Chấn chỉnh công tác quyết toán ngân sách nhà nước

(BKTO) - Đại biểu Quốc hội đề nghị cần có giải pháp chấn chỉnh những vấn đề tồn đọng kéo dài trong quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN), xem xét trách nhiệm để thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật trong thực hiện chính sách của Nhà nước.

thanh-mai.jpg
Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai phát biểu thảo luận về quyết toán NSNN năm 2021. Ảnh: VPQH

Giao vốn chậm, nợ đọng xây dựng cơ bản lớn

Chiều 01/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2021.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Đoàn TP.Hà Nội) đánh giá, năm 2021, trong điều kiện khó khăn do tác động của dịch Covid-19 song Báo cáo của Chính phủ cho thấy quyết toán thu NSNN tăng 17,2% so với dự toán và chi tăng hơn 0,4% dự toán.

Kết quả này là sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ, các Bộ, ban, ngành, các địa phương và sự đồng hành và cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, từ báo cáo của Chính phủ và đặc biệt là Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN 2021 của Kiểm toán nhà nước (KTNN), đại biểu chỉ rõ, một số vấn đề vẫn chưa được xử lý, thậm chí có những vấn đề nghiêm trọng hơn.

Đơn cử như việc giao dự toán chậm, bổ sung vốn nhiều lần và đặc biệt là bổ sung, điều chỉnh vốn, phân giao vốn chậm, dẫn đến việc phải chuyển nguồn hoặc hủy vốn.

Báo cáo của KTNN cũng chỉ ra, một số Bộ, ngành, địa phương bố trí vốn cho những dự án còn chưa đủ thủ tục; công tác chuẩn bị đầu tư không đúng quy định của Luật Đầu tư công.

Đặc biệt, theo đại biểu, vấn đề đáng quan tâm là năm 2021 phát sinh số nợ đọng xây dựng cơ bản lớn. Điều này là vi phạm Luật Đầu tư công cũng như Nghị quyết của Quốc hội.

Theo báo cáo của KTNN thì số liệu nợ đọng xây dựng cơ bản đến hết năm 2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trên hệ thống thông tin giám sát về đầu tư công chỉ có 4.465 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo số liệu tổng hợp của KTNN tại 5 Bộ, cơ quan trung ương và 43 địa phương. thì số nợ đọng xây dựng cơ bản đã lên đến 23.608 tỷ đồng.

“Cần rà soát kỹ lại số liệu nợ đọng xây dựng cơ bản, phân tích các nguyên nhân làm phát sinh lớn số nợ đọng xây dựng cơ bản và có phương án xử lý cũng như làm rõ trách nhiệm đối với những địa phương, cơ quan, đơn vị, khi vi phạm hành vi cấm của Luật Đầu tư công” - đại biểu nhấn mạnh.

Việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN mặc dù có tiến bộ so với các năm trước nhưng vẫn còn nhiều kiến nghị tồn đọng. Đề nghị các Bộ, ban, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, báo cáo Chính phủ để có giải pháp xử lý.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai

Vấn đề tiếp theo được đại biểu Phạm Thị Thanh Mai chỉ ra là số chi chuyển nguồn lớn diễn ra nhiều năm nay. Đồng thời, báo cáo của KTNN cũng chỉ ra rất nhiều khoản tạm ứng quá hạn phải thu hồi nhưng nhiều năm qua không thu hồi được; một số Bộ, ngành, địa phương cũng báo cáo là nhiều nội dung không thể thực hiện được.
Nhấn mạnh báo cáo của KTNN đã nêu 4 nhóm nguyên nhân và phân tích trách nhiệm của các cơ quan, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát số chi chuyển nguồn không đúng quy định và thực hiện đúng Luật NSNN không quyết toán các khoản chi chuyển nguồn không đúng quy định. Đồng thời, có giải pháp cụ thể để chấn chỉnh tình trạng chậm thu hồi các khoản tạm ứng từ các niên độ quyết toán của năm 2020 trở về trước.

