện có tỉnh Hoà Bình đã cam kết số vốn 3.257 tỷ đồng nguồn ngân sách địa phương tham gia dự án mở rộng cao tốc Hoà Lạc - Hoà Bình theo phương thức PPP./.

Để đáp ứng nhu cầu vốn nâng cấp mở rộng các tuyến cao tốc, Bộ Kế hoạch & Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép phát hành gói Trái phiếu chính phủ khoảng 165.000 tỷ đồng để đầu tư các dự án giao thông vận tải.  

"Bộ Giao thông vận tải ưu tiên đầu tư mở rộng các dự án cao tốc 4 làn xe hạn chế, 4 làn xe hoàn chỉnh trên tuyến cao tốc Bắc - Nam theo quy mô quy hoạch, đáp ứng yêu cầu vận tải hành khách và hàng hoá thực tế trong tương lai với tầm nhìn dài hạn trên 20 năm", Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề nghị.

Cùng chuyên mục
Cần hơn 250.000 tỷ đồng "nâng đời" cao tốc phân kỳ, ngân sách mới cân đối được 8% nhu cầu