Đổi mới hoạt động, đáp ứng yêu cầu Các loại hình kiểm toán mới

Theo định hướng Kế hoạch kiểm toán trung hạn giai đoạn 2023-2025, Kiểm toán nhà nước (KTNN) sẽ không tăng số cuộc kiểm toán so với năm 2023; đồng thời có sự điều chỉnh theo hướng tập trung các nội dung kiểm toán quan trọng và tăng cường các lĩnh vực, loại hình kiểm toán mới. Sự điều chỉnh này buộc các đơn vị kiểm toán cần đặc biệt quan tâm đến công tác chuẩn bị nguồn lực và đổi mới hoạt động kiểm toán để đáp ứng yêu cầu đặt ra.

73bdd1b9de5604085d47.jpg
Trong các cuộc họp, lãnh đạo Ngành luôn đề nghị các đơn vị cần chủ động chuẩn bị nguồn lực, đáp ứng yêu cầu kiểm toán trong tình hình mới. Ảnh tư liệu

Thách thức khi kiểm toán lĩnh vực, loại hình mới

Theo Vụ Tổng hợp, việc đẩy mạnh thực hiện các lĩnh vực, loại hình kiểm toán mới là xu hướng nhằm từng bước cụ thể hóa Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, góp phần xây dựng KTNN xứng đáng là cơ quan kiểm toán tài chính công, tài sản công có trách nhiệm và uy tín, đáp ứng được yêu cầu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh triển khai thực hiện các lĩnh vực, loại hình kiểm toán mới cũng đặt ra những thách thức, đòi hỏi các đơn vị kiểm toán, kiểm toán viên (KTV) cần phải nhận diện rõ để từ đó có giải pháp tháo gỡ.

Theo lãnh đạo KTNN chuyên ngành II, thực tiễn và xu hướng phát triển đất nước đang đặt ra những yêu cầu ngày càng cao đối với KTNN. Theo đó, bên cạnh việc phát hiện các sai sót số liệu tài chính, KTNN cần có nhiều phát hiện, đánh giá làm nổi bật được sự bất cập của cơ chế, chính sách, để thông qua đó đưa ra những kiến nghị mang tầm quản lý vĩ mô. Với yêu cầu đó, lĩnh vực kiểm toán chuyên đề đang là hướng đi đúng đắn được KTNN chú trọng phát triển. “Với lợi thế phạm vi kiểm toán rộng, nội dung kiểm toán chuyên sâu, cuộc kiểm toán sẽ đáp ứng được yêu cầu cao, toàn diện về một vấn đề được quan tâm, nhất là vấn đề cơ chế, chính sách” - lãnh đạo đơn vị cho biết; đồng thời chỉ ra không ít thách thức khi triển khai kiểm toán như: Quy mô đoàn kiểm toán lớn dẫn đến khó khăn trong phối hợp tổ chức thực hiện, nguy cơ rủi ro trong hoạt động kiểm toán cao…  

Kế hoạch kiểm toán trung hạn giai đoạn 2023-2025 xác định mục tiêu kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động... chiếm khoảng 27% tổng số cuộc kiểm toán của năm 2024 và 30% tổng số cuộc kiểm toán của năm 2025. Các đơn vị có phòng kiểm toán hoạt động, phòng kiểm toán công nghệ thông tin…, phấn đấu hằng năm mỗi đơn vị triển khai 2 cuộc kiểm toán loại hình, lĩnh vực này. 

Đề cập đến kiểm toán hoạt động, lãnh đạo KTNN chuyên ngành V cho biết, đây là loại hình kiểm toán còn mới mẻ tại Việt Nam, chú trọng đánh giá việc thực hiện chính sách, chương trình và cung cấp các dịch vụ công, thay vì các loại hình kiểm toán hiện nay vốn tập trung vào tính tuân thủ các quy định về các khoản chi tiêu. Hoạt động này cũng hỗ trợ Quốc hội tăng cường năng lực giám sát đối với quá trình và kết quả quản lý điều hành của Chính phủ; đề xuất kiến nghị và cung cấp thông tin cho Quốc hội làm căn cứ điều chỉnh cơ chế, chính sách cho phù hợp với thực tiễn... Yêu cầu này đòi hỏi KTV ngoài nắm chắc các quy định pháp luật có liên quan thì còn phải am hiểu sâu về lĩnh vực được kiểm toán, có kinh nghiệm cũng như kiến thức xã hội sâu rộng để vận dụng xây dựng tiêu chí kiểm toán phù hợp nhằm làm rõ “tính hiệu quả” - vốn rất khó đánh giá.

Sẵn sàng nguồn lực cho hoạt động kiểm toán

Đa dạng hóa các loại hình kiểm toán, đẩy mạnh các lĩnh vực, loại hình kiểm toán mới... cũng chính là định hướng được đặt ra trong Kế hoạch kiểm toán trung hạn giai đoạn 2023-2025. Trên cơ sở nhận diện rõ những thách thức đặt ra, các ý kiến đều cho rằng, việc chuẩn bị từ sớm, gắn với nêu cao tính chủ động, sáng tạo của từng KTV là những điều kiện cần thiết để hướng đến thực hiện có chất lượng nhiệm vụ kiểm toán được giao.

Theo lãnh đạo Vụ Tổng hợp, để thực hiện được mục tiêu đề ra, Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu lãnh đạo các đơn vị kiểm toán tăng cường quán triệt, phổ biến sâu rộng đến từng KTV để tạo sự thống nhất trong nhận thức về việc đẩy mạnh triển khai và nâng cao chất lượng kiểm toán đối với các loại hình, lĩnh vực mới; xây dựng đội ngũ KTV đủ năng lực, trình độ để đảm đương được nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao đối với hoạt động kiểm toán.

Lưu ý về loại hình kiểm toán hoạt động, lãnh đạo KTNN khu vực V cho biết, nhiều KTV vẫn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và xét đoán chuyên môn nên còn lúng túng trước những vấn đề phát sinh. “Điều này khiến cho đơn vị được kiểm toán khó nhận diện tiêu chí và từ đó cung cấp bằng chứng dàn trải, tốn thời gian cho cả hai bên” - lãnh đạo đơn vị cho biết, đồng thời nhấn mạnh, để khắc phục những khó khăn này, cũng như chuẩn bị cho nhiệm vụ kiểm toán, theo kế hoạch kiểm toán trung hạn, đơn vị sẽ tăng cường trao đổi kinh nghiệm kiểm toán trong toàn đơn vị; cùng với đó nghiên cứu, đề xuất để hoàn thiện quy định, hướng dẫn có liên quan của Ngành.

Về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Vũ Ngọc Tuấn cho biết, để nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán, KTNN đang nỗ lực hoàn thiện các quy định, hướng dẫn nghiệp vụ liên quan. Mới đây, KTNN đã ban hành Quy trình kiểm toán hoạt động với mục tiêu bảo đảm tính thống nhất trong việc tổ chức, quản lý hoạt động kiểm toán và kiểm soát chất lượng kiểm toán. Quy trình đề cập toàn bộ các bước trong quá trình kiểm toán và các lưu ý cần thiết, giúp KTV có căn cứ thực hiện một cách khoa học. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, để đạt được hiệu quả kiểm toán đòi hỏi KTV phải phát huy tính chủ động đổi mới, sáng tạo trên cơ sở bám sát quy định.

Khẳng định các văn bản, quy định nghiệp vụ về các lĩnh vực, loại hình kiểm toán mới là rất cần thiết, song yếu tố quyết định vẫn là con người, lãnh đạo KTNN khu vực IV cho biết, đối với lĩnh vực kiểm toán mới, khó như: Kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động đòi hỏi chất lượng nguồn nhân lực kiểm toán phải được quan tâm hơn bao giờ hết. Theo đó, KTNN cần tiếp tục tạo điều kiện cho KTV nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ thông qua việc đào tạo, bồi dưỡng một cách liên tục cả trong và ngoài nước. Mặt khác, bản thân mỗi KTV cần xác định việc đào tạo, nâng cao trình độ là nhu cầu tự thân để đáp ứng yêu cầu của công việc…

Từ kinh nghiệm kiểm toán thực tiễn, theo lãnh đạo KTNN chuyên ngành V, đối với các lĩnh vực, loại hình kiểm toán mới và khó đòi hỏi cần chuẩn bị chu đáo, bắt đầu từ chủ đề kiểm toán, trên cơ sở bám sát định hướng hoạt động giám sát của Quốc hội, thực tiễn quản lý, điều hành của Chính phủ. Do đó, khi đã có định hướng kiểm toán trung hạn, các đơn vị kiểm toán cần quan tâm và chuẩn bị nguồn lực cho hoạt động kiểm toán ngay từ sớm, đảm bảo sẵn sàng mọi điều kiện và phương án dự phòng trước khi chính thức triển khai kiểm toán./.

Cùng chuyên mục
Đổi mới hoạt động, đáp ứng yêu cầu Các loại hình kiểm toán mới