Thưa ông, ông đánh giá ra sao về nguồn lực dành cho phát triển văn hóa hiện nay?
Từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, với những chỉ đạo sâu sắc, quyết liệt của đồng chí Tổng Bí thư về nguồn lực cho phát triển văn hóa hiện đang được các ngành, địa phương nỗ lực triển khai thực hiện. Chúng ta cũng nhìn thấy sự chuyển động mới mẻ so với giai đoạn trước, đó là không chỉ có những chuyển biến từ phía Nhà nước, các thành phần xã hội cũng thể hiện sự năng động, nhiệt huyết đối với văn hóa.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, để phát triển văn hóa theo đúng kỳ vọng và xứng tầm vai trò là “sức mạnh mềm” phát triển đất nước mà Đảng ta đặt ra, các ngành chức năng vẫn còn nhiều việc cần phải làm ngay.
Hiện tại, mức độ chi cho các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du dịch đạt 1,72%. Tỷ lệ này thấp hơn mức 1,8% mà Nghị quyết Đại hội Đảng đã đặt ra. Đơn cử như trong lĩnh vực tu bổ di tích, giai đoạn 2011-2015, Chính phủ hỗ trợ các địa phương 1.400 tỷ đồng. Tới giai đoạn 2016-2018, ngân sách hỗ trợ đã giảm tới hơn 10 lần, chỉ còn 120 tỷ đồng.
Một trong những rào cản, đó là nguồn lực dành cho văn hóa, theo chương trình MTQG thời gian qua bị gián đoạn. Điều này đã khiến nhiều địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa phải đối diện với không ít thách thức trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản.
Tôi lấy ví dụ, trong quá trình giám sát trên địa bàn tỉnh Hà Giang, nguồn kinh phí tu bổ, tôn tạo di tích trước đây được thực hiện chủ yếu thông qua Chương trình MTQG về văn hóa, nhưng khi Chương trình kết thúc, kinh phí để tu bổ chủ yếu được lấy từ ngân sách với số lượng rất hạn chế, do điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn. Trong khi đó, việc huy động xã hội hóa đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích rất khó…
Nguồn kinh phí đầu tư từ Chương trình MTQG về văn hóa vì thế chính là nguồn lực vô cùng quan trọng trong sự phát triển văn hóa, nhất là tại các địa phương này.
Do đó, trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng và ban hành Chương trình MTQG về văn hóa là yêu cầu cấp thiết để định hình và thúc đẩy sự phát triển toàn diện của quốc gia. Chương trình được ban hành sẽ giúp chúng ta có một nguồn lực đầy đủ, với những đầu tư trọng tâm, trọng điểm, mang tính định hướng, khơi nguồn đầu tư xã hội cho văn hóa.
Hiện, các cơ quan chức năng đang khởi động xây dựng Chương trình MTQG về văn hóa cho giai đoạn tới. Ông có thể cho biết một số định hướng trọng tâm khi xây dựng Chương trình?
Xây dựng Chương trình MTQG nói chung, nhất là về văn hóa nói riêng không dễ dàng để từ đó khai thác hiệu quả và tạo sự chuyển biến mang tính đột phá trong phát triển văn hóa.
Thứ nhất, việc xây dựng Chương trình MTQG về văn hóa cần bám sát vào quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước. Từ Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa đến Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030, Đảng, Nhà nước đã đề ra những quan điểm chỉ đạo, mục tiêu cụ thể để xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Chương trình MTQG về văn hóa sẽ là công cụ hỗ trợ để đạt được các mục tiêu này, đồng thời đảm bảo sự nhất quán và liên kết giữa các chương trình, dự án văn hóa trên toàn quốc.
Thứ hai, dù mang tính bao quát để tạo ra tính tổng thể cho sự phát triển văn hóa nhưng Chương trình MTQG về văn hóa vẫn cần có điểm nhấn mang tính đột phá như tập trung vào bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc.
Chương trình cần đặt trọng tâm vào việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị này thông qua việc khôi phục, tôn vinh các di sản văn hóa truyền thống, để từ đó không chỉ giúp chúng ta hiểu biết, tự hào về lịch sử mà còn giúp chúng ta có hành trang kiến thức, sự tự tin văn hóa để bước đi vững chắc vào tương lai mà không sợ bị hòa tan trong dòng chảy toàn cầu hóa.
Thứ ba, Chương trình MTQG về văn hóa giai đoạn hiện nay cần phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Chúng ta thấy rằng, văn hóa không chỉ là một lĩnh vực di sản truyền thống, nghệ thuật giải trí mà còn là một nguồn tài nguyên kinh tế quan trọng tạo ra sức mạnh tổng hợp quốc gia. Bằng việc tạo điều kiện và đầu tư vào điện ảnh, âm nhạc, thời trang, phần mềm, du lịch văn hóa,... chúng ta có thể tận dụng và phát triển tiềm năng của văn hóa để đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội.
Một trong những tiêu chí cần được quan tâm khi xây dựng, triển khai Chương trình đó là tính hiệu quả, sử dụng nguồn lực đúng mục đích. Ông có lưu ý gì về vấn đề này?
Chương trình MTQG về văn hóa không chỉ đơn thuần là một kế hoạch chi tiết, mà còn là một phương tiện để thể hiện quyết tâm và sự cam kết của Đảng, Nhà nước trong bảo tồn và phát triển văn hóa.
Điều này đảm bảo rằng chương trình sẽ được thực hiện với sự nhất quán và liên kết với các chính sách, quyết sách khác trên toàn quốc, đem lại sự tự tin, bản lĩnh và sự phát triển toàn diện cho văn hóa, con người Việt Nam, góp phần khẳng định uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Để từ đó, văn hóa trở thành yếu tố hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Tuy nhiên, việc xây dựng, triển khai Chương trình cần tính đến hiệu quả khi quản lý, sử dụng nguồn lực cho văn hóa. Bởi trên thực tế, qua đánh giá, việc triển khai Chương trình MTQG về văn hóa các giai đoạn trước vẫn bộc lộ nhiều bất cập, điều này được thể hiện rõ qua kết quả kiểm toán, như tình trạng nhiều địa phương điều chuyển vốn từ dự án này sang dự án khác không đúng quy định.
Một số địa phương tự ý cắt giảm kinh phí của các dự án thuộc Chương trình để phân bổ cho một số dự án không thuộc đối tượng. Thậm chí, một số địa phương còn có sử dụng sai mục đích cấp kinh phí cho các lĩnh vực khác…
Do đó, để đảm bảo hiệu quả, đúng mục đích trong sử dụng nguồn lực dành cho văn hóa, trong quá trình xây dựng Chương trình, các cơ quan cần nghiên cứu kỹ lưỡng để có quy định thật chặt chẽ, tránh tạo kẽ hở; cũng như tránh các quy định không rõ ràng, gây khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện.
Trong quá trình triển khai Chương trình, cần tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát, đặc biệt là vai trò kiểm toán của KTNN, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, cũng như vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc các cấp.
Xin trân trọng cảm ơn ông!./.