Thiếu nước nghiêm trọng
Tuy sở hữu 108 lưu vực sông, với gần 3.500 sông, suối tương đối lớn và tổng lượng nước trung bình hàng năm khoảng 830 tỷ m3, nhưng theo Bộ Tài nguyên & Môi trường, so với thế giới, lượng nước của Việt Nam chỉ ở mức dưới trung bình bởi Việt Nam phụ thuộc phần lớn vào nguồn nước từ nước ngoài đổ vào. Theo thống kê, với dân số năm 2012 bình quân đầu người Việt Nam chỉ nhận được 3.370 m3/năm nguồn nước nội sinh, trong khi đó trung bình thế giới là 7.400 m3/người/năm. Cũng theo chỉ tiêu đánh giá của Hội Tài nguyên nước quốc tế (IWRA), quốc gia thuộc nhóm thiếu nước nếu chưa có đến 4.000 m3/người/năm, như vậy với chỉ tiêu này, Việt Nam là quốc gia thiếu nước.
Việc các nước ở thượng nguồn ngăn dòng làm thủy điện đã làm thay đổi quy luật dòng chảy trên sông Mê Kông và sông HồngẢnh: TL
Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm, suy thoái cộng với tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước đang ngày càng rõ rệt hơn. Sức ép từ phát triển kinh tế, dân số ngày một lớn cùng với hệ thống pháp luật về tài nguyên nước còn thiếu đồng bộ và việc triển khai thực hiện chưa đạt hiệu quả như mong muốn là những vấn đề lớn mà Việt Nam phải đối mặt.
Theo thống kê, hiện nay nhu cầu sử dụng nước ở nước ta lên đến 130-150 tỷ m3/năm, chiếm tới gần 50% lượng nước sản sinh trên lãnh thổ, gần 90% nguồn nước mùa khô (khoảng 170 tỷ m3). Điều đó cho thấy, nguy cơ thiếu nước là rõ ràng và ở mức nghiêm trọng. Suy thoái, cạn kiệt nguồn nước mặt, nước ngầm, thiếu nước, khan hiếm nước trở nên phổ biến hơn. Cơn “đại hạn” kéo dài nhất trong lịch sử diễn ra ở khắp các tỉnh Tây Nguyên, Nam Bộ vào mùa khô 2015-2016 vừa qua là minh chứng điển hình.
Thách thức từ hợp tác tài nguyên nước xuyên quốc gia
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu - bối cảnh của sự gia tăng các mâu thuẫn trong sử dụng nguồn nước, đặc biệt là nguồn nước xuyên quốc gia ngày càng bộc lộ rõ và trở nên cấp bách, gay gắt. Theo thống kê, hiện nay trên thế giới có khoảng 150 quốc gia đang cùng nhau chia sẻ và sử dụng chung các nguồn nước để phục vụ nhu cầu đời sống, kinh tế và phát triển. Các nguồn nước chảy qua nhiều quốc gia đó đòi hỏi phải có sự hợp tác và chung sức để xử lý các vấn đề liên quan.
Hiện nay, việc các nước ở thượng nguồn ngăn dòng làm thủy điện đã làm thay đổi quy luật dòng chảy trên các sông lớn Mê Kông và sông Hồng, đồng nghĩa với việc Việt Nam không thể kiểm soát được 60% tổng lượng dòng chảy trong nội địa. Đây là yếu tố đe dọa tới an ninh nước và phát triển bền vững. Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra cho việc hợp tác quản lý tài nguyên nước các lưu vực sông quốc tế, nguồn nước xuyên quốc gia là là đặc biệt quan trọng và cấp bách.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay việc hợp tác này vẫn chưa đem lại nhiều kết quả. Sự đồng thuận, khung pháp lý và cơ chế phối hợp thực hiện các thỏa thuận quốc tế liên quan đến nguồn nước xuyên quốc gia còn chưa đầy đủ. Các hiệp định, thỏa thuận về chia sẻ, sử dụng và bảo vệ nguồn nước còn chưa được một số nước thành viên tham gia; hay chỉ có một số hiệp định, thỏa thuận về một vài khía cạnh của tài nguyên nước mà chưa đề cập đến các khía cạnh sử dụng, chia sẻ lợi ích khác. Điều này thể hiện ở Ủy hội sông Mê Công quốc tế thiếu vắng 2 nước ở thượng nguồn là Trung Quốc và Myanmar. Đến nay, Ủy hội này cũng mới chỉ thông qua được Chiến lược Giao thông thủy nhằm tăng cường tự do giao thông thuỷ và phát triển thương mại.
Nhận định về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển cho biết: Mặc dù Việt Nam đã rất nỗ lực trong đàm phán hợp tác quốc tế nhằm xây dựng cơ chế hợp tác để quản lý, khai thác, sử dụng hài hòa nguồn nước giữa các quốc gia… nhưng chúng ta vẫn gặp không ít những khó khăn. Tuy đã thống nhất xây dựng khá nhiều các cơ chế hợp tác song phương, đa phương về phát triển bền vững nguồn nước nhưng thực tế, phát triển và xu hướng chiếm hữu tài nguyên đang đặt ra nhiều sức ép cho Việt Nam - một quốc gia ở hạ nguồn vốn có ít lợi thế hơn trong các đàm phán về sử dụng nguồn nước quốc tế. Việc thực hiện cơ chế chia sẻ nguồn nước theo Công ước Liên hợp quốc về sử dụng nước cho mục đích phi giao thông thủy chưa được các quốc gia trong khu vực quan tâm, tham gia và chia sẻ.
Nhiều chuyên gia cũng đưa ra cảnh báo: Để ứng phó với các kịch bản xấu về nguồn nước hiện nay và trong tương lai, Việt Nam vẫn cần chủ động đàm phán với các quốc gia nhằm xây dựng, hoàn thiện cơ chế chia sẻ, bảo vệ nguồn nước xuyên quốc gia. Về lâu dài, khả năng khan hiếm nước ngọt trên toàn cầu là một nguy cơ có thể dự báo trước. Để không rơi vào thế bị động, việc cơ cấu lại các hình thức sản xuất, thay đổi lối sống để có thể thích nghi với điều kiện tự nhiên ở những vùng khan hiếm nước, cần phải được tính toán ngay từ bây giờ.
HOÀNG LONG