Đảm bảo thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, công khai, minh bạch

(BKTO) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, chiều 19/6, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

190620230356-dsc_6981.jpg
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trình bày Tờ trình Dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Ảnh: VPQH

Chỉ nên khuyến khích giao dịch bất động sản qua sàn

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình Dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, việc xây dựng Dự án Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) (sửa đổi) nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với lĩnh vực BĐS, hoạt động kinh doanh BĐS, đảm bảo thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch.

Đồng thời, sửa đổi, hoàn thiện các quy định của Luật Kinh doanh BĐS năm 2014 để phù hợp tình hình thực tế hiện nay, tháo gỡ các tồn tại, hạn chế, bảo đảm hợp hiến, sự thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật Kinh doanh BĐS với các luật khác có liên quan.

Dự thảo Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) gồm 10 Chương với 92 Điều. Trong đó, về kinh doanh dịch vụ BĐS, so với Luật Kinh doanh BĐS năm 2014, Dự thảo Luật có một số điểm sửa đổi, bổ sung như bổ sung quy định nguyên tắc trong kinh doanh dịch vụ BĐS; nguyên tắc tổ chức và hoạt động của sàn giao dịch BĐS; các giao dịch BĐS thông qua sàn giao dịch BĐS; điều kiện đối với người quản lý, điều hành sàn giao dịch BĐS; điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ tư vấn BĐS; điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quản lý BĐS; quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan đến dịch vụ tư vấn BĐS; phạm vi, nguyên tắc kinh doanh dịch vụ tư vấn, quản lý BĐS.

Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS; thù lao của cá nhân môi giới BĐS; quyền của tổ chức, cá nhân môi giới BĐS; nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân môi giới BĐS; phạm vi, nguyên tắc kinh doanh dịch vụ tư vấn, quản lý BĐS; nghĩa vụ của sàn giao dịch BĐS; nội dung hoạt động của sàn giao dịch BĐS; đăng ký hoạt động của sàn giao dịch BĐS.

Trình bày Báo cáo thẩm tra Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế nhất trí sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Kinh doanh bất động sản.

Cơ quan thẩm tra lưu ý, cần tiếp tục rà soát Dự thảo Luật, đối chiếu với các Dự thảo Luật có liên quan, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, bám sát định hướng chính sách chung, không tạo ra rào cản về chính sách đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với quy định về sàn giao dịch BĐS, Ủy ban Kinh tế cho rằng cần phải tôn trọng quyền lựa chọn tham gia giao dịch qua sàn giao dịch BĐS của doanh nghiệp và người dân, đề nghị không quy định bắt buộc các giao dịch BĐS phải thông qua sàn giao dịch BĐS như tại khoản 1 Điều 57 Dự thảo Luật, mà chỉ quy định khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch kinh doanh BĐS thực hiện thông qua sàn giao dịch BĐS.

Đồng thời, quy định chặt chẽ về điều kiện, quyền và nghĩa vụ của sàn giao dịch BĐS, tạo cơ sở pháp lý cho sàn giao dịch BĐS phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, uy tín, thu hút được các bên tham gia giao dịch.

Điều tiết thị trường bằng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

Liên quan đến quản lý nhà nước về kinh doanh BĐS, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nêu rõ, so với Luật hiện hành, các quy định về điều tiết thị trường BĐS là nội dung mới được quy định trong Dự thảo Luật nhằm điều tiết, bình ổn thị trường BĐS trong các trường hợp khi thị trường tăng trưởng “nóng”, “đóng băng”.

thanh-kt.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Ảnh: VPQH

Về quy định này, qua thẩm tra, Ủy ban Kinh tế nhận thấy, Dự thảo Luật đã quy định rõ trách nhiệm của cơ quan đầu mối chủ trì xây dựng Báo cáo điều tiết thị trường bất động sản trình Chính phủ.

Tuy nhiên, các quy định về điều tiết thị trường bất động sản quy định tại Dự thảo Luật còn chung chung, chưa rõ tính quy phạm, không có nội hàm chính sách cụ thể, chỉ là những nguyên tắc trong công tác quản lý nhà nước nói chung. Việc triển khai từng biện pháp cụ thể về đầu tư, xây dựng, thuế, tín dụng, đất đai, tài chính, giá, ngân sách phải thực hiện theo pháp luật chuyên ngành và trên thực tế Chính phủ vẫn đang thực hiện các giải pháp để điều tiết thị trường bất động sản.

Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế cho rằng việc điều tiết thị trường bất động sản theo quy định tại Dự thảo Luật và Dự thảo Nghị định chỉ là những giải pháp can thiệp mang tính chất tình thế; cần nghiên cứu quy định theo hướng công cụ hiệu quả nhất để bảo đảm phát triển và quản lý thị trường bất động sản là thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để cơ cấu lại thị trường bất động sản phù hợp với mục tiêu phát triển trong từng thời kỳ, cơ cấu lại nguồn cung bảo đảm đáp ứng đúng nhu cầu thực tế.

Về thẩm quyền thực hiện điều tiết thị trường bất động sản, cơ quan thẩm tra đề nghị bổ sung quy định về trường hợp các biện pháp điều tiết vượt thẩm quyền của Chính phủ thì phải trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo các luật chuyên ngành.

Ngay sau khi nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra, các đại biểu Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại Tổ về Dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Cùng chuyên mục
Đảm bảo thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, công khai, minh bạch