Chủ động các giải pháp phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

(BKTO) - Xác định chỉ tiêu thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2024 còn rất lớn, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố bám sát thực tiễn để triển khai tốt các kịch bản đã được xây dựng; chủ động, linh hoạt điều chỉnh các phương án, biện pháp để phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu đề ra.

tuyen-thong-bhxh-linh-hoat.jpg
Nhờ áp dụng linh hoạt, đồng bộ nhiều giải pháp, công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT những tháng đầu năm có những tín hiệu tích cực. Ảnh: BHXH Việt Nam

Thúc đẩy đồng bộ các giải pháp

Tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành BHXH đánh giá kết quả công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT trong 5 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ các tháng tiếp theo, ông Dương Văn Hào - Trưởng Ban Quản lý Thu - Sổ, Thẻ (BHXH Việt Nam), cho biết, qua 5 tháng đầu năm 2024, công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT đã có những tín hiệu tích cực. Hiện nhiều giải pháp đã và đang được BHXH các địa phương triển khai đồng bộ, cơ bản đáp ứng các yêu cầu đặt ra.

Nhờ đó, một số địa phương đang có sự phát triển tốt về người tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, tiêu biểu như Bắc Giang. Về BHYT, có 3 địa phương có sự gia tăng đáng kể là Sóc Trăng, Bắc Giang, Hà Tĩnh.

Tính đến hết tháng 5/2024, số người tham gia BHXH trên cả nước đạt 17,41 triệu người, tăng 1,67% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, BHXH bắt buộc là 15,95 triệu người, tăng 1,49% so với cùng kỳ năm 2023; BHXH tự nguyện là 1,45 triệu người, tăng 3,65% so với cùng kỳ năm 2023. Số người tham gia BHYT đạt 90,614 triệu người, tăng 0,02% so với cùng kỳ năm 2023. Số tiền thu của toàn Ngành tăng 16.376 tỷ đồng (tương đương 9,14%) so với cùng kỳ năm 2023.

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Lê Viết Thức - Phó Giám đốc BHXH tỉnh Nghệ An cho biết, các chỉ số của tỉnh đều đang được duy trì tăng trưởng tích cực. Các mặt công tác cũng đang được triển khai với tinh thần khẩn trương, quyết liệt. Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT của tỉnh đã chỉ đạo tới từng cấp xã, yêu cầu cam kết thực hiện các chỉ tiêu BHXH, BHYT; coi việc đạt các chỉ tiêu này là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương. Ngoài ra, cơ quan BHXH cũng đã chủ trì ký kết quy chế phối hợp 3 bên, qua đó bảo đảm sự liên hệ chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, tổ chức dịch vụ thu.

“Về công tác thu, Nghệ An đang thúc đẩy triệt để, đồng bộ các giải pháp; bao gồm: tổ chức hội nghị làm việc với doanh nghiệp, thanh tra, kiểm tra, chuyển hồ sơ đơn vị chậm, trốn đóng sang cơ quan công an...” - ông Thức chia sẻ.

Còn theo ông Lò Quân Hiệp - Giám đốc BHXH TP. Hồ Chí Minh, tình hình kinh tế xã hội trên địa bàn Thành phố đang có chuyển biến tích cực; nhu cầu tuyển dụng lao động mới là khoảng 77.000 lao động. Tuy nhiên, còn không ít khó khăn nên số doanh nghiệp phải cắt giảm lao động cũng không ít, trong khi việc tuyển dụng lao động mới của các đơn vị cũng gặp hạn chế.

Trong bối cảnh đó, BHXH TP. Hồ Chí Minh đã tham mưu UBND Thành phố chỉ đạo tăng cường công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT, tăng thu, giảm số chậm đóng. “Rút kinh nghiệm năm 2023, kịch bản thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT năm 2024 đã được xây dựng hiệu quả hơn; bảo đảm phù hợp, sát với thực tế ở từng địa bàn” - ông Hiệp cho biết.

Theo đó, hiện Thành phố đang tập trung khai thác nguồn dữ liệu thuế, qua đó, rà soát và thực hiện theo quy trình thu, trên cơ sở phân nhóm từng loại đơn vị để có biện pháp hiệu quả, đảm bảo tăng số tham gia trong các tháng tới.

Tích cực xây dựng nguồn thông tin về tiềm năng tham gia BHXH, BHYT

Nhấn mạnh các chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2024 còn rất lớn, ông Dương Văn Hào đề nghị BHXH các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp. Trong đó, cần tích cực tạo lập nguồn thông tin tiềm năng tham gia BHXH, BHYT, trên cơ sở nguồn dữ liệu hiện có của cơ quan BHXH và dữ liệu của các cơ quan ở địa phương.

“Xây dựng nguồn thông tin về tiềm năng tham gia tương ứng với từng thôn/tổ, dân phố và phải thường xuyên cập nhật, làm mới dữ liệu. Bên cạnh đó là bám sát các doanh nghiệp lớn để thường xuyên nắm bắt tình hình biến động tham gia cũng như dự báo nhu cầu sử dụng lao động và tham gia BHXH” - ông Hào đề xuất.

Cũng theo ông Hào, cần nêu cao vai trò của đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp ủy, chính quyền ở địa phương, đặc biệt là cấp xã, thôn bản. Bên cạnh đó, cần tăng cường phối hợp 3 bên, nhất là sự liên hệ giữa Ban chỉ đạo và các tổ chức dịch vụ thu, tăng số lượng nhân viên, cộng tác viên thu, nhất là nhóm tổ/thôn trưởng và cán bộ các hội, đoàn thể. Quy trình tổ chức hội nghị làm việc với các doanh nghiệp cũng cần thực hiện chặt chẽ hơn. Nội dung trao đổi, tuyên truyền tại hội nghị phải có trọng tâm, trọng điểm, có sự tham gia tích cực của các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT ở địa phương, nhất là cơ quan thuế, công an...

Khi tổ chức hội nghị truyền thông khách hàng, cần phân định rõ trách nhiệm của các bên tham gia tổ chức. Các tổ chức dịch vụ thu phải xây dựng kế hoạch cụ thể hàng tháng, hàng quý; cơ quan BHXH rà soát, điều phối việc thực hiện ở từng địa bàn để đảm bảo hợp lý. Nội dung, hình thức chuyển tải thông tin tại hội nghị cần đảm bảo sinh động, hấp dẫn, dễ hiểu, dễ nhớ với người dân; tránh việc truyền tải xơ cứng, dập khuôn máy móc; quá trình tương tác, trả lời giải đáp băn khoăn của người dân cũng cần tích cực hơn.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu nhấn mạnh, việc xây dựng kịch bản thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT rất quan trọng; nhưng quan trọng hơn là cụ thể hóa kịch bản đó trong thực tiễn. Theo ông Liệu, cần đẩy mạnh hơn nữa phối hợp giữa 3 bên: Cơ quan BHXH, cấp ủy, chính quyền địa phương và tổ chức dịch vụ thu. Cùng với đó là phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo với phát triển BHXH, BHYT ở các đơn vị sử dụng lao động, từ việc khai thác, rà soát dữ liệu thuế đến tổ chức các hội nghị làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp.

Kết luận Hội nghị, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố tiếp tục bám sát các chỉ đạo của BHXH Việt Nam để thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra; đồng thời, bám sát thực tiễn để triển khai tốt các kịch bản đã được xây dựng; chủ động, linh hoạt điều chỉnh các phương án, biện pháp để phù hợp với yêu cầu thực tế.

Ông Mạnh cũng yêu cầu Ban Quản lý Thu - Sổ, thẻ, Trung tâm Công nghệ thông tin tiếp tục rà soát lại các quy trình, hoàn thiện các phần mềm nghiệp vụ; tạo thuận lợi cho quá trình triển khai các giải pháp phục vụ cho quy trình thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT./.

Cùng chuyên mục
Chủ động các giải pháp phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế