Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành: Sau mỗi lần kiểm toán, chúng tôi làm tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình

VIẾT CHUNG (thực hiện) | 26/08/2023 13:55

(BKTO) - “Chúng tôi cho rằng, Kiểm toán nhà nước (KTNN) không chỉ là một cơ quan kiểm tra, giám sát độc lập mà còn là cầu nối giữa các địa phương trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ quản lý, sử dụng tài chính và tài sản nhà nước” - đó là chia sẻ của Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành với phóng viên Báo Kiểm toán.

a-thanh.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành. Ảnh: VIẾT CHUNG

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về việc KTNN hỗ trợ địa phương nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách hằng năm thông qua hoạt động kiểm toán?

Với vai trò của một cơ quan hành pháp, có trách nhiệm quản lý nguồn vốn, tài chính, ngân sách cũng như tài sản của địa phương, áp lực trong việc nâng cao hiệu quả quản lý tài chính và tài sản công, sử dụng một cách tốt nhất các nguồn lực này là yêu cầu rất lớn đối với địa phương chúng tôi, đặc biệt với vai trò Chủ tịch UBND tỉnh.

Còn KTNN là một thiết chế độc lập được Quốc hội thành lập với chức năng kiểm tra, giám sát việc sử dụng tài chính và tài sản công cũng như kiểm tra tính tuân thủ trong các hoạt động của các cơ quan nhà nước, trong đó có hoạt động của các UBND tỉnh.

Thông qua hoạt động kiểm toán hằng năm, KTNN giúp chúng tôi tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và đồng hành với chúng tôi trong việc kiến nghị, đề xuất thay thế, sửa đổi những quy định của pháp luật không còn phù hợp với thực tiễn, không phù hợp với địa phương.

Tôi cho rằng vai trò của KTNN là rất quan trọng. Tại tỉnh Vĩnh Phúc, hằng năm, với mỗi kết luận kiểm toán, chúng tôi đều giao cho các cơ quan chức năng nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và có đánh giá cụ thể về nguyên nhân của những tồn tại đó.

Từ đó, chúng tôi có những giải pháp làm tốt hơn trong những năm tới và có thể nói, sau mỗi lần đoàn kiểm toán đến địa phương, có thông báo kết luận, chúng tôi đều khẳng định sẽ làm tốt hơn vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình.

Vậy từ thực tế, hoạt động của KTNN đã mang lại những lợi ích nào cho tỉnh Vĩnh Phúc, thưa ông?

Chúng tôi coi KTNN là một trong những hoạt động tất yếu trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ của tỉnh. Những minh chứng thực tế cho thấy, qua mỗi năm thực hiện kiểm toán, chúng tôi đã rút ra được rất nhiều bài học, rất nhiều kinh nghiệm.

Thứ nhất, trên thực tế hoạt động, khi triển khai thực hiện các nhiệm vụ của tỉnh có những vấn đề gì vướng mắc, chúng tôi cũng trao đổi, xin ý kiến, bàn bạc cùng KTNN để tìm ra chân lý cuối cùng, chứ không phải đợi đến tận cuối năm khi KTNN triển khai thực hiện kiểm toán chúng tôi mới nêu ra những vấn đề vướng mắc đó.

Thứ hai, thông qua những kết luận kiểm toán, chúng tôi có thể xác định thực chất của vấn đề quản lý tài chính và tài sản nhà nước trên địa bàn tỉnh đang ở đâu, điểm yếu là gì, những vấn đề chưa làm tốt là gì để có kế hoạch khắc phục trong thời gian tới.

Thứ ba, thông qua các đợt kiểm toán, thông qua trao đổi với các đoàn kiểm toán, chúng tôi đã học hỏi được rất nhiều điều, hơn nữa, chúng tôi còn học hỏi được kinh nghiệm của các địa phương khác xem họ đã xử lý những vấn đề mình đang quan tâm như thế nào. Bởi các đoàn kiểm toán khi làm việc tại địa phương luôn mang theo một hành trang các quy định của pháp luật.

Hơn ai hết, họ là người hiểu biết các quy định của pháp luật nên sẽ tư vấn tốt nhất cho địa phương phải làm như thế nào cho đúng. Ngoài kiến thức, họ còn có thể tư vấn cho địa phương những kinh nghiệm hay của các địa phương khác trong giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra.

