Cân nhắc kỹ lưỡng việc giảm tổng mức dư nợ cấp tín dụng

(BKTO) - Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lo ngại việc giảm tổng mức dư nợ cấp tín dụng sẽ tác động ngay đến nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế, ảnh hưởng lớn đến việc tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp; có thể tác động tiêu cực đến thu hút FDI…

tc5.jpg
Các đại biểu Quốc hội nghe Tờ trình về Dự án Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi). Ảnh: VPQH

Giảm tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng

Trình Quốc hội Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, để hạn chế rủi ro từ tập trung tín dụng, hạn chế sở hữu chéo, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về giới hạn cấp tín dụng theo hướng giảm tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng của một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan.

Theo Thống đốc NHNN, việc giảm giới hạn cấp tín dụng thời điểm này không hạn chế nguồn vốn tín dụng cấp cho sản xuất kinh doanh mà ngược lại, giúp cho nhiều khách hàng khác có thể tiếp cận được thêm nguồn vốn tín dụng của ngân hàng.

Bên cạnh đó, nếu xét theo số tuyệt đối thì vốn tín dụng cấp cho một khách hàng tại một tổ chức tín dụng (TCTD) tính theo giới hạn cấp tín dụng quy định tại Dự thảo Luật hiện nay vẫn lớn hơn rất nhiều so với giới hạn vốn tín dụng được xác định tại thời điểm ban hành Luật các TCTD năm 2010.

Đối với các trường hợp cần cho vay vượt mức giới hạn, các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có thể lựa chọn việc tăng vốn tự có, vốn được cấp hoặc cấp tín dụng hợp vốn với TCTD khác hoặc trình Thủ tướng xem xét, quyết định cấp tín dụng vượt giới hạn - Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết.

Liên quan đến nội dung này, Ủy ban Kinh tế - Cơ quan thẩm tra Dự án Luật - nêu rõ, so với Luật hiện hành, Dự thảo Luật có điều chỉnh tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan tương ứng từ không được vượt quá 15% và 25% xuống còn 10% và 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô.

Tương tự, giảm từ 25% và 50% xuống còn 15% và 25% đối với TCTD phi ngân hàng.

Tại Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo tổng kết thi hành Luật Các TCTD có nêu lý do giảm giới hạn cấp tín dụng cho khách hàng nhằm giảm mức độ tập trung rủi ro tín dụng và hạn chế sở hữu chéo. Tuy nhiên, Tờ trình và Báo cáo chưa nêu rõ thực trạng cấp tín dụng của các TCTD cũng như các rủi ro chủ yếu hiện nay, cũng như chưa thuyết minh việc đề xuất các tỷ lệ thay thế tỷ lệ tại Luật hiện hành.

Bất lợi kép cho cả khách hàng và ngân hàng

Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng việc sửa đổi các giới hạn cấp tín dụng. Theo cơ quan thẩm tra, việc giảm tổng mức dư nợ cấp tín dụng sẽ tác động ngay đến nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế, ảnh hưởng lớn đến việc tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp, chi phí vốn tăng cao.

thanh1.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra Dự án Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Ảnh: VPQH

“Trong bối cảnh thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa thực sự là kênh huy động vốn ổn định cho nền kinh tế và còn nhiều rủi ro, thậm chí đã có những trường hợp vi phạm pháp luật trong thời gian qua, nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng vẫn giữ vai trò hết sức quan trọng, đặc biệt, hiện nay, các doanh nghiệp đang rất thiếu vốn để phục hồi và phát triển sau tác động của dịch Covid-19 cũng như những diễn biến phức tạp trên thị trường tài chính, ngân hàng trong nước và trên thế giới” - Cơ quan thẩm tra nêu quan điểm.

Mặt khác, việc giảm tổng mức dư nợ cấp tín dụng có thể tác động tiêu cực đến thu hút FDI của Việt Nam. Theo các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, trường hợp quy định này được áp dụng, các doanh nghiệp FDI đang vay nợ ở Việt Nam ở mức gần với giới hạn tối đa 15% và 25% theo Luật hiện hành sẽ phải tìm kiếm các nguồn vốn mới.

Thực tế, các doanh nghiệp FDI sẽ nhận được khoản cấp tín dụng, trước hết từ các ngân hàng có mối quan hệ toàn cầu ở Việt Nam. Việc giảm khả năng vay trong nước của khối FDI đối với các ngân hàng này sẽ tốn nhiều chi phí hơn và khiến dòng vốn có thể sẽ phải huy động từ nước ngoài, do vậy kém hấp dẫn hơn trong thu hút FDI.

Cũng theo cơ quan thẩm tra, định nghĩa về người có liên quan của Luật Các TCTD dự kiến sửa đổi theo hướng rộng hơn, trong đó bao gồm các công ty con của công ty con của công ty hay TCTD hoặc mở rộng một số người có quan hệ huyết thống là người có liên quan. Điều này đồng nghĩa với cách tính tổng mức dư nợ tín dụng cho “một khách hàng và người có liên quan” sẽ rộng hơn, dẫn đến tổng dư nợ cấp tín dụng cho nhóm khách hàng sẽ nhỏ hơn trước.

Như vậy, việc mở rộng định nghĩa về người có liên quan đồng thời với việc thu hẹp tổng mức tín dụng được cấp cho một khách hàng và người có liên quan sẽ gây tác động bất lợi kép cho cả khách hàng và ngân hàng.

Tại Dự thảo Luật cũng quy định trường hợp nhu cầu vốn của một khách hàng và người có liên quan vượt quá giới hạn cấp tín dụng thì TCTD được vay hợp vốn hoặc khả năng hợp vốn chưa đáp ứng được nhu cầu khách hàng thì Thủ tướng Chính phủ quy định (tương tự như Luật hiện hành). Cơ quan thẩm tra cho rằng, do giới hạn cấp tín dụng thu hẹp hơn nên việc thực hiện các quy định này sẽ mất thêm nhiều thời gian, thủ tục cho các TCTD hơn so với trước kia.

“Thông lệ quốc tế (quy định của các nước như Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia...) đều quy định ở mức tỷ lệ cao hơn so với quy định tại Dự thảo Luật. Việc giảm tổng mức dư nợ cấp tín dụng thấp hơn so với một số nước láng giềng cũng có thể khiến môi trường đầu tư ở Việt Nam kém cạnh tranh hơn so với các nước trong khu vực” - cơ quan thẩm tra lưu ý.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng đối với ngân hàng nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, do quy mô tổng vốn tự có không lớn, việc giảm tổng mức dư nợ tín dụng như Dự thảo Luật sẽ làm giảm đáng kể khả năng đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, các doanh nghiệp của nước ngoài. Vì vậy, cần cân nhắc giữ nguyên hoặc phân chia theo từng loại hình TCTD về tỷ lệ này.

Có ý kiến đề nghị trường hợp áp dụng quy định này cần có lộ trình cho các khoản vay và đối tượng đã vay vốn trước ngày Luật có hiệu lực để bảo đảm dòng vốn không bị dừng đột ngột, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Cùng chuyên mục
Cân nhắc kỹ lưỡng việc giảm tổng mức dư nợ cấp tín dụng