Chính phủ đề xuất chuyển nguồn hơn 5.000 tỷ đồng kinh phí phòng, chống dịch Covid-19

(BKTO) - Tiếp tục Kỳ họp bất thường lần thứ 2, chiều 07/01, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về việc chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022.

070120230329-z4020475005635_28f44227ecd981ec4f071503df5f5d2b.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình về việc chuyển nguồn kinh phí phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: quochoi.vn

Đây cũng là nội dung mới được Quốc hội quyết định bổ sung vào chương trình Kỳ họp này, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ.

Trình bày Tờ trình về việc chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ, căn cứ quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV và Nghị quyết số 86/NQ-CP của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 30/2021/QH15 về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Chính phủ đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, tổng hợp các khoản kinh phí phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021 còn dư dự toán, không thuộc các trường hợp đương nhiên được chuyển nguồn theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) và địa phương có nhu cầu tiếp tục sử dụng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong năm 2022.

Trên cơ sở tổng hợp 24/54 địa phương, căn cứ quy định của Luật NSNN, Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội, Chính phủ trình Quốc hội: Cho phép 24 địa phương được chuyển nguồn số kinh phí 5.016,7 tỷ đồng ngân sách địa phương được bố trí chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021 nhưng chưa sử dụng hết sang niên độ ngân sách năm 2022, để các địa phương này tiếp tục chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong năm 2022 theo đúng quy định, không sử dụng cho mục đích khác.

Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường nêu rõ, về thẩm quyền quyết định, căn cứ quy định của Luật NSNN, khoản kinh phí cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021 của các địa phương không thuộc trường hợp được chuyển nguồn.

Theo quy định tại khoản 3 của Nghị quyết số 30/2021/QH15, Quốc hội đã ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định đối với các nhiệm vụ chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 nhưng chỉ được thực hiện cho đến hết ngày 31/12/2022. Đến nay đã hết thời hạn Quốc hội cho phép ủy quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định nội dung này.

Về nội dung cụ thể, cơ quan thẩm tra nhận thấy, việc bố trí nguồn cho công tác phòng, chống dịch năm 2022 là cần thiết, do đó nhất trí với Tờ trình của Chính phủ cho phép chuyển nguồn kinh phí phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021 sang niên độ ngân sách năm 2022 với số tiền là 5.016,674 tỷ đồng của 24 địa phương và hủy dự toán đối với số chuyển nguồn không thực hiện, giải ngân đến hết niên độ NSNN năm 2022.

Đối với các địa phương chưa có báo cáo về tình hình kinh phí phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021 còn dư, đề nghị thực hiện đúng quy định pháp luật, cắt giảm, hủy dự toán kinh phí ngân sách địa phương còn dư theo quy định. Các địa phương bảo đảm tự sắp xếp, cân đối nguồn lực để thực hiện, không bổ sung ngân sách trung ương thực hiện nhiệm vụ này.

“Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định việc chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022 là cần thiết. Tuy nhiên, đến ngày 07/01/2023, Chính phủ mới có Tờ trình gửi Quốc hội về vấn đề này là quá chậm, làm ảnh hưởng đến công tác thẩm tra, trình Quốc hội xem xét, quyết định. Đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo rút kinh nghiệm vấn đề này” - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh.

Để bảo đảm đủ cơ sở pháp lý, phù hợp với thực tiễn, Ủy ban Tài chính - Ngân sách kiến nghị Quốc hội cho phép chuyển nguồn kinh phí phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021 sang niên độ ngân sách năm 2022 với số tiền là 5.016,7 tỷ đồng của 24 địa phương và bổ sung nội dung này vào Nghị quyết về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan.

Ngay sau khi nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về nội dung này./.

Cùng chuyên mục
  • Quy hoạch tổng thể quốc gia là định hướng lớn để phát triển đất nước
    một năm trước Đối nội
    (BKTO) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, sáng 07/01, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
  • Cần giải pháp căn cơ, lâu dài trong cấp phép đăng ký lưu hành thuốc
    một năm trước Đối nội
    (BKTO) - Các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, việc cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược là cần thiết song chỉ là giải pháp trước mắt. Chính phủ cần có giải pháp căn cơ, lâu dài, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính và sửa đổi cơ chế chính sách.
  • Vẫn băn khoăn quy định về tự chủ bệnh viện, giá dịch vụ khám, chữa bệnh
    một năm trước Đối nội
    (BKTO) - Chiều 06/01, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Dù đã được tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung nhiều nội dung song tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội vẫn bày tỏ lo ngại về quy định tự chủ bệnh viện và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (KCB) trong Dự thảo Luật.
  • Quy hoạch tổng thể quốc gia: Xác định phạm vi, giải pháp để tránh quy hoạch treo
    một năm trước Đối nội
    (BKTO) - Sáng 06/01, phát biểu thảo luận ở Tổ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đại biểu Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà nhấn mạnh: Việc xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia cần bảo đảm phù hợp với thực trạng. Đặc biệt, cần rà soát các định hướng, giải pháp và giới hạn phạm vi, tập trung các nội dung chủ yếu triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021-2030 để đảm bảo tính khả thi.
  • Thể hiện tầm nhìn chiến lược và tính liên kết trong xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia
    một năm trước Đối nội
    (BKTO) - Khẳng định tầm quan trọng và sự cấp thiết xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, Quy hoạch tổng thể quốc gia cần thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược, định hướng và ưu tiên tổ chức không gian các vùng kinh tế, ngành kinh tế quan trọng; đồng thời xác định rõ cơ chế, chính sách và nguồn lực để thực hiện Quy hoạch này.
Chính phủ đề xuất chuyển nguồn hơn 5.000 tỷ đồng kinh phí phòng, chống dịch Covid-19