Đảm bảo tiến độ, chất lượng khi cho ý kiến về dự toán ngân sách và phương án phân bổ ngân sách Trung ương

Bên cạnh nhiệm vụ kiểm toán theo kế hoạch kiểm toán được duyệt, Kiểm toán nhà nước (KTNN) cũng tập trung vào công tác chuẩn bị cho ý kiến về dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) và phương án phân bổ ngân sách Trung ương (NSTW). Theo các đơn vị, đây cũng là một trong những nhiệm vụ chính trị rất quan trọng của Ngành, đòi hỏi từng đơn vị phải tập trung, nêu cao trách nhiệm và nỗ lực thực hiện tốt.

dsc_0713-copy.jpg
Tổng Kiểm toán nhà nước đã chỉ đạo các đơn vị tập trung vào công tác chuẩn bị cho ý kiến về dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương. Ảnh tư liệu

Bám sát các nội dung trọng tâm khi cho ý kiến

Lãnh đạo Vụ Tổng hợp cho biết, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn mới đây chính thức có chỉ đạo đến các đơn vị kiểm toán và đơn vị có liên quan tập trung vào công tác chuẩn bị cho ý kiến về dự toán NSNN và phương án phân bổ NSTW của KTNN với những lưu ý quan trọng để thực hiện tốt công tác này.

Theo đó, các đơn vị trực thuộc KTNN được giao nhiệm vụ tham gia thảo luận, tham gia thẩm tra dự toán, xây dựng Báo cáo ý kiến của KTNN về dự toán thu – chi ngân sách của các Bộ, cơ quan Trung ương, dự toán ngân sách địa phương và Dự toán NSNN hàng năm. Các đơn vị phải phân công, cử công chức tham gia các hội nghị thảo luận của Bộ Tài chính với các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương về dự toán ngân sách; các phiên họp của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong việc xem xét, thẩm tra báo cáo về dự toán NSNN.

“Việc tham gia thảo luận, chuẩn bị ý kiến được thực hiện theo Hướng dẫn về chuẩn bị ý kiến của KTNN về Dự toán NSNN và Hướng dẫn tham gia ý kiến dự toán thu - chi ngân sách hàng năm của các Bộ, cơ quan Trung ương, Hướng dẫn quy trình tham gia ý kiến dự toán ngân sách địa phương do Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành” - Vụ Tổng hợp lưu ý.

Cũng theo Vụ Tổng hợp, khi tiến hành thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu, các đơn vị cần bám sát các nội dung trọng tâm và lưu ý được Tổng Kiểm toán nhà nước chỉ đạo và trong các văn bản có liên quan đã được KTNN ban hành.

Yêu cầu khung về nội dung Báo cáo ý kiến của KTNN về Dự toán NSNN cần đảm bảo một số nội dung chủ yếu: về tình hình tiếp nhận báo cáo dự toán NSNN của các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương; tình hình tham gia thảo luận dự toán NSNN tại Bộ Tài chính. Cùng với đó là ý kiến về việc tuân thủ các quy định, trình tự, thời gian, thủ tục trong việc lập báo cáo dự toán NSNN.

 - Vụ Tổng hợp - 

Nêu cụ thể về lưu ý trong từng nội dung, lãnh đạo Phòng Kế hoạch - Tổng hợp (Vụ Tổng hợp) cho biết, khi cho ý kiến về thu NSNN, các đơn vị cần nêu ý kiến về số thực hiện tại thời điểm báo cáo, ước thực hiện cả năm so với dự toán được giao và so với số thực hiện năm trước liền kề. Trong đó, cần có ý kiến cụ thể đối với một số nguồn thu quan trọng, chiếm tỷ trọng lớn như thu tiền sử dụng đất, thu hồi vốn NSNN đầu tư tại các tổ chức kinh tế, thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh, thu từ dầu thô, thu viện trợ; tính bền vững của các nguồn thu; vai trò chủ đạo của NSTW…

“Tương tự, các đơn vị cần cho ý kiến cụ thể đối với một số nguồn thu thực hiện đến thời điểm báo cáo hoặc ước thực hiện cả năm đạt thấp/cao hơn nhiều so với dự toán được giao, so với thực hiện những năm trước cần phân tích rõ nguyên nhân” – lãnh đạo Phòng Kế hoạch - Tổng hợp cho biết.

Đối với chi đầu tư phát triển, các đơn vị cần tập trung cho ý kiến đánh giá về tình hình giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn, tình hình giải ngân vốn, số thực hiện tại thời điểm báo cáo, ước thực hiện cả năm so với kế hoạch được giao và so với số thực hiện năm trước liền kề. Trong trường hợp, việc giao kế hoạch, giải ngân vốn dự kiến không đạt kế hoạch cần phân tích rõ nguyên nhân, đánh giá tác động và có ý kiến cụ thể. Trong đó, chú ý việc giao kế hoạch, giải ngân vốn ngoài nước; vốn của các nhiệm vụ/dự án quan trọng quốc gia; vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia.

Ngoài ra, các đơn vị cũng cần quan tâm cho ý kiến đối với các nội dung đề xuất, kiến nghị của Chính phủ với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó tập trung vào các nội dung Chính phủ đề xuất liên quan đến thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định của pháp luật; một số khoản chi chưa dự toán được và dự kiến nguồn NSNN để thực hiện; một số nội dung chưa có quy định cụ thể…

“Những yêu cầu đặt ra rất nặng nề, song thông qua đó sẽ góp phần khẳng định vai trò, tiếng nói của KTNN” – lãnh đạo Vụ Tổng hợp cho biết và khẳng định Vụ sẽ nêu cao tinh thần chủ động trong việc chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng, hoàn thiện Báo cáo ý kiến của KTNN về Dự toán NSNN do Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội; báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét, quyết định.

Nêu cao trách nhiệm, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ

Khẳng định sẽ thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, lãnh đạo các đơn vị kiểm toán cũng cho biết, việc thực hiện nhiệm vụ kiểm toán theo kế hoạch của đơn vị trong thời gian tới sẽ nặng nề hơn, đòi hỏi quyết tâm và sự nỗ lực cao hơn của từng bộ phận, cá nhân trong đơn vị; cũng như sự phối hợp của các đơn vị trong Ngành.

Được giao trách nhiệm xây dựng Báo cáo ý kiến dự toán NSĐP thuộc phạm vi kiểm toán được giao, lãnh đạo Phòng Tổng hợp (KTNN khu vực V) cho biết, thực hiện nhiệm vụ này, Kiểm toán trưởng đã giao cụ thể trách nhiệm về các phòng, cũng như quán triệt tinh thần thực hiện nhiệm vụ đến rộng rãi toàn đơn vị. “Trong bối cảnh nhiệm vụ kiểm toán với yêu cầu ngày càng cao, song đơn vị sẽ nêu cao quyết tâm hoàn thành báo cáo đúng thời hạn, gửi Vụ Tổng hợp để tổng hợp” – lãnh đạo Phòng Tổng hợp cho biết.

Trong khi đó, theo lãnh đạo KTNN chuyên ngành II, các đơn vị KTNN chuyên ngành được giao xây dựng Báo cáo ý kiến dự toán thu - chi ngân sách của các Bộ, cơ quan Trung ương. Là đơn vị có trách nhiệm xây dựng Báo cáo ý kiến dự toán thu - chi ngân sách của các Bộ, cơ quan Trung ương đối với lĩnh vực đơn vị phụ trách, lãnh đạo KTNN chuyên ngành II cho biết, đơn vị sẽ phân bổ nguồn lực một cách hợp lý, khoa học, đảm bảo hoàn thành báo cáo đúng tiến độ và chất lượng đề ra; cũng như không ảnh hưởng đến nhiệm vụ kiểm toán và các nhiệm vụ khác được lãnh đạo KTNN giao. 

Đặc biệt, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, các đơn vị kiểm toán cũng cho biết sẽ quán triệt đến các Đoàn kiểm toán về nội dung công tác chuẩn bị cho ý kiến về dự toán NSNN và phương án phân bổ NSTW của KTNN, từ đó các Đoàn kiểm toán, kiểm toán viên cùng quan tâm cho ý kiến, cũng như có đánh giá qua thực hiện kiểm toán đối với các nội dung có liên quan, gắn với cuộc kiểm toán.

Còn theo lãnh đạo Vụ Tổng hợp, nhiệm vụ cho ý kiến được Tổng Kiểm toán nhà nước giao đến từng đơn vị kiểm toán, gắn với chức năng, đặc thù công việc để xây dựng báo cáo phù hợp và gửi về Vụ Tổng hợp để tổng hợp. Do đó, Vụ Tổng hợp cũng đề nghị các đơn vị kiểm toán nêu cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường công tác phối hợp, cũng như có trao đổi thường xuyên để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ vướng mắc liên quan, từ đó góp phần vào thực hiện nhiệm vụ chung của KTNN.

Cùng chuyên mục
Đảm bảo tiến độ, chất lượng khi cho ý kiến về dự toán ngân sách và phương án phân bổ ngân sách Trung ương