Chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản

(BKTO) - Trước yêu cầu của Bộ Xây dựng về việc kiểm soát giao dịch bất động sản (BĐS) có tiền mặt từ 300 triệu đồng trở lên, các chuyên gia cho rằng sẽ khó khăn trong triển khai thực tế.



Nguy cơ cao rửa tiềnqua bất động sản

Bộ Xây dựng mới đây đã có Công văn gửi Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư về việc thực hiện công tác phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực kinh doanh BĐS, trong đó có nội dung yêu cầu các DN kinh doanh dịch vụ quản lý BĐS, môi giới BĐS, sàn giao dịch BĐS lập và gửi báo cáo các giao dịch đáng ngờ, báo cáo các giao dịch tiền mặt có giá trị lớn (từ 300 triệu đồng trở lên) về Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS - Bộ Xây dựng và Cục Phòng, chống rửa tiền - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) theo đúng các quy định của pháp luật phòng, chống rửa tiền.

Thực tế, câu chuyện cảnh báo rửa tiền qua BĐS không mới và đã được các chuyên gia cũng như NHNN nhiều lần cảnh báo. Trong một báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Hiệp hội BĐS TP. HCM (HoREA) đã bày tỏ một số quan ngại về thị trường BĐS TP. HCM năm 2019, trong đó có cảnh báo hiện tượng rửa tiền ở phân khúc cao cấp, hạng sang.

Hiệp hội nhận thấy, trong phân khúc nhà ở trung cấp, tỷ lệ nhà đầu tư khoảng 20 - 30%, phân khúc bình dân khoảng 10%. Việc gia tăng quá nhiều nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp trong phân khúc nhà ở cao cấp và trung cao cấp nhằm đầu tư kinh doanh, cất giữ tài sản, cũng có thể nhằm mục đích rửa tiền, dễ dẫn đến việc đầu cơ và kích giá ảo trên thị trường BĐS.

Theo Báo cáo của NHNN về kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2012-2017, đối với lĩnh vực BĐS, nguy cơ rửa tiền là cao bởi thu hút được nhiều nguồn tiền đầu tư có giá trị lớn, các giao dịch lại thường bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản và không thông qua sàn giao dịch BĐS nên rất khó cho các cơ quan chức năng kiểm tra, xác định nguồn gốc của tiền.

Thực tế không dễ kiểm soát

Đánh giá về vấn đề này, chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Thông qua việc giao dịch mua bán BĐS để rửa tiền là một việc làm phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới và ngay cả tại Việt Nam. Việc Bộ Xây dựng yêu cầu báo cáo các giao dịch đáng ngờ, các giao dịch tiền mặt từ 300 triệu đồng trở lên về Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS và Cục Phòng - chống rửa tiền sẽ giúp cho việc kiểm soát các giao dịch đáng ngờ tốt hơn, tuy nhiên về hiệu quả sẽ không cao.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Đình Ánh - chuyên gia kinh tế - cho rằng việc quản lý các giao dịch BĐS từ 300 triệu đồng là nhằm phòng, chống rửa tiền, nếu cơ quan quản lý nhà nước quyết tâm thì sẽ làm được. Đây là nhu cầu tất yếu mà hiện nay chúng ta đã buông lỏng. Để quản lý được hoạt động giao dịch này, theo TS. Ánh, khi ban hành, cơ quan quản lý nhà nước phải thường xuyên kiểm tra, rà soát hệ thống thông tin, đồng thời làm rõ nguyên nhân tại sao các đơn vị không thực hiện, mức độ nghiêm túc như thế nào. Bộ Xây dựng thay vì phải có hệ thống thông tin nắm tình hình thị trường BĐS thì có thể qua hoạt động báo cáo giao dịch từ 300 triệu đồng này để thu thập thông tin về thị trường BĐS một cách chính xác hơn.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam - cho biết, Việt Nam phải thực hiện các quy định của luật pháp quốc tế về phòng, chống rửa tiền là đương nhiên song việc thực hiện không dễ dàng. Ở các nước trên thế giới, việc thanh toán bằng tiền mặt được kiểm soát chặt chẽ, chủ yếu họ thực hiện chuyển khoản nên kiểm soát dễ dàng. Còn ở Việt Nam, thói quen thanh toán bằng tiền mặt khiến tình trạng rửa tiền trở nên khó kiểm soát. Chính phủ đang có lộ trình dần chuyển đổi sang không sử dụng tiền mặt và chừng nào chúng ta làm được việc này thì mới kiểm soát được nạn rửa tiền.

NAM SƠN
Theo Báo Kiểm toán số 32 ra ngày 08-8-2019
Cùng chuyên mục
  • Dạy và học ngoại ngữ:  Đầu tư lớn, chất lượng thấp
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Hơn 542.600 bài thi môn tiếng Anh tại Kỳ thi Trung học phổ thông (THPT) quốc gia 2019 đạt điểm dưới trung bình (chiếm gần 70% số bài) với điểm bình quân chỉ đạt 4,36. Đây là con số đáng báo động về chất lượng môn ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, vốn đang được ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), xã hội quan tâm, đầu tư.
  • Khơi thông cơ chế tự chủ ngành y tế
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Thời gian qua, việc đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính gắn với cơ chế tự chủ được ngành y tế thực hiện mạnh mẽ. Ngày càng có nhiều cơ sở y tế từ T.Ư đến địa phương được giao quyền tự chủ tài chính, điều này đã giúp tiết kiệm chi NSNN hàng nghìn tỷ đồng. Việc giao quyền để các đơn vị được thực sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm là tất yếu khách quan, phù hợp với xu hướng cải cách tài chính công của Chính phủ.
  • Cần sửa luật để ngăn ngừa  “ma men” lái xe
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Trong số các vụ tai nạn giao thông (TNGT) do tài xế uống rượu, bia sau khi lái xe, tỷ lệ phương tiện gây tai nạn là xe máy chiếm từ 70 - 90%, trong đó, tỷ lệ nam giới gây ra là 80 - 90%. Từ kết quả nghiên cứu mới được công bố này, nhiều ý kiến cho rằng, cần nhanh chóng có biện pháp mạnh, thậm chí sửa luật để nghiêm trị những "ma men" cầm lái.
  • Giảm thiểu chất thải nhựa trong y tế
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa ban hành Chỉ thị yêu cầu các cơ sở y tế, cán bộ công chức, viên chức ngành y tế… thực hiện các giải pháp nhằm giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế.
  • Yêu cầu thu hồi về Quỹ Bảo hiểm y tế 25,8 tỷ đồng
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Qua kiểm tra công tác quản lý, thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh (KCB) Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã yêu cầu thu hồi về Quỹ BHYT số tiền 25,8 tỷ đồng chi phí khám bệnh, chữa bệnh (KCB) BHYT không đúng quy định.
Chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản