Cần làm rõ một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp

(BKTO) - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang xây dựng Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (Dự thảo). Góp ý cho Dự thảo này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng một số quy định tại Dự thảo còn thiếu rõ ràng.



                
   

VCCI cho rằng cầnlàm rõ một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp - Ảnh minh họa: chinhphu.vn

   

Cụ thể, tại khoản 1 Điều 3 Dự thảo quy định mức độ hành vi vi phạm theo từng cấp độ: không nghiêm trọng, ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

Theo VCCI, quy định này là cần thiết, đảm bảo tính minh bạch, thuận lợi trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, để làm rõ các mức độ hành vi vi phạm trên, Dự thảo lại sử dụng các cụm từ khá chung chung, chưa đủ cụ thể, rõ ràng, ví dụ như: “mức độ tác hại, tác động rất lớn”, “đặc biệt lớn”; “tác động nhỏ”. Các cụm từ trên không rõ như thế nào là hành vi có “tác động nhỏ” hoặc “tác động rất lớn”… trong phạm vi nội bộ của tổ chức; đồng thời cũng không rõ các mức độ này do ai xác định; dựa trên tiêu chí nào.

“Sự thiếu rõ ràng trong quy định trên có thể gây khó khăn khi triển khai trên thực tế và tạo ra nhiều rủi ro cho đối tượng bị xử phạt, vì cơ quan xử phạt có thể tùy ý diễn giải về mức độ vi phạm để xác định khung. Do đó, để hạn chế tình trạng này, đề nghị cơ quan soạn thảo chỉnh sửa, bổ sung quy định trên theo hướng định lượng rõ hơn về cách xác định mức độ hành vi vi phạm” - VCCI góp ý.

Bên cạnh đó, tại khoản 4 Điều 6 Dự thảo quy định xử phạt đối với hành vi thành lập, chia tách, sáp nhập, giải thể cơ sở giáo dục nghề nghiệp khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

VCCI cho rằng, quy định này là không rõ về hành vi vi phạm bị xử phạt hoặc phạm vi vi phạm của hành vi là quá rộng. Bởi vì, các hành vi vi phạm liên quan đến việc thành lập, chia tách, sáp nhập, giải thể cơ sở giáo dục nghề nghiệp… có thể là hành vi vi phạm về tính chính xác trong hồ sơ thực hiện thủ tục; việc sử dụng các loại giấy phép… Do đó, những hành vi trên có thể bao trùm lên các hành vi khác quy định tại các điều khác của Dự thảo.

“Do đó, để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị cơ quan soạn thảo hoặc là bỏ quy định trên hoặc là quy định cụ thể hành vi vi phạm là gì” - VCCI góp ý./.

DIỆU THIỆN
Cùng chuyên mục
Cần làm rõ một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp