(BKTO) - Thưa ông! Năm 2022, KTNN khu vực II đã kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP tại một số tỉnh. Xin ông cho biết kết quả cơ bản của các cuộc kiểm toán này?
KTNN khu vực II thực hiện kiểm toán trên địa bàn 5 tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Năm 2022, KTNN khu vực II kiểm toán NSĐP và báo cáo quyết toán NSĐP năm 2021 của 2 tỉnh: Nghệ An và Quảng Bình.
Căn cứ phương án tổ chức kiểm toán năm 2022 được Tổng Kiểm toán nhà nước phê duyệt, Kiểm toán trưởng đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động kiểm toán để nâng cao chất lượng, hiệu lực và hiệu quả kiểm toán.
Trong quá trình thực hiện kiểm toán, lãnh đạo KTNN khu vực II và lãnh đạo các đoàn kiểm toán luôn chỉ đạo sâu sát đến từng tổ kiểm toán, thành viên đoàn kiểm toán, bám sát mục tiêu, nội dung, phạm vi và kế hoạch kiểm toán được phê duyệt, chú ý những yêu cầu mới theo mục tiêu, kế hoạch kiểm toán; tuân thủ các chuẩn mực, quy trình kiểm toán, quy chế tổ chức hoạt động của đoàn kiểm toán và Hệ thống mẫu biểu hồ sơ kiểm toán.
Các đoàn kiểm toán đã phát huy cao trách nhiệm của mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao theo đúng mục tiêu, phạm vi và nội dung của kế hoạch kiểm toán được phê duyệt.
Qua kiểm toán NSĐP và báo cáo quyết toán NSĐP năm 2021 của tỉnh Nghệ An và Quảng Bình, KTNN khu vực II đã cung cấp thông tin để hội đồng nhân dân (HĐND) 2 tỉnh xem xét, phê chuẩn báo cáo quyết toán NSĐP.
Đồng thời, kết quả kiểm toán đã kiến nghị một số khoản tăng thu, giảm chi ngân sách và chỉ ra một số hạn chế, bất cập để chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong công tác quản lý, điều hành ngân sách đáp ứng yêu cầu trong công tác quản lý tài chính công và tài sản công.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP, đơn vị còn gặp những vướng mắc như thế nào, thưa ông?
Theo Nghị định số 163/2016/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước (NSNN), ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh gửi Bộ Tài chính, KTNN báo cáo quyết toán NSĐP trước ngày 01/10 năm sau.
Do đó, việc cung cấp số liệu quyết toán trước ngày 01/10 của năm kiểm toán thường phải thay đổi nhiều lần làm ảnh hưởng đến tiến độ kiểm toán.
Mặt khác, việc kiểm toán sau ngày 01/10 gây khó khăn cho công tác phát hành báo cáo kiểm toán để đảm bảo phục vụ HĐND cấp tỉnh phê chuẩn báo cáo quyết toán NSĐP (trước ngày 31/12 năm sau).
Công tác tổng hợp báo cáo quyết toán của 3 cấp ngân sách (tỉnh, huyện, xã) được triển khai với rất nhiều đơn vị thực hiện khác nhau, dẫn đến việc thu thập thông tin về hệ thống kiểm soát, đánh giá rủi ro, chọn mẫu kiểm toán gặp nhiều khó khăn.
Không chỉ có vậy, việc tổng hợp sai sót của một đơn vị được kiểm toán khó có thể nhân rộng ra các đơn vị còn lại do việc quản lý, sử dụng, quyết toán ngân sách được điều hành và thực hiện bởi những người có thẩm quyền khác nhau trong hệ thống kiểm soát nội bộ khác nhau.
Từ đó, việc ý kiến về tính đúng đắn, trung thực của báo cáo quyết toán NSĐP của một tỉnh rất khó thực hiện.
Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các phòng, ban trong nội bộ sở, ngành, giữa các cơ quan tổng hợp (thuế, tài chính, kho bạc nhà nước, sở kế hoạch và đầu tư...) chưa chặt chẽ làm ảnh hưởng đến việc tổng hợp, đối chiếu số liệu kiểm toán. Các đơn vị được kiểm toán chậm cung cấp hồ sơ tài liệu cũng gây khó khăn cho việc nghiên cứu, tiếp cận hồ sơ kiểm toán.
Tại các địa phương, do đơn vị được giao kiểm toán có địa bàn trải rộng, số lượng đơn vị sử dụng NSNN tại các cấp ngân sách của tỉnh rất nhiều nên đoàn kiểm toán gặp khó khăn trong tổ chức chọn mẫu kiểm toán. Điều này ít nhiều gây ảnh hưởng đến việc đưa ra đánh giá kiểm toán, kết quả kiểm toán.
Dù đã chuẩn bị kỹ lưỡng, song quá trình kiểm toán vẫn gặp những khó khăn, nhất là trong việc áp dụng phương pháp kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu.
Ngoài ra, hầu hết các địa phương đều chậm nộp báo cáo quyết toán NSĐP so với thời hạn quy định, số liệu thay đổi nhiều lần, gây khó khăn cho việc kiểm toán xác nhận báo cáo quyết toán khi chưa có báo cáo chính thức.
Từ thực trạng trên, theo ông, KTNN cần có những giải pháp nào để tạo thuận lợi hơn cho công tác kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP?
Kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP nhằm xác định tính trung thực, hợp lý của số liệu báo cáo quyết toán NSĐP niên độ được kiểm toán của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đồng thời, kết quả kiểm toán nhằm cung cấp thông tin, số liệu tin cậy cho HĐND làm căn cứ phê chuẩn quyết toán NSĐP; cung cấp thông tin, số liệu cho các cơ quan có thẩm quyền thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát quá trình quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Ông Phan Văn Thường: Hiện nay, việc tổ chức công tác kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP đòi hỏi kiểm toán đồng thời các nội dung: Thu ngân sách, chi thường xuyên, chi đầu tư xây dựng cơ bản... tại các cấp quản lý ngân sách khác nhau như ngân sách cấp tỉnh, ngân sách cấp huyện…
Để đảm bảo có thể đưa ra ý kiến chính xác về mức độ trung thực, hợp lý của báo cáo quyết toán ngân sách cấp tỉnh, việc tổ chức công tác kiểm toán cũng cần đảm bảo ý kiến về tình hình tài chính, tài sản công ở cấp ngân sách cấp dưới.
Để thực hiện có hiệu quả công tác kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP, KTNN cần tổ chức tốt công tác tập huấn, trao đổi kinh nghiệm về Hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP, giúp kiểm toán viên nắm bắt, áp dụng Hướng dẫn có hiệu quả hơn trong thực hiện kiểm toán.
Bên cạnh đó, kiểm toán viên cần được đào tạo, tập huấn về kỹ năng khai thác phần mềm TABMIS tại các cơ quan tài chính tổng hợp và kho bạc nhà nước cũng như kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, truy cập dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán và các đơn vị có liên quan đến hoạt động quản lý điều hành, thu - chi NSNN.
KTNN cần sớm hoàn thiện và đưa vào hoạt động hệ thống cơ sở dữ liệu đầu mối kiểm toán về hệ thống các dự án đầu tư, các ban quản lý dự án, hệ thống các đơn vị và số liệu về dự toán quyết toán của các huyện, các đơn vị dự toán, đơn vị quản lý dự án được kiểm toán, đồng thời tiến hành cập nhật dữ liệu từng năm nhằm phục vụ tốt việc lập kế hoạch kiểm toán. Đây là nguồn dữ liệu quan trọng, cần thiết, làm cơ sở cho việc xác định trọng yếu và đánh giá rủi ro kiểm toán.
KTNN cần đề xuất Bộ Tài chính tăng cường thực hiện Quy chế phối hợp khai thác và quản lý sử dụng thông tin, dữ liệu giữa KTNN khu vực với các sở tài chính, cục thuế và kho bạc nhà nước địa phương để công tác khảo sát, thu thập thông tin lập dự thảo kế hoạch kiểm toán tổng quát và thực hiện kiểm toán được thuận lợi, hiệu quả, chất lượng hơn.
Để có thông tin giúp HĐND cấp tỉnh phê chuẩn báo cáo quyết toán NSĐP, KTNN cần đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định rõ thời hạn nộp quyết toán NSNN các cấp theo hướng rút ngắn thời gian lập báo cáo và quy định cụ thể thời gian hoàn thành báo cáo của UBND các cấp chính quyền và thời gian phê chuẩn báo cáo quyết toán ngân sách của HĐND các cấp.
Quyết toán NSĐP cần được kiểm toán và phát hành báo cáo trước khi HĐND phê chuẩn quyết toán nhằm đảm bảo tính kịp thời, hiệu quả của việc cung cấp thông tin.
Thời gian tiến hành kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách các cấp có thể diễn ra trong và sau khi kết thúc năm tài khóa và phù hợp với thời gian lập báo cáo quyết toán ngân sách các cấp, đảm bảo HĐND địa phương phê duyệt quyết toán ngân sách vào kỳ họp cuối năm, thời điểm phê duyệt quyết toán sau khi đoàn kiểm toán đã có thông báo, kết luận, do đó có thời gian để điều chỉnh quyết toán NSĐP theo kết luận của KTNN.
Thông báo kế hoạch và dự kiến thời gian thực hiện kiểm toán tại địa phương tới UBND tỉnh để chỉ đạo các cơ quan chuyên môn (tài chính, thuế, kho bạc) tổng hợp lập báo cáo quyết toán NSĐP (tỉnh, huyện, xã) trước thời gian quy định (ngày 01/10) và trước thời gian thực hiện kiểm toán.
Đối với các đoàn kiểm toán lồng ghép, các tổ kiểm toán tổng hợp thực hiện kiểm toán song song các nội dung kiểm toán với việc tổng hợp báo cáo quyết toán NSĐP của địa phương, phối hợp với sở, ngành chủ quản của địa phương thực hiện các nội dung kiểm toán theo kế hoạch kiểm toán được duyệt đảm bảo tiến độ, chất lượng.
Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa KTNN khu vực với HĐND và UBND các tỉnh trong việc thẩm tra, quyết định và giám sát NSĐP.
Đồng thời, bổ sung quy định cụ thể về trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quản lý và sử dụng NSNN các cấp.
Đối với KTNN khu vực II, đơn vị sẽ có những giải pháp nào để thực hiện hiệu quả công tác kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP, thưa ông?
Hằng năm, KTNN khu vực II sẽ tăng cường phối hợp với HĐND và UBND các tỉnh; đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn lập báo cáo quyết toán NSĐP chính thức sớm hơn so với quy định của Luật NSNN hiện hành gửi về KTNN khu vực.
Từ đó, các đoàn kiểm toán có cơ sở đánh giá và xác nhận số liệu báo cáo quyết toán NSĐP, hỗ trợ HĐND tỉnh trong việc phê chuẩn báo cáo quyết toán NSĐP, giúp UBND tỉnh nâng cao chất lượng quản lý điều hành ngân sách ngày càng tốt hơn.
Theo Kế hoạch kiểm toán trung hạn giai đoạn 2023-2025 của KTNN, KTNN khu vực II kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP hằng năm của 4 địa phương để phục vụ HĐND cấp tỉnh phê chuẩn quyết toán đạt 80% số địa phương cấp tỉnh được giao kiểm toán.
Năm 2023, KTNN khu vực II được Tổng Kiểm toán nhà nước giao thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP năm 2022 của 4 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.
Căn cứ Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 (giai đoạn 2021-2030), giai đoạn 2026-2030, KTNN khu vực II sẽ kiểm toán thường xuyên hằng năm đối với quyết toán ngân sách 5 tỉnh thuộc địa bàn được giao kiểm toán.
Tiếp tục tổ chức tốt việc khảo sát thu thập thông tin để xây dựng kế hoạch kiểm toán trên cơ sở đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu một cách phù hợp ở cấp độ báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán và ở cấp độ cơ sở dẫn liệu, khoản mục; vận dụng phương pháp kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu để xác nhận về tính trung thực, hợp lý của báo cáo quyết toán trên các khía cạnh trọng yếu.
Đặc biệt, đoàn kiểm toán cần chú ý chọn mẫu để số lượng đảm bảo tính đại diện và phù hợp với quy mô, nhân lực của đoàn. Kiểm toán viên cần đi sâu vào từng nội dung, chỉ rõ sai phạm, hạn chế, nguyên nhân; bám sát Hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro của KTNN; linh hoạt sử dụng các phương pháp đặc thù để thu thập bằng chứng kiểm toán.../.
Xin trân trọng cảm ơn ông!