Đại biểu Cầm Hà Chung (Đoàn Phú Thọ) cũng chỉ ra, mặc dù Chính phủ đã có nhiều giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, quy định rõ trách nhiệm không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công thì phải kiểm điểm người đứng đầu, song tình trạng giải ngân vốn chậm vẫn chưa được khắc phục.

“Có tình trạng Bộ, ngành, địa phương có dự án nhưng chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư, chưa đủ điều kiện phân bổ theo quy định có thể phải đưa vào dự phòng chung của kế hoạch đầu tư công trung hạn. Có dự án được phân bổ vốn nhưng khó giải ngân hoặc không giải ngân được theo tiến độ phải chuyển nguồn. Trong khi đó, có đơn vị có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhưng lại khó khăn về nguồn vốn” - đại biểu chỉ rõ và đề nghị cần có giải pháp khắc phục tình trạng này.

Theo đó, đối với các dự án đã được phân bổ vốn cần rà soát, đánh giá đúng thực trạng, giải ngân, nếu không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân thì thực hiện điều chuyển kế hoạch vốn. Đối với các dự án chưa đủ điều kiện phân bổ thì điều chuyển cho các dự án còn thiếu vốn có khả năng hoàn thành.

Cần thiết kế lại quy định pháp luật về đầu tư công

Giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, để khắc phục tình trạng giao vốn chậm, bổ sung nhiều lần, chuyển nguồn lớn... cần phải thiết kế lại Luật Đầu tư công. Bởi với quy định như hiện nay thì năm nào cũng diễn ra tình trạng giải ngân chậm.

cac-db.jpg
Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp. Ảnh: VPQH

“Phần chuẩn bị đầu tư quá lâu. Từ khi có chủ trương đầu tư, dự án được phê duyệt, thỏa thuận được thiết kế cơ sở, phê duyệt được thiết kế, tổng dự toán, lập hồ sơ mời thầu, đấu thầu, đền bù giải phóng mặt bằng… rất lâu, còn phần thi công xây lắp và phần quyết toán rất nhanh. Đề nghị Quốc hội ủng hộ để thiết kế lại, làm sao để giải ngân đầu tư công không phải năm nào cũng đưa ra Quốc hội bàn” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đề nghị hoàn thiện pháp luật về ngân sách, cho phép dùng ngân sách cấp này chi cho ngân sách cấp khác, để điều hành linh hoạt hơn, chủ động hơn.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, để đẩy nhanh giải ngân vốn thì đầu tiên là phải rà soát lại quy định của pháp luật. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ nghiêm túc xem lại vấn đề này, khâu nào có thể đẩy nhanh, rút ngắn được thì kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đẩy mạnh hoạt động của các tổ công tác, đẩy nhanh tiến độ các công việc liên quan đến kiểm đếm, giải phóng mặt bằng; kịp thời rà soát, điều chuyển vốn của các dự án chậm tiến độ sang các dự án có điều kiện làm nhanh; điều chuyển các cán bộ có tâm lý né tránh, đùn đẩy trách nhiệm… nhằm cải thiện công tác này trong thời gian tới.

Liên quan đến vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, số nợ đọng xây dựng cơ bản của giai đoạn đầu tư công trung hạn 2016-2020 đã được tổng rà soát và đã bố trí 41.494 tỷ đồng để hoàn trả toàn bộ số nợ này, những khoản nợ phát sinh sau đó là vi phạm pháp luật.

Vừa qua, KTNN đã phát hiện còn hơn 5.000 tỷ đồng chưa được hoàn trả. Chúng tôi đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất không trả khoản này mà địa phương nào còn nợ thì phải dùng ngân sách của địa phương đó hoặc vốn trong kế hoạch trung hạn ở địa phương để bố trí trả nợ.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Cùng chuyên mục
Chấn chỉnh công tác quyết toán ngân sách nhà nước