Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: PHƯƠNG VÂN
Tham dự Tọa đàm còn có các đồng chí: Nguyễn Quang Thành - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước; Trần Quang Duy - Trưởng Ban Tuyên giáo Đoàn Khối các cơ quan T.Ư, cùng đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc KTNN và hàng trăm Đoàn viên thanh niên KTNN.
Tham luận tại Tọa đàm, các đại biểu đều khẳng định, cổ phần hóa DNNN là một chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Quá trình cổ phần hóa DNNN đang được đẩy nhanh, nhưng đi kèm với đó là không ít rủi ro tiềm ẩn thất thoát tiền, tài sản nhà nước. Với chức năng kiểm tra, đánh giá việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, sự tham gia của KTNN vào quá trình cổ phần hóa rất quan trọng.
Từ thực tiễn kiểm toán thời gian qua, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, kết quả kiểm toán xác định giá trị DN trước khi cổ phần hóa; kỹ năng kiểm toán các phần hành trong cuộc kiểm toán xác định giá trị DN trước khi cổ phần hóa.
Đồng thời, các đại biểu cũng phân tích và chỉ rõ một số hạn chế, bất cập trong công tác định giá DN cổ phần hóa theo phương pháp tài sản; những vấn đề cần lưu ý đối với cuộc kiểm toán xác định giá trị DN trước khi cổ phần hóa.
Đặc biệt, tại Tọa đàm, các đại biểu đã tập trung đề xuất những giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách để xác định chính xác, đầy đủ giá trị DN, tránh thất thoát tiền và tài sản của Nhà nước.
Quang cảnh buổi Tọa đàm. Ảnh: PHƯƠNG VÂN
Phát biểu tại Tọa đàm, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, kiểm toán kết quả định giá DNNN có ý nghĩa rất lớn, không chỉ dừng lại ở việc xác định tăng giá trị thực tế vốn Nhà nước, kiến nghị xử lý tài chính mà quan trọng hơn là đánh giá thực trạng công tác định giá DN, các tồn tại, bất cập đang diễn ra trong quá trình cổ phần hóa để kịp thời kiến nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét, chỉnh sửa, bổ sung cơ chế chính sách.
Tổng Kiểm toán Nhà nước khẳng định, Tọa đàm giúp cho các kiểm toán viên nâng cao kinh nghiệm, cách thức kiểm toán trong lĩnh vực xác định giá trị DN, rút kinh nghiệm và đúc kết được nhiều kiến thức nâng cao năng lực chuyên môn để từ đó, những thống kê, kết luận được đưa vào báo cáo kiểm toán một cách toàn diện nhất, xác thực nhất, đúng đắn nhất.
Kết thúc Tọa đàm, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã giao nhiệm vụ cho KTNN Chuyên ngành VI tổng hợp các ý kiến, xây dựng thành một bộ tài liệu để các đơn vị tham khảo và sử dụng trong quá trình kiểm toán. Theo đề nghị của Tổng Kiểm toán Nhà nước, tài liệu này sẽ bao gồm 3 nội dung chính: Những vấn đề, phát hiện kiểm toán trong các báo cáo kiểm toán đã phát hành; Những vướng mắc trong quá trình kiểm toán và định hướng giải quyết; Kinh nghiệm kiểm toán vấn đề xác định giá trị DN trước khi cổ phần hóa.
Năm 2016, qua kiểm toán xác định giá trị DNNN trước khi cổ phần hóa đối với 7 DN, KTNN xác định vốn nhà nước tăng thêm 20.818 tỷ. Năm 2017, KTNN tiếp tục kiểm toán xác định giá trị DNNN trước khi cổ phần hóa đối với 6 DN và đã kiến nghị tăng thêm vốn nhà nước khoảng 8.688 tỷ đồng, xác định các khoản phải nộp NSNN tăng thêm khoảng 505 tỷ đồng. Cùng với đó, KTNN đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong việc xác định giá trị DN và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị DN cổ phần hóa, nhất là việc lựa chọn phương pháp định giá, xác định giá trị thương hiệu, lợi thế kinh doanh, giá trị các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất… |
QUỲNH ANH