Chương trình LEADER thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Ảnh: accioncontraelhambre |
Chương trình LEADER – Chính sách với cách tiếp cận từ dưới lên của EU về phát triển nông thôn được giới thiệu vào năm 1991 – đã tạo điều kiện thuận lợi giúp nhiều địa phương tham gia. EU đã sử dụng LEADER đối với các dự án ở khu vực nông thôn, thành thị và ven biển, với kế hoạch tài trợ lên đến 9,2 tỷ Euro trong giai đoạn 2014-2020. Mục đích của cách tiếp cận này là tận dụng kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm của cộng đồng địa phương để xác định nhu cầu phát triển của họ. