Cần những giải pháp cấp bách cho nền kinh tế...

(BKTO) - Ghi nhận những điểm sáng của nền kinh tế, các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị cần có những giải pháp đột phá để giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế, nút thắt lớn đang cản trở sự phát triển đất nước, nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và trong nửa nhiệm kỳ còn lại.

1b(1).jpg
Quốc hội thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh ST

Giải quyết tình trạng “có tiền mà không tiêu được”

Theo các đại biểu Quốc hội, với sự nỗ lực, quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương; sự vào cuộc, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, trong bối cảnh rất khó khăn, nước ta đã đạt được các kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đánh giá tổng thể, nhiều ý kiến cho rằng, nền kinh tế nước ta đang tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; nhiều điểm nghẽn làm cản trở mục tiêu tăng trưởng.

Để thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, vốn đầu tư công là nguồn lực, là động lực để phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cao nhất, đầu tư công cần bung ra mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, để tăng tổng cầu của nền kinh tế. Với quan điểm đó, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn Hưng Yên) đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, có giải pháp quyết liệt hơn nữa, tháo gỡ những khó khăn, điểm nghẽn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

“Theo quy định hiện hành, khi có tiền, xác định rõ nguồn vốn mới được lập dự án đầu tư. Đây là một trong những vướng mắc, điểm nghẽn, là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc triển khai giải ngân vốn đầu tư công gặp khó khăn và chậm tiến độ. Vì vậy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ, ngành liên quan có giải pháp tháo gỡ, kịp thời bố trí nguồn ngân sách để lập dự án đầu tư, bảo đảm khi được bố trí vốn đầu tư, việc triển khai thực hiện dự án thuận lợi và giải ngân được ngay” - đại biểu Nguyễn Đại Thắng đề xuất.

Bên cạnh đó, để thúc đẩy, hướng tới thực hiện tối đa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu, Chính phủ, các Bộ, ngành phải tập trung thực hiện đồng bộ chính sách tài khóa và tiền tệ. Theo đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh), cần quan tâm đến chính sách thuế Thu nhập doanh nghiệp của một số lĩnh vực xuất khẩu; hoàn thuế Giá trị gia tăng để giải phóng và khơi thông nguồn vốn bị tồn đọng, tạo thanh khoản cho doanh nghiệp; thực thi chính sách tín dụng phù hợp với đặc điểm sản xuất kinh doanh và nhu cầu của từng ngành, từng lĩnh vực.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn TP. Hà Nội) nhấn mạnh, trong khủng hoảng thì giải pháp kinh điển, trực diện, phát huy hiệu quả trực tiếp, nhanh nhất là “bơm tiền” vào nền kinh tế, song các quyết định bơm tiền được Quốc hội ban hành nhưng triển khai gặp nhiều trở ngại. Vì vậy, nhiệm vụ cấp bách hiện nay là cần quan tâm giải quyết tình trạng có tiền mà không tiêu được. “Chừng nào tình trạng này vẫn còn thì chừng đó khó hy vọng có sự phát triển bứt phá của nền kinh tế thời gian tới” - đại biểu Vũ Tiến Lộc trăn trở.

Cần “chiếc áo mới” về thể chế

Bên cạnh việc giải quyết những những khó khăn, thách thức về đầu tư công, phát triển thị trường, các đại biểu cũng nhấn mạnh việc tập trung xử lý nút thắt về thể chế, chính sách.

Đại biểu Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh, cần coi cải cách thể chế như một nguồn lực và cần sớm thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách thể chế, coi đây là một điểm đột phá quan trọng. Đại biểu cho rằng, cần đặc biệt quan tâm đến 3 nhóm thể chế về kinh tế, đó là: Xác lập, bình đẳng trong việc phân phối nguồn lực xã hội; bảo vệ chế độ hợp đồng, bảo vệ tài sản; giải quyết tốt quan hệ giữa Nhà nước và thị trường. “Việc các ngành và địa phương xin cơ chế đặc thù cho thấy cái áo cơ chế của chúng ta đã quá chật hẹp; cho nên cần rà soát đồng bộ để may áo mới cho thích hợp thay vì vá víu và thay từng cúc áo một” - đại biểu Lê Thanh Vân phát biểu.

Để phục hồi và phát triển kinh tế thì tiền bạc là quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn tiền bạc là thể chế. Thể chế tốt thì khai thông nguồn lực và giúp tiền “đẻ” ra tiền, còn thể chế chưa tốt thì có tiền chúng ta cũng không tiêu được.

Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc

Đồng quan điểm, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, vấn đề quan trọng nhất trong bối cảnh hiện nay là phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế để đơn giản hóa các thủ tục hành chính. “Phải khắc phục cho được những quy định pháp lý chồng chéo, bất cập và thiếu minh bạch đang gây rủi ro cho người thực hiện. Đồng thời, phải gỡ bỏ được tâm lý sợ oan, sai, e ngại thanh tra, kiểm tra của cán bộ, công chức và doanh nghiệp” - đại biểu Vũ Tiến Lộc nêu quan điểm.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, để đạt được các mục tiêu kinh tế - xã hội mà Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra là trở thành nước phát triển vào năm 2045, chúng ta phải nỗ lực tham gia sâu rộng vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Việt Nam phải xây dựng kinh tế số, xã hội số và chính phủ số, thoát bẫy thu nhập trung bình và nợ công chồng chất, đủ sức để bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia. Việt Nam phải thoát khỏi mô hình tăng trưởng cũ, thoát khỏi mô hình chủ yếu xuất khẩu tài nguyên, gia công với lao động giá rẻ và có thứ hạng thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu. Trong nỗ lực đó, chúng ta cần “thanh toán” những “món nợ” về thể chế, hạ tầng và nhân lực của các giai đoạn phát triển trước còn thiếu. Bởi sự thiếu vắng, yếu kém và không hoàn chỉnh, không đồng bộ của thể chế, hạ tầng, nhân lực sẽ cản trở, làm chậm bước, thậm chí triệt tiêu động lực của những nỗ lực xây dựng kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và xã hội 4.0./.

Cùng chuyên mục
Cần những giải pháp cấp bách cho nền kinh tế...