Đảm bảo tính độc lập về tổ chức hoạt động của công đoàn

(BKTO) - Đại biểu Quốc hội đề nghị, Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) cần có những quy định để đảm bảo được vai trò hoạt động độc lập của tổ chức công, không phụ thuộc vào người sử dụng lao động.

202406081159231145_dsc_4043.jpg
Quốc hội thảo luận tại Tổ về Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Ảnh: VPQH

Đổi mới mạnh mẽ hoạt động công đoàn

Chiều 8/6, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ về Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội thống nhất việc xây dựng Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) là cần thiết nhằm giải quyết các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn hơn 10 năm thi hành Luật Công đoàn; tiếp cận và xử lý kịp thời các vấn đề mới phát sinh mà Luật chưa điều chỉnh.

Đồng thời, thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 và các chủ trương, nghị quyết của Đảng về tổ chức công đoàn và giai cấp công nhân, tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới và nâng cao vị thế, khẳng định vai trò, hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn trong bối cảnh có nhiều tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

202406081159231614_dsc_4533.jpg
Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Hoàn phát biểu thảo luận. Ảnh: PHẠM THẮNG

Một số ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, quán triệt, thể chế hóa các quan điểm của Đảng bằng các quy định cụ thể của dự thảo Luật. Trong quá trình triển khai thực hiện thời gian tới, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cần hết sức quan tâm đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong việc tập trung phát triển về số lượng gắn với nâng cao chất lượng hoạt động; phát huy vai trò công đoàn cơ sở, thu hút và kết nạp được đông đảo hơn nữa người lao động gia nhập Công đoàn Việt Nam để xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân và người lao động cả nước; góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn (Đoàn Hải Dương) cho rằng, để đảm bảo được vai trò hoạt động của tổ chức công đoàn, cần đảm bảo nguyên tắc độc lập về tổ chức cán bộ và kinh phí.

Trong thực tiễn, cán bộ công đoàn chuyên trách có số lượng rất hạn chế, chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm, do người sử dụng lao động bố trí, kinh phí hoạt động cũng ít ỏi nên hiệu quả hoạt động của công đoàn không đạt được như mong muốn.

Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Hoàn

Đại biểu nêu rõ, về điều kiện đảm bảo tổ chức hoạt động của công đoàn, Dự thảo Luật có quy định, cán bộ công đoàn không chuyên trách được đảm bảo thời gian thực hiện nhiệm vụ của công đoàn, tuy nhiên thời lượng cụ thể dành cho công tác công đoàn còn thiếu thực tế, không khả thi. Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu để có những quy định phù hợp, đảm bảo tổ chức công đoàn có vị thế, hoạt động độc lập, không phụ thuộc vào người sử dụng lao động.

Đề xuất giao biên chế 5.899 cán bộ công đoàn chuyên trách

Tại phiên thảo luận, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, hiện nay, tổ chức Công đoàn là một tổ chức chính trị - xã hội nên vấn đề biên chế công đoàn được thực hiện theo các quy định hiện hành của Đảng về công tác biên chế.

rsz_chu-tich-khang.jpg
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang phát biểu tại Phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Trước năm 2004, cán bộ công đoàn được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xác định và phân bổ cho các địa phương. Từ năm 2004 đến nay, theo các quy định của Đảng, biên chế công đoàn ở các địa phương do Ban Thường vụ cấp ủy địa phương quản lý. Năm 2005 là năm cuối cùng Ban Tổ chức Trung ương thông báo chỉ tiêu biên chế.

“Do việc bàn giao giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Ban Thường vụ các tỉnh, thành phố lúc đó có nhiều bất cập nên hiện nay, biên chế của tổ chức công đoàn ở các địa phương xuất hiện rất nhiều bất cập” - ông Nguyễn Đình Khang cho biết.

Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, có 12 tỉnh, thành phố công đoàn không được cấp ủy các tỉnh giao biên chế; 40 tỉnh, thành phố lại giao biên chế cán bộ công đoàn không tương xứng, không đủ khối lượng để làm việc. Sau khi báo cáo với Ban Tổ chức Trung ương và Ban Chỉ đạo biên chế Trung ương, Bộ Chính trị đã ra Kết luận 40 giao Đảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp Ban Tổ chức Trung ương báo cáo, đề xuất.

Sau khi tính toán, rà soát lại, đề xuất giao biên chế theo phương án của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là 5.899 cán bộ công đoàn chuyên trách trong toàn hệ thống. Hiện số người được cấp ủy các địa phương tạm giao là khoảng 5.200 người.

“Mức đề xuất 5.899 cán bộ công đoàn chuyên trách trên không bằng 1/3 biên chế của các tổ chức chính trị - xã hội khác” - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường thì cho rằng, việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang đề nghị cho tự quyết định số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách và người làm việc theo hợp đồng lao động trong các cơ quan chuyên trách của công đoàn, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ là đề xuất xác đáng, sẽ tránh được câu chuyện “cào bằng”.

“Các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên có số lượng người lao động vô cùng lớn thì số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách không thể giống như của các tỉnh Điện Biên, Lai Châu. Do đó, cần có con số tổng để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có cơ sở xem xét cụ thể, phân bổ sẽ hợp lý hơn" - ông Bùi Văn Cường nêu quan điểm.

Cùng chuyên mục
Đảm bảo tính độc lập về tổ chức hoạt động của công đoàn