Cần làm rõ phương án đầu tư và hiệu quả của Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

(BKTO) - Đây là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước đối với quá trình thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

11.jpg
Dự kiến, Chính phủ sẽ trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án vào Kỳ họp thứ 8. Ảnh minh họa

Thuyết minh rõ phương án huy động và khả năng cân đối vốn

Tại phiên họp Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam (phiên họp lần thứ 2), tổ chức ngày 15/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định nhà nước nhấn mạnh, để bảo đảm tiến độ, chất lượng Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án, đề nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cần nghiên cứu kỹ, làm rõ phương án đầu tư và hiệu quả của Dự án.

Theo đó, về phương án đầu tư, Bộ GTVT cần làm rõ các thông số về quy mô đầu tư các hạng mục Dự án trên cơ sở phân tích, đánh giá sự tuân thủ khung tiêu chuẩn áp dụng cho Dự án, thực tiễn các dự án tương đồng trên thế giới và phù hợp với hoàn cảnh, các điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay.

Về hiệu quả của Dự án, Bộ GTVT cần rà soát lại nội dung đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội và hiệu quả tài chính của Dự án cho phù hợp (đặc biệt là số liệu tính toán hiệu quả tài chính). Về nguồn vốn, khả năng cân đối vốn, Bộ GTVT cần thuyết minh, làm rõ phương án huy động và khả năng cân đối vốn cho Dự án bảo đảm khả thi và đúng quy định.

Cùng với đó, cần rà soát tổng thể các nhóm cơ chế chính sách đặc biệt nêu trong hồ sơ, tài liệu Dự án; rà soát kỹ, làm rõ các cơ chế, chính sách thật sự cần thiết đối với Dự án để báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định, bảo đảm hiệu lực pháp lý và tính khả thi thực hiện. Đồng thời, làm rõ các đề xuất cơ chế chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao công nghệ; tìm kiến vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài có chi phí thấp. Nghiên cứu, xem xét các đề xuất của Thành viên Hội đồng, trong đó có đề xuất cơ chế, chính sách đặc biệt cho phép trong bước tiếp theo điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác có liên quan...

Chủ tịch Hội đồng thẩm định yêu cầu, quá trình thẩm định, cho ý kiến về Dự án cần bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng và Thường trực Chính phủ. Theo đó, Bộ Chính trị thống nhất chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam với phương án đầu tư toàn tuyến theo hình thức đầu tư công, tốc độ 350 km/h, vận chuyển hành khách là chính, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể chở hàng hóa khi cần thiết. Đặc biệt, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước yêu cầu về hướng tuyến phải bám sát các chỉ đạo của Thường trực Chính phủ. Cụ thể ở đây là hướng tuyến phải thẳng nhất có thể, nhằm giảm chi phí, bảo đảm tốc độ khai thác, tạo ra không gian phát triển mới, tiết kiệm chi phí...

Chủ tịch Hội đồng thẩm định nhà nước đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu, giải trình cụ thể, có sức thuyết phục cao đối với các nội dung, như: Dự báo nhu cầu, phạm vi phục vụ; lựa chọn sơ bộ về công nghệ, kỹ thuật chính và các điều kiện cung cấp vật tư, nguyên liệu, năng lượng, dịch vụ, hạ tầng; tổng mức đầu tư; phương án huy động vốn; các cơ chế chính sách đặc thù… Đặc biệt, phải tính đúng, tính đủ chi phí xây dựng, không tô hồng bức tranh tài chính.

Theo dự kiến, Chính phủ sẽ trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào kỳ họp thứ 8 vào cuối tháng 10 tới đây. Vì vậy, công tác thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án phải hoàn thành trong ngày 19/10.

Đánh giá thấu đáo về việc làm như thế nào, bao giờ làm

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan tán thành chủ trương đầu tư đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Tuy nhiên, theo bà Lan, làm như thế nào, bao giờ làm, nguồn lực nào là những vấn đề phải tính toán cẩn trọng. Ngay sau khi chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam được thông qua, việc đầu tiên nên triển khai là đầu tư nghiên cứu, phân tích, đánh giá một cách đầy đủ, thấu đáo về dự án, không nên gấp rút triển khai ngay.

