Cao Bằng: Tập trung các giải pháp đột phá để giảm nghèo

(BKTO) - Việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) tại Cao Bằng đòi hỏi phải có các giải pháp đột phá để giảm nghèo...

1(3).jpg
Trong các năm 2021, 2022 và đầu năm 2023, tỉnh Cao Bằng đã huy động lồng ghép nhiều nguồn vốn để thực hiện các CTMTQG với tổng số vốn thực hiện hơn 14.600 tỷ đồng. Ảnh: TS

Lồng ghép nhiều nguồn vốn thực hiện các Chương trình

Báo cáo của UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, giai đoạn 2021-2025, tổng số vốn NSNN thực hiện các CTMTQG trên địa bàn tỉnh hơn 6.600 tỷ đồng. Giai đoạn 2021-2023, việc thực hiện các CTMTQG đã đạt được một số kết quả nổi bật. Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh còn hơn 37.400 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 28,94%), giảm 4,29% so với đầu kỳ rà soát; có hơn 19.000 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 14,76%).

Trong các năm 2021, 2022 và đầu năm 2023, tỉnh đã huy động lồng ghép nhiều nguồn vốn để thực hiện các CTMTQG với tổng số vốn thực hiện hơn 14.600 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/01/2023, vốn giao năm 2021, 2022 đã giải ngân được hơn 745 tỷ đồng, bằng 44,86% kế hoạch. Đối với giải ngân vốn năm 2023, đến thời điểm 30/6, tỉnh đã giải ngân được hơn 678 tỷ đồng, bằng 20,59% kế hoạch.

Theo UBND tỉnh Cao Bằng, mặc dù việc triển khai thực hiện các CTMTQG luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và được các cấp, các ngành xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm nhưng việc thực hiện lồng ghép còn khó khăn do thời điểm giao nguồn vốn ngân sách trung ương muộn hơn so với các nguồn vốn khác. Một số CTMTQG quy định không đầu tư trùng địa bàn với CTMTQG khác nên khó khăn cho việc lồng ghép nguồn vốn thực hiện các Chương trình.

Mặt khác, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh còn cao, vẫn còn hộ tái nghèo. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới thấp (12,2%), chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu; chưa có đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; còn 2 huyện trắng xã nông thôn mới.

Tỉnh Cao Bằng kiến nghị Thủ tướng cho phép các tỉnh chủ động điều chuyển nguồn vốn giữa các dự án của từng CTMTQG phù hợp với tình hình thực hiện thực tế tại địa phương. Đối với CTMTQG giảm nghèo bền vững, tỉnh đề nghị Thủ tướng, các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm chỉ đạo, bố trí nguồn vốn hỗ trợ Cao Bằng thực hiện dứt điểm việc thí điểm xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn.

Đối với CTMTQG xây dựng Nông thôn mới, tỉnh đề nghị Thủ tướng tiếp tục quan tâm hỗ trợ về nguồn vốn đầu tư phát triển, vốn sự nghiệp trung ương và các nguồn vốn tài trợ khác; có cơ chế cho người dân tại các xã đặc biệt khó khăn sau khi đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về Thẻ Bảo hiểm y tế, chính sách hỗ trợ học sinh bán trú, miễn giảm học phí…; hướng dẫn thu hồi Quyết định xã đạt chuẩn nông thôn mới đối với các xã không còn đạt chuẩn nông thôn mới sau khi sáp nhập năm 2020.

Về Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tỉnh đề nghị cho phép sử dụng nguồn hỗ trợ từ Trung ương thực hiện CTMTQG xây dựng Nông thôn mới để triển khai Chương trình OCOP trên khu vực đô thị là phường, thị trấn.

2(4).jpg
Ảnh minh họa 

Cần chú ý tính bền vững trong thực hiện

Mới đây, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương - Trưởng Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội - đã giám sát thực tế và làm việc với UBND tỉnh Cao Bằng về “Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các CTMTQG về Xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.

Các thành viên Đoàn giám sát cho rằng, so với kết quả rà soát đầu kỳ, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh giảm 4,29% (mục tiêu cả nước giảm 1-1,5%); tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 4,5% (mục tiêu cả nước giảm 3%/năm). Các kết quả này vượt mục tiêu Nghị quyết số 24/2021/QH15, Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022. Tuy nhiên, tỉnh Cao Bằng cần chú ý đến tính bền vững trong thực hiện. Kết quả thực hiện phần lớn các dự án, tiểu dự án còn hạn chế.

CTMTQG xây dựng Nông thôn mới đã có một số kết quả bước đầu, tuy nhiên, tình hình giải ngân đạt kết quả thấp: Vốn giao năm 2021, 2022 giải ngân được 38,61% kế hoạch; vốn năm 2023 đến thời điểm 30/6/2023 mới giải ngân được 22,33% kế hoạch.

Đối với CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, sau 2 năm triển khai, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số bình quân giảm trên 4%/năm; 100% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân Chương trình thấp, đạt 31,1%. Trong đó, vốn sự nghiệp đạt 9,7% kế hoạch.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, đây là lần đầu tiên Quốc hội tổ chức giám sát việc thực hiện cả 3 CTMTQG. Đây cũng là lần thứ 2 Quốc hội tổ chức giám sát nội dung “đang làm” trên tinh thần đổi mới để kiến tạo phát triển, đồng hành với Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và địa phương.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh đánh giá thực chất, tính bền vững kết quả thực hiện 3 CTMTQG; mô hình chỉ đạo, điều hành của từng chương trình và cả 3 Chương trình từ Trung ương đến tỉnh, huyện, xã; rà soát những khó khăn, bất cập trong triển khai thực hiện và giải ngân vốn 3 Chương trình, đặc biệt là nguồn vốn sự nghiệp; đánh giá kết quả thực hiện theo Công điện số  71/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2021-2025.

Qua giám sát thực tế và làm việc với UBND tỉnh Cao Bằng, Trưởng Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến của Tổ Công tác, thành viên Đoàn giám sát; tổng hợp các vướng mắc, kiến nghị về từng Chương trình, các dự án, tiểu dự án gửi Đoàn giám sát; tiếp tục quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác tham mưu, hướng dẫn ban hành đầy đủ hệ thống văn bản về cơ chế, quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG.

Trưởng Đoàn giám sát cũng đề nghị tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, có giải pháp cụ thể quyết liệt thúc đẩy công tác giải ngân nguồn vốn của các Chương trình; xác định trọng tâm trong thực hiện các CTMTQG, trong đó trước mắt tập trung vào các giải pháp đột phá để giảm nghèo như: Cơ sở hạ tầng, xóa nhà tạm, quan tâm đến vấn đề sinh kế, đất ở, nhà ở và đất sản xuất cho người dân.

Trưởng Đoàn giám sát cũng gợi ý địa phương nghiên cứu thành lập Tổ công tác có trình độ chuyên môn sâu xuống cơ sở để hướng dẫn, trên tinh thần “cầm tay, chỉ việc” từ tỉnh xuống xã. Đây chính là kinh nghiệm quý để giải quyết các khó khăn trên địa bàn./.

Theo Kế hoạch Kiểm toán năm 2023, Kiểm toán nhà nước kiểm toán CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 tại Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và 12 địa phương, trong đó có Cao Bằng.

Cuộc kiểm toán tập trung đánh giá việc quản lý và sử dụng kinh phí; việc tuân thủ chính sách, chế độ, pháp luật của nhà nước; công tác quản lý, chỉ đạo, phối hợp thực hiện; tình hình thực hiện mục tiêu Chương trình; tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả của Chương trình.

Cùng chuyên mục
Cao Bằng: Tập trung các giải pháp đột phá để giảm nghèo