Chuyển đổi số nền kinh tế: Thay đổi từ nhận thức đến hành động

(BKTO) - Ngày 26/12, Học viện Tài chính tổ chức hội thảo “Chuyển đổi số nền kinh tế Việt Nam” với sự tham gia đông đảo của nhiều nhà khoa học trong và ngoài Học viện.

cds-77-.jpg
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: HVTC

Phát biểu khai mạc, PGS, TS. Nguyễn Mạnh Thiều - Phó Giám đốc Học viện Tài chính nhấn mạnh, chuyển đổi số là một quá trình mang tính toàn diện, tác động đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế… Chuyển đổi số không chỉ tạo ra những đột phá trong cách thức hoạt động, sản xuất kinh doanh, mà còn làm thay đổi tư duy, phong cách làm việc cũng như mở ra nhiều cơ hội tốt hơn cho mọi đối tượng trong xã hội.

Nắm bắt xu thế chung, Chiến lược quốc gia về chuyển đổi số đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 03/6/2020 đã xác định mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống - làm việc của người dân. Chuyển đổi số cũng được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030.

1.jpg
NSƯT. PGS. TS. Nguyễn Mạnh Thiều - Phó Giám đốc Học viện Tài chính phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: HVTC

Với sự quyết tâm cao của Chính phủ cũng như các Ban, ngành, thời gian qua, chuyển đổi số đã được triển khai mạnh mẽ ở Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực, mang lại nhiều kết quả tích cực. Trong lĩnh vực kinh tế, chuyển đổi số đã giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng năng suất lao động, mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh. Nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng thành công các công nghệ số như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây vào sản xuất, kinh doanh, quản trị, marketing...

Trong lĩnh vực hành chính nhà nước, chuyển đổi số đã giúp Chính phủ nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, giảm chi phí, tăng sự minh bạch, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Nhiều dịch vụ công trực tuyến đã được triển khai, giúp người dân và doanh nghiệp có thể thực hiện thủ tục hành chính một cách nhanh chóng, thuận tiện.

Tại khu vực ASEAN, chỉ tính riêng cấu phần kinh tế số Internet/nền tảng năm 2020 đã đạt khoảng 105 tỷ USD (tăng 5% so với năm 2019) và dự kiến đến năm 2025 sẽ đạt 309 tỷ USD.

Trong lĩnh vực xã hội, chuyển đổi số đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Nhiều ứng dụng số đã được phát triển, giúp người dân dễ dàng tiếp cận thông tin, giáo dục, y tế, giải trí.

Tuy nhiên, theo PGS, TS. Nguyễn Mạnh Thiều, bên cạnh những kết quả tích cực, chuyển đổi số ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng và phát triển kinh tế Việt nam, dẫn tới nguy cơ tụt hậu, gia tăng khoảng cách với các nước đi trước.

Tham luận tại Hội thảo, PGS, TS. Đinh Văn Hải (Học viện Tài chính) đánh giá, chuyển đổi số ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Trong đó, nhận thức của xã hội về phát triển kinh tế số còn hạn chế, thậm chí ngay cả ở cấp độ quản lý nhà nước, doanh nghiệp thì nhu cầu, kế hoạch và hành động nắm bắt xu thế kinh tế số cũng chưa kịp thời.

Báo cáo kinh tế Việt Nam thường niên do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách công bố đã chỉ ra, có tới 85% doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam vẫn nằm ngoài nền kinh tế số và chỉ có 13% ở cấp độ mới bắt đầu. Bên cạnh đó, môi trường pháp lý và thể chế cho phát triển kinh tế số chưa hoàn thiện, nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi sang kinh tế số; vấn đề an ninh mạng, bảo mật an toàn thông tin trở thành những thách thức cho sự phát triển kinh tế số tại Việt Nam.

 Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đặt ra mục tiêu đưa Việt Nam vào nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử, kinh tế số đóng góp 30% GDP (ngang bằng với đóng góp của công ghiệp chế biến, chế tạo), đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới, thứ 3 trong khu vực ASEAN và đáp ứng được mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc năm 2030; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 8%...

Đưa ra khuyến nghị cho các doanh nghiệp, Giám đốc chuyển đổi số Misa Hà Nội Trịnh Văn Biển cho rằng, hiện nay, Việt Nam có khoảng 857.551 doanh nghiệp đang hoạt động, trong 94% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Để phát triển kinh tế số, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cần chuyển đổi số để đóng góp hàm lượng, giá trị số trong tổng thể nền kinh tế.

Muốn thúc đẩy phát triển kinh tế số thì cả 3 cấu phần kinh tế số, kinh tế số nền tảng và kinh tế số ngành, lĩnh vực phải cùng phát triển, trong đó chú trọng vào phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực. Cách tiếp cận chủ đạo là xây dựng các hệ sinh thái nền tảng số, các doanh nghiệp công nghệ đóng vai trò chủ đạo xây dựng nền tảng số lõi và các doanh nghiệp nhỏ, cộng đồng lập trình viên sẽ cùng khai thác, cộng hưởng, phát triển hệ sinh thái, ông Trịnh Văn Biển khuyến nghị.

cds-27-.jpg
Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: HVTC

Đối với riêng lĩnh vực ngân hàng, ông Lê Mạnh Thắng (Hội Luật gia Việt Nam) nhận định, tác động của chuyển đổi số kèm theo là rủi ro an ninh mạng đối với lĩnh vực ngân hàng là rất lớn, có khả năng gây ra tổn thất tài chính, gián đoạn hoạt động và thiệt hại về danh tiếng đáng kể cho các ngân hàng thương mại. Vì vậy, các ngân hàng thương mại Việt Nam cần có cách tiếp cận chủ động và toàn diện để phòng, chống cũng như giảm thiểu tổn thất từ hậu quả của các vụ
tấn công bởi tội phạm mạng.

Theo đó, các ngân hàng tiến hành đánh giá rủi ro, phát triển chiến
lược an ninh mạng, thực hiện kiểm soát an ninh, đào tạo nhân viên, cập nhật các quy định. Đồng thời, các ngân hàng thương mại Việt Nam cần chủ động, tích cực hợp tác chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước để luôn được thông báo cũng như chia sẻ thông tin về các mối đe dọa mới nhất nhằm đẩy mạnh hợp tác phòng, chống tội phạm mạng.

Hội thảo Chuyển đổi số nền kinh tế Việt Nam được tổ chức gồm 2 phiên:

Phiên 1 - Đổi mới sáng tạo trong nền kinh tế số thảo luận một số nội dung cơ bản về kinh tế số và giải pháp thúc đẩy kinh tế số tại Việt Nam; Phát triển kinh tế số - Xu hướng tất yếu của nền kinh tế Việt Nam.

Phiên 2 - Chuyển đổi số trong kinh tế và quản lý tài chính ngân hàng tập trung vào nội dung phòng chống tội phạm mạng trong quá trình chuyển đổi số tại các ngân hàng thương mại ở Việt Nam; Phát triển dịch vụ ngân hàng số tại Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số.

Cùng chuyên mục
Chuyển đổi số nền kinh tế: Thay đổi từ nhận thức đến hành động