Vì thế, thời gian làm việc với đoàn kiểm toán vừa là áp lực, đòi hỏi địa phương rất nghiêm túc trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ, vừa là thời gian rất thú vị để chúng tôi có thể học hỏi những kinh nghiệm hay ở các địa phương khác hoặc ở một cơ quan cấp trên.

Chúng tôi cho rằng, kiểm toán không chỉ là một cơ quan kiểm tra, giám sát độc lập mà còn là cầu nối giữa các địa phương trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý, sử dụng nguồn tài chính và tài sản nhà nước.

Thưa ông, để thực hiện hiệu quả công tác quản lý trên địa bàn, ngoài các cuộc kiểm toán theo kế hoạch, một số địa phương đã chủ động đặt hàng với KTNN một số chủ đề kiểm toán mà địa phương có nhu cầu. Vậy ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Chúng tôi cho rằng, việc chủ động đặt hàng với cơ quan KTNN là một việc làm rất hay, rất sáng tạo và cần được khuyến khích. Vì với chức năng, vai trò và đặc biệt với uy tín của KTNN trong suốt những năm qua, các địa phương như chúng tôi rất cần tiếng nói cũng như sự khẳng định tính trung thực, khách quan, minh bạch của các con số, các số liệu và đặc biệt kiểm tra tính tuân thủ trong các hoạt động của địa phương.

Thực tế cho thấy, có nhiều hoạt động mới, nhiều hoạt động nằm ngoài dự toán ban đầu hoặc có những hoạt động, những điểm chưa thật phù hợp với các quy định hiện nay nên chúng tôi rất mong muốn KTNN có thể vào cuộc để xác nhận cùng chúng tôi tính khách quan, tính trung thực, tính tuân thủ và thậm chí KTNN có thể giúp chúng tôi trong việc kiến nghị, đề xuất điều chỉnh, bổ sung, thay thế hoặc hoàn thiện các quy định của pháp luật để chúng tôi có thể làm tốt hơn nhiệm vụ của địa phương.

tr4.jpg
Việc chủ động đặt hàng với KTNN là một việc làm rất hay, rất sáng tạo và cần được khuyến khích. Ảnh minh họa

Về phía địa phương, ông có ý định đặt hàng với KTNN để thực hiện một số vấn đề địa phương đang quan tâm hay không, thưa ông?

Có rất nhiều điểm hiện nay chúng tôi cũng đang lúng túng trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Ví dụ một số vấn đề liên quan đến xác định giá đất, vấn đề khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực mới ở địa phương…

Chúng tôi cho rằng, chúng tôi rất cần và cũng đang mong muốn KTNN có thể hỗ trợ, giúp chúng tôi trong thời gian tới. Thực tế, chúng tôi cũng có một số nội dung, công việc đã có công văn đề nghị KTNN vào kiểm tra, xác nhận tính trung thực, tính chính xác của số liệu cũng như việc tuân thủ các quy định của pháp luật giúp chúng tôi.

Với một số ý kiến đề xuất đại diện KTNN khu vực cần tham gia vào các kỳ họp của Hội đồng nhân dân (HĐND) các tỉnh, thành phố và tham gia Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND. Xin được hỏi quan điểm của ông về đề xuất này như thế nào, thưa ông?

Chúng tôi cho rằng đây là một đề xuất rất thực tiễn và để gắn kết hoạt động kiểm tra, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền với việc tuân thủ của các cơ quan thực hiện tại địa phương, thì phải bắt đầu từ lúc tổ chức triển khai đến khi công việc hoàn thành.

Nếu có sự giao thoa, có sự kết hợp đó hoặc nếu các cơ quan giám sát như KTNN được tham gia ngay từ khi địa phương xây dựng dự toán, tham gia vào các kỳ họp HĐND thì có thể nắm, hiểu sâu hơn và nhìn nhận khách quan hơn, có những kiến nghị, đề xuất sâu sắc hơn, phù hợp hơn đối với địa phương.

Tôi cho rằng, đây cũng là một yêu cầu tất yếu trong quá trình tổ chức triển khai hoạt động của chính quyền địa phương, cũng như quá trình tổ chức triển khai các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Cùng chuyên mục
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành: Sau mỗi lần kiểm toán, chúng tôi làm tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình