Tăng thuế là cần thiết...
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, mục đích, quan điểm xây dựng Nghị quyết nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về hoàn thiện chính sách tài chính về bảo vệ môi trường và cơ cấu một bước nguồn thu NSNN. Đồng thời, việc xây dựng Nghị quyết cũng phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo lợi ích quốc gia trong điều kiện hội nhập sâu khi thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế và thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ môi trường; động viên hợp lý đóng góp của xã hội vào NSNN để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó có nhiệm vụ chi cho bảo vệ môi trường.
Theo Tờ trình Dự thảo Nghị quyết về Biểu thuế bảo vệ môi trường, Chính phủ đề nghị, xăng tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức trần 4.000 đồng/lít, tăng 1.000 đồng/lít; dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên kịch trần 2.000 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít; mỡ nhờn tăng từ 900 đồng/kg lên mức trần 2.000 đồng/kg; dầu hỏa tăng từ 300 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít.
Chính phủ cũng đề nghị tăng mức thuế bảo vệ môi trường đối với than antraxit từ 20.000 đồng/tấn lên 30.000 đồng/tấn, tăng 10.000 đồng/tấn; than nâu, than mỡ, than đá khác tăng từ 10.000 đồng/tấn lên 15.000 đồng/tấn, tăng 5.000 đồng/tấn…
Tờ trình của Chính phủ cũng nêu rõ: Phương án điều chỉnh nêu trên sẽ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2018 là khoảng 0,11 - 0,15%. Tuy nhiên, việc tăng thuế sẽ khuyến khích sử dụng năng lượng, tài nguyên một cách tiết kiệm, hiệu quả; góp phần khuyến khích sản xuất, tiêu dùng hàng hóa thân thiện với môi trường, tăng thu ngân sách khoảng 15.189 tỷ đồng/năm và tạo thêm nguồn thu để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, trong đó có các nhiệm vụ chi cho bảo vệ môi trường.
Phiên họp của UBTVQH cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết về Biểu thuế bảo vệ môi trường - Ảnh: quochoi.vn |
...Nhưng cần cân nhắc tác động đến sản xuất và đời sống
Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với Tờ trình của Chính phủ việc điều chỉnh tăng thuế đối với xăng, dầu... nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm, nhận thức của tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ môi trường, khuyến khích sử dụng tiết kiệm và tiến tới sử dụng sản phẩm thay thế, thân thiện với môi trường.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, trong điều kiện hiện nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,29%, dần tiệm cận mức Quốc hội giao 4%. Để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tránh tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và đời sống của người dân, Chính phủ nên cân nhắc việc tăng thuế suất thuế bảo vệ môi trường đối với xăng. Đối với mặt hàng dầu mazut, có ý kiến đề nghị tăng thuế suất thấp hơn, chưa nên tăng lên kịch trần 2.000 đồng/ lít do đây vẫn là đầu vào của một số ngành sản xuất hàng hóa.
Để tạo sự đồng thuận của xã hội trong việc điều chỉnh tăng mức thuế bảo vệ môi trường, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ cần báo cáo rõ hơn về tác động của việc tăng thuế bảo vệ môi trường đến hiệu quả của nền kinh tế nói chung và sản xuất, kinh doanh của DN, đời sống người dân nói riêng; chỉ số giá tiêu dùng; công tác tuyên truyền, phản ứng của dư luận xã hội trong quá trình soạn thảo, lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, các nhà khoa học và các đối tượng bị tác động; việc sử dụng nguồn tăng thu từ thuế bảo vệ môi trường cần được ưu tiên bố trí để xử lý, khắc phục hậu quả môi trường như thế nào? |
Cơ quan thẩm tra cũng lưu ý, hiện nay, chỉ số giá tiêu dùng những tháng đầu năm tăng cao nhất trong nhiều năm qua (bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,29% và dần tiệm cận mức Quốc hội giao 4%). Đồng thời, chuẩn bị vào năm học mới, nhiều địa phương sẽ thực hiện lộ trình tăng mức học phí các cấp. Do đó, để góp đảm bảo khả năng điều tiết giá cả hàng hóa vào cuối năm, đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát do Quốc hội đề ra và các tác động chính trị, xã hội khác, thời điểm có hiệu lực thi hành của Nghị quyết cần được xem xét và cân nhắc cho phù hợp.
Qua thảo luận, nhiều ý kiến trong UBTVQH cũng băn khoăn về thời điểm, lộ trình, tác động đến CPI, hiệu ứng xã hội... của việc tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu.
Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng, xăng, dầu là nguyên liệu thiết yếu trong sản xuất và đời sống của đa số người dân nên việc điều chỉnh sẽ tác động rất lớn đến xã hội và nền kinh tế. Theo ông Giàu, chúng ta mới áp dụng tăng lương từ ngày 01/7, lại đang mùa mưa bão nên khả năng giá cả sẽ lên cao, bị biến động, đặc biệt là chiến tranh thương mại Mỹ -Trung Quốc đang diễn biến phức tạp và học sinh cả nước chuẩn bị bước vào năm học mới vào tháng 9.
“Việc tăng thuế chỉ phù hợp vào dịp sau tết âm lịch, vì lúc này, cầu hàng hóa đã “no” trong dịp tết cho nên điều chỉnh là phù hợp. Còn bây giờ, nếu áp dụng tăng như đề xuất sẽ gây tác động rất lớn, khó kiểm soát được tình hình”- ông Giàu nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị, việc tăng thuế cần có thời gian trao đổi kỹ, nhất là xăng, vì xăng là mặt hàng thiết yếu, khi tăng sẽ tác động ngay đến xã hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiểnnhận định, việc tăng thuế môi trường với xăng, dầu chắc chắn sẽ tác động tới CPI, dự báo ảnh hưởng tới CPI từ 0,11- 0,15%, tức là bằng CPI của 1 tháng nên cần cân nhắc. Phó Chủ tịch Quốc hộiđặt vấn đề: “Nếu tăng thuế này Chính phủ có kiểm soát được CPI dưới 4% hay không?”
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý,các DN kinh doanh xăng dầu phải có giải pháp thực hiện tiết kiệm ở các khâu khác để có thể tăng thuế mà không tăng giá xăng dầu, vì các khâu khác còn lãng phí, thất thoát nhiều. Bên cạnh đó, cơ quan tài chính, thuế, hải quan cần tăng cường kiểm tra, giám sát kết quả kinh doanh các DN kinh doanh xăng dầu nhằm giảm chi phí sản xuất kinh doanh, không được điều chỉnh tăng giá xăng dầu một cách cơ học.
Do vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, chưa tập trung nên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, UBTVQH chưa biểu quyết, chưa ban hành Nghị quyết về Biểu thuế bảo vệ môi trường với các mặt hàng xăng, dầu, than đá.
Cũng trong ngày 12/7, UBTVQH đã cho ý kiến về phương án phân bổ số vốn đầu tư nguồn NSNN giai đoạn 2016-2020 còn lại; phương án phân bổ kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 Chương trình mục tiêu quốc gia Biển Đông - Hải đảo đảm bảo cho lĩnh vực quốc phòng an ninh trên biển và hải đảo; việc sử dụng 15.000 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng của Kế hoạch trung hạn vốn NSNN giai đoạn 2016-2020 cho các dự án đường sắt quan trọng và các dự án đường bộ quan trọng, cấp bách; cho ý kiến về điều chỉnh tổng mức đầu tư các Dự án đường sắt đô thị TP. Hồ Chí Minh: Tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và Tuyến số 2 (Bến Thành - Tham Lương) và cho ý kiến về việc thực hiện một số quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công và Luật Bảo vệ môi trường liên quan đến báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư. |
Đ. KHOA