Bà Lan cho biết, bà và nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông vận tải còn trăn trở giữa hai phương án: đường sắt tốc độ cao 350km/h liệu có hiệu quả bằng đường sắt cao tốc với tốc độ vừa phải, chừng 250km/h. Ở các nước, đường sắt cao tốc đều đảm nhận cả hai mục tiêu chở người và chở hàng. Đối với Việt Nam, việc chở hàng có lẽ còn quan trọng hơn khá nhiều so với chở người bởi đã có nhiều phương tiện chở người. Còn nếu hàng hóa lưu thông với tốc độ nhanh, chi phí rẻ sẽ giúp kinh tế phát triển, giúp thu nhập của người dân cao lên, từ đó nhiều người có khả năng sử dụng dịch vụ đường sắt tốc độ cao. Nếu hàng hóa bế tắc, đời sống người dân không phát triển thì sẽ không đảm bảo được nguồn thu cho ngành đường sắt.

Cũng theo bà Lan, với tinh thần phát huy nội lực, tinh thần tự lực, tự cường, nhất thiết phải có sự tham gia của khu vực tư nhân trong nước khi triển khai dự án này. Đều đáng mừng là mới đây Thủ tướng đã mời các công ty lớn của Việt Nam bàn thảo về vấn đề này. Đồng thời, cơ quan chức năng nên tham vấn rộng rãi ý kiến của đông đảo người dân về dự án. Bởi lẽ, vốn đầu tư cho dự án này rất lớn, ước tính khoảng 70 tỷ USD. Cuối cùng, phải xem xét yếu tố biến đổi khí hậu và các nguy cơ rủi ro đối với đường sắt cao tốc, trong đó có sự sạt lở của đồi, núi (sẽ làm đứt gãy đường sắt).

Ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, cần có một đề án cụ thể về thu hút nguồn vốn trong nhân dân khi triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, có thể thông qua hình thức phát hành trái phiếu Chính phủ với mức lãi suất hấp dẫn để khuyến khích người dân tham gia. Bên cạnh đó, ông Thân cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để tổ chức triển khai và kiểm soát các dự án lớn. Chính phủ có thể "đặt đề bài" cho các doanh nghiệp tầm cỡ trong nước, bảo lãnh cho họ trực tiếp vay vốn và đàm phán với các đối tác nước ngoài (để mua công nghệ, thuê chuyên gia...). Như vậy, một mặt sẽ tiết giảm chi phí rất lớn từ việc tham gia của cơ quan nhà nước trong tất cả các khâu, mặt khác sẽ gia tăng hiệu quả và tránh được rủi ro cho các nhà thầu./.

Cùng chuyên mục
  • Thanh Hóa: Điểm sáng về kinh tế đến từ 3 trụ cột
    hôm qua Kinh tế
    9 tháng đầu năm, bức tranh kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa duy trì tăng trưởng cao, trên từng lĩnh vực đều có bước phát triển tích cực. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 12,46% (đứng thứ 2 cả nước sau tỉnh Bắc Giang). Trong đó, nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,43%; công nghiệp - xây dựng tăng 18,85%; dịch vụ tăng 7,23%... Nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ tiếp tục với thành tích nổi trội
  • Vinh danh các thương hiệu mạnh Việt Nam
    hôm qua Doanh nghiệp
    (BKTO) - Chiều 16/10, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế Việt Nam (VnEconomy) đã tổ chức Chương trình Thương hiệu mạnh Việt Nam lần thứ 21 (2003-2024) và Lễ công bố, vinh danh TOP 10 – TOP 50 Thương hiệu mạnh Việt Nam năm 2024.
  • Sửa các luật về đầu tư: Không tạo thêm khó khăn, bất lợi cho người dân, doanh nghiệp
    hôm qua Kinh tế
    (BKTO) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư và Luật Đấu thầu (Luật sửa 4 luật) cần đảm bảo tính khả thi, không để xảy ra tình trạng sửa đổi nhưng lại tạo các khó khăn, vướng mắc, bất cập mới hoặc gây thất thoát, lãng phí tiền, tài sản của Nhà nước và gây bất lợi cho người dân, doanh nghiệp.
  • Ngành nông nghiệp vượt khó, khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế
    hôm qua Kinh tế
    (BKTO) - Nhờ đổi mới tư duy sản xuất gắn với thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, ngành nông nghiệp đã vượt qua khó khăn để khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã trao đổi với Báo Kiểm toán về những kết quả ấn tượng trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu và nỗ lực của ngành nông nghiệp để hỗ trợ phục hồi, phát triển sản xuất.
  • Cho vay liên kết sản xuất lúa gạo chất lượng cao với lãi suất thấp
    (BKTO) - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có Văn bản số 8364/NHNN-TD hướng dẫn một số nội dung để các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) và NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức triển khai cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao.
Cần làm rõ phương án đầu tư và hiệu quả của Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam