Chuyển đổi số phải bắt đầu từ đổi mới tư duy, cách thức quản trị nhà trường

(BKTO) - Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, Việt Nam đứng trước thời cơ lớn khi giai đoạn sắp tới có nhiều cơ hội đầu tư vào chuyển đổi số. Một trong những thế mạnh của chúng ta là con người. Vì vậy, ngành giáo dục có vai trò quan trọng là đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao nói chung và nguồn nhân lực số nói riêng, qua đó thúc đẩy toàn bộ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

08.9.-chuyen-doi-so-trong-gd-1.jpg
Cần thực hiện hiệu quả hơn, quyết liệt hơn việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành giáo dục. Ảnh: ST

Theo báo cáo của Cục Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), thời gian qua, kết quả ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của Bộ GDĐT nói riêng và ngành GDĐT nói chung đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, Bộ GDĐT đã hoàn thành xây dựng 100% các cơ sở dữ liệu của ngành và kết nối thành công với các cơ sở dữ liệu quốc gia.

Đối với giáo dục đại học, từ năm 2022, Bộ GDĐT đã xây dựng và đưa vào khai thác sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học (HEMIS), trong đó, tổng hợp thông tin dữ liệu từ tất cả các đại học, trường đại học, học viện trên cả nước gồm các nhóm dữ liệu về đội ngũ, người học, chương trình đào tạo, ngành đào tạo, cơ sở vật chất, tài chính tài sản…

Đến nay đã số hóa được dữ liệu khoảng 470 cơ sở giáo dục đại học, trên 25.000 chương trình đào tạo, trên 100.000 hồ sơ cán bộ, gần 3 triệu hồ sơ người học. Đồng thời, đã kết nối, đồng bộ dữ liệu về sinh viên ra trường với cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; hằng năm, chia sẻ dữ liệu việc làm của khoảng 97.000 sinh viên tốt nghiệp.

Cùng với đó, đã kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về cơ sở vật chất. Hiện đã báo cáo dữ liệu khoảng 18.000 hồ sơ viên chức các cơ sở giáo dục đại học thuộc Bộ GDĐT lên cơ sở dữ liệu quốc gia về cơ sở vật chất.

Một trong những thế mạnh của chúng ta là con người. Bên cạnh chuyển đổi số trong ngành, ngành giáo dục có vai trò quan trọng là đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao nói chung và nguồn nhân lực số nói riêng, qua đó thúc đẩy toàn bộ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn

Dữ liệu trên cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học được sử dụng phục vụ công tác quản lý nhà nước và công tác báo cáo, thống kê về giáo dục đại học, được sử dụng thống nhất trong toàn ngành, đảm bảo tính tổng thể đồng bộ với hệ thống cơ sở dữ liệu công khai của các đại học, học viện, trường đại học.

Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và công tác tuyển sinh đại học đã được triển khai đồng bộ, triệt để từ đăng ký dự thi, đăng ký nguyện vọng xét tuyển, nộp phí xét tuyển và xác nhận nhập học được thực hiện theo hình thức trực tuyến đối với tất cả thí sinh.

Nhận thức về xu hướng của chuyển đổi số, ngày càng có nhiều cơ sở giáo dục đại học quan tâm đầu tư triển khai chuyển đổi số, cách thức triển khai ngày càng bài bản, có hệ thống hơn nên đã phát huy được hiệu quả trong công tác quản trị dựa trên dữ liệu và công nghệ số.

Để tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục đại học và bảo đảm nguồn nhân lực thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực, hiện nay, Bộ GDĐT đã hoàn thiện Đề án thí điểm mô hình giáo dục đại học số và Đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghệ cao trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bên cạnh đó, Bộ đã xây dựng dự thảo và sẽ sớm ban hành khung năm lực số cho người học từ mầm non đến đại học (bao gồm năng lực ứng dụng AI) nhằm nâng cao năng lực số cho người học, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số quốc gia. Dự kiến các đề án và khung năng lực số sẽ được triển khai ngay từ năm 2025 ngay sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Nhấn mạnh chuyển đổi số yêu cầu thay đổi sâu sắc, toàn diện, thay đổi hẳn cách làm, theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn, chuyển đổi số phải bắt đầu từ đổi mới tư duy, cách thức quản lý, quản trị nhà trường.

Đặc biệt, trong thời gian tới, cần thực hiện hiệu quả hơn, quyết liệt hơn việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành giáo dục để chuyển đổi số, không gian số, ứng dụng công nghệ số và trí tuệ nhân tạo sẽ thực sự tác động, tạo ra thay đổi về năng suất dạy, năng suất học; xoá bỏ được các khâu, cấp trung gian trong hoạt động GDĐT./.

Cùng chuyên mục
  • Chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn
    9 ngày trước Xã hội
    (BKTO) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 128/CĐ-TTg yêu cầu các Bộ ngành , địa phương chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
  • Quan ngại tình trạng nới rộng khoảng cách giữa giá nhà và thu nhập
    10 ngày trước Xã hội
    (BKTO) - Theo các chuyên gia, quan sát thực trạng thị trường bất động sản và khả năng chi trả của người dân có thể thấy khoảng cách giữa giá nhà và thu nhập đang ngày càng nới rộng, ngay cả một bộ phận người có thu nhập cao cũng khó có thể mua nhà nếu chỉ dựa vào thu nhập thường xuyên. Điều này đặt ra thách thức lớn về khả năng tiếp cận nhà ở của đại đa số người dân, đặc biệt là tại các đô thị lớn.
  • Đảm bảo tất cả đoàn viên, người lao động đều có Tết
    11 ngày trước Xã hội
    (BKTO) - Với phương châm: “Tất cả đoàn viên, người lao động đều có Tết”, 100% các tổ chức Công đoàn trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã xây dựng kế hoạch và tập trung chỉ đạo các cấp công đoàn trực thuộc triển khai các hoạt động phù hợp, bảo đảm thiết thực, an toàn, hiệu quả, tiết kiệm, đúng quy định, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong đoàn viên, người lao động (ĐV, NLĐ).
  • Cả nước thiệt hại 1.585,9 ha rừng
    12 ngày trước Xã hội
    (BKTO) - Theo số liệu thống kê, diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước tháng 11/2024 ước đạt 31,4 nghìn ha, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm trước.
  • Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải quyết thủ tục hành chính
    12 ngày trước Xã hội
    (BKTO) - Công tác cải cách hành chính luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, chú trọng, xác định là một trong những nhiệm vụ then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Chuyển đổi số phải bắt đầu từ đổi mới tư duy, cách thức quản trị nhà trường