Chính phủ đồng hành, hỗ trợ DN
Tham dự lễ phát động phong trào thi đua và trao tặng Cúp Thánh Gióng cho 100 doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, DN là bộ phận quan trọng tạo ra của cải cho xã hội, tạo ra việc làm và sự thịnh vượng của quốc gia. Ở nhiều nước trên thế giới, có những DN lớn trở thành biểu tượng và niềm tự hào cho cả quốc gia. Việt Nam cũng ngày càng có nhiều DN, doanh nhân tiêu biểu mang thương hiệu Việt đến với thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng hoa cho các doanh nhân tiêu biểuẢnh: VGP
Hiện Việt Nam có gần 600.000 DN đang hoạt động, riêng 9 tháng đầu năm 2016 có hơn 91.000 DN thành lập mới. Đại diện cho cộng đồng DN, doanh nhân Việt Nam, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, năm 2016 sẽ đi vào lịch sử bởi đây là năm đầu tiên số lượng DN thành lập mới ở Việt Nam vượt ngưỡng 100.000 DN. Đây là tín hiệu đáng mừng, thể hiện chủ trương cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển DN của Chính phủ đã từng bước đi vào cuộc sống, tạo được niềm tin trong kinh doanh. Việt Nam đang đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 cả nước có trên một 1 triệu DN hoạt động hiệu quả.
Chủ trương của Chính phủ đối với phát triển DN trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay là nuôi dưỡng, hỗ trợ DN có năng lực cạnh tranh trên thương trường quốc tế, hình thành được các sản phẩm, các thương hiệu Việt danh tiếng, mang tầm khu vực và thế giới, thúc đẩy các DN tham gia chuỗi giá trị và mạng phân phối toàn cầu. Để cụ thể hóa chủ trương này, Chính phủ đề nghị các Bộ, ngành, địa phương trong cả nước thực hiện “3 đồng hành, 5 hỗ trợ” đối với DN - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Cụ thể, 3 đồng hành là: đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh; hoàn thiện thể chế, pháp luật bảo đảm công khai, minh bạch, giảm chi phí cho người dân, DN, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của DN; thực hiện tốt cơ chế đối thoại, tham vấn ý kiến của DN, nhất là trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, phát triển kinh tế vùng và địa phương. 5 hỗ trợ là: hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động; hỗ trợ tạo môi trường thuận lợi, bảo đảm quyền kinh doanh bình đẳng, tiếp cận nguồn lực và cơ hội; hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với DN; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực.
“Phải làm hết sức mình để DN Việt Nam có thể lớn mạnh trên sân nhà, vươn ra thế giới và thành công. Chính phủ mong các doanh nhân, DN có khát khao, nỗ lực làm giàu văn minh, phát huy tinh thần doanh nhân, tinh thần sáng tạo, trách nhiệm xã hội để xây dựng Việt Nam giàu có, thịnh vượng” - Thủ tướng bày tỏ.
DN cần chủ động đón đầu xu hướng phát triển
Chủ trì Diễn đàn DN Việt Nam 2016, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, 5 năm qua, DN Việt Nam đã phải chật vật với những nỗ lực tái cấu trúc để tồn tại, đồng thời “thai nghén” những DN mới tiềm năng. Nhưng cộng đồng DN Việt Nam vẫn chưa định hướng được một diện mạo mới để tạo ra những đột phá về hiệu quả hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh để hội nhập.
Trong khi đó, làn sóng hội nhập đang ngày càng mạnh mẽ. Hơn nữa, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư - cách mạng công nghệ số - cũng sẽ ập đến rất nhanh, chỉ trong vòng 3-5 năm tới, cuộc cách mạng này sẽ làm thay đổi toàn bộ phương thức sản xuất của nền công nghiệp, làm thay đổi toàn bộ cuộc sống của con người. Trải qua “cơn lũ quét” của công nghệ, chỉ những nền kinh tế dựa trên đổi mới, sáng tạo mới có thể thành công. Điều này sẽ tạo ra áp lực rất lớn với cả cộng đồng DN và đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Những lợi thế về tài nguyên và lao động sẽ suy giảm, thương mại quốc tế có xu hướng đảo chiều.
Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, các ngành công nghiệp cần nhiều lao động và thâm dụng tài nguyên có thể sẽ trở lại chính quốc ở châu Âu và Bắc Mỹ với công nghệ tự động hóa, sử dụng người máy, trí tuệ nhân tạo và vật liệu mới… với chi phí ngày càng giảm. Do đó, mỗi DN Việt Nam cần phải tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng chiến lược đầu tư dài hạn trong 5-10 năm tới. Nếu lệch lạc về định hướng đầu tư, ứng dụng công nghệ mới thì DN sẽ thất bại.
Hiện nay, song song với việc phát huy lợi thế của nông nghiệp, của du lịch, Việt Nam định hướng phát triển công nghiệp dựa trên nền tảng công nghệ - nhưng đó phải là công nghệ cao, công nghệ sạch. Cùng với những cam kết mạnh mẽ về cải thiện, tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh cho DN, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành một trong 3 nền kinh tế có môi trường kinh doanh tốt nhất trong ASEAN. Đây sẽ là đòn bẩy để định hình đội ngũ doanh nhân Việt - doanh nhân chỉ còn nghĩ đến thương trường, không phải lo lắng về những khó khăn, bất cập của thể chế, chính sách - ông Lộc kỳ vọng. Bởi khi môi trường kinh doanh ngày càng minh bạch, bình đẳng thì sẽ không còn đất cho quan hệ xin - cho. Do đó, thay vì đầu tư vào “quan hệ” thì DN, doanh nhân chỉ cần nên đầu tư cho công nghệ, quản trị chuyên nghiệp và tập trung phát triển thị trường.
HỒNG THOAN