Tạo động lực xóa đói giảm nghèo
Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2016-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2081/QĐ-TTg ngày 08/11/2013. Triển khai Luật Đầu tư công năm 2014, Bộ Công Thương trình Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình giai đoạn 2016-2020, được Chính phủ phê duyệt trong các Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020; Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình tại Quyết định số 1740/QĐ-TTg ngày 13/12/2018.
Mục tiêu tổng quát của Chương trình là cấp điện cho các hộ dân nông thôn, miền núi và hải đảo nhằm tạo động lực xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần thực hiện công bằng, an sinh xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết giữa các dân tộc, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và biển đảo của Tổ quốc, tạo điều kiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất của người dân khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo. Chương trình được thực hiện trên địa bàn 48 tỉnh, thành phố, trọng tâm là khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo, vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Chương trình gồm nhiều dự án thành phần được phân nhóm theo nguồn vốn. Cụ thể, các dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương (vốn trong nước) gồm 28 dự án đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; trong đó Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quản lý 5 dự án, các địa phương quản lý 23 dự án. Các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài là các dự án thành phần thuộc các dự án ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài. Tổng kinh phí thực hiện Chương trình khoảng 30.116 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư phát triển từ ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 là 2.218 tỷ đồng; vốn ODA và vốn vay ưu đãi 23.381 tỷ đồng; vốn do các địa phương thu xếp khoảng 3.121 tỷ đồng và vốn do EVN thu xếp khoảng 1.397 tỷ đồng.
KTNN đánh giá, với vai trò là cơ quan quản lý Chương trình, Bộ Công Thương đã thành lập Ban điều phối Chương trình với sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương liên quan; ban hành Quy chế hoạt động của Ban điều phối; chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính vận động các nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài để thực hiện Chương trình…
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, một trong những kết quả tích cực trong thực hiện Chương trình là giải pháp cấp điện năng lượng tái tạo độc lập khu vực biên giới, đặc biệt khó khăn cho các cụm dân cư nhỏ lẻ như đang triển khai tại tỉnh Cao Bằng mang lại hiệu quả nguồn lực rất lớn, giảm suất đầu tư trung bình từ khoảng 450 triệu đồng/hộ nếu đầu tư lưới điện xuống còn khoảng 80 triệu đồng/hộ khi cấp điện bằng năng lượng tái tạo. Với giải pháp này, trước mắt người dân có ánh sáng sinh hoạt, nâng cao dân trí, bám đất giữ làng vùng biên giới Tổ quốc.
Vốn bố trí cho Chương trình chỉ đạt 18,5% nhu cầu
Theo kết quả kiểm toán, để đảm bảo nguồn vốn thực hiện Chương trình, Bộ Công Thương đã vận động các tổ chức tài chính quốc tế tài trợ vốn cho Chương trình. Tuy nhiên, nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi chưa huy động được theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Giai đoạn 2016-2020, nguồn vốn ngân sách trung ương và vốn ODA viện trợ không hoàn lại của Liên minh châu Âu (EU) bố trí cho Chương trình chỉ đạt 18,5% (4.743 tỷ đồng/25.599 tỷ đồng) so với tổng nhu cầu vốn đầu tư của cả Chương trình.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi của Chương trình, Bộ Công Thương đã có văn bản đề xuất nhu cầu vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài; Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến thẩm định đối với nhu cầu vốn còn lại (khoảng 20.856,5 tỷ đồng), Bộ Công Thương sẽ tiếp tục làm việc với các nhà tài trợ để thu xếp vốn. Khả năng cân đối nguồn vốn này phụ thuộc vào chính sách của nhà tài trợ cũng như mục tiêu quản lý nợ công của Chính phủ; Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Văn phòng Chính phủ là đang rà soát danh mục các dự án dự kiến sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài trong ngành năng lượng giai đoạn 2016-2020 trên nguyên tắc đảm bảo mức trần nợ công trong giới hạn cho phép để báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định.
Tuy nhiên, cho đến khi Chương trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì nguồn vốn trên vẫn chưa được thu xếp qua các nhà tài trợ và được phê duyệt là tiếp tục vận động vốn ODA, vốn vay ưu đãi. Trong quá trình thực hiện, Bộ Công Thương đã báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư sử dụng vốn vay ưu đãi nước ngoài của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới (WB) số tiền 760 triệu USD, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định nhưng chưa nhận được ý kiến trả lời, dẫn đến nguồn vốn đầu tư chưa thu xếp được.
Bên cạnh đó, một số địa phương, đơn vị bố trí vốn đối ứng cho Chương trình cũng chưa đảm bảo tỷ lệ tối thiểu là 15% theo quy định tại Quyết định phê duyệt Chương trình, như: Tuyên Quang bố trí vốn đạt 11,61%, Thanh Hóa đạt 6,65%, Kon Tum đạt 3,1%...
Việc bố trí nguồn vốn và phân bổ vốn để triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình không đáp ứng nhu cầu là nguyên nhân chính dẫn đến việc thực hiện các chỉ tiêu của Chương trình giai đoạn 2016-2020 chưa đạt mục tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cụ thể, số hộ dân được cấp điện từ các nguồn là 204.737 hộ/1.076.000 hộ đạt 19% trên địa bàn 3.079 thôn, bản thuộc 1.107 xã; số thôn, bản được cấp điện đạt 3.079/9.890 thôn, bản; cấp điện trạm bơm đạt 3,26%. Kết quả kiểm toán tại 3 công ty điện lực thuộc EVN và 11 tỉnh cho thấy kết quả đạt được so với mục tiêu phê duyệt tại các dự án còn hạn chế. Trong đó, tổng số xã được cấp điện đạt 52%; tổng số thôn, bản được cấp điện đạt 14%; tổng số hộ dân được cấp điện đạt 7%; quy mô thực hiện đường dây trung áp đạt 44%, đường dây hạ áp đạt 36%, trạm biến áp đạt 41%./.
KTNN kiến nghị Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm rõ trách nhiệm của các bên trong việc thực hiện các mục tiêu của Chương trình chưa đạt theo kế hoạch được duyệt; thẩm định đề xuất của Bộ Công Thương về báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án thành phần của Chương trình sử dụng vốn vay ưu đãi của ADB và WB, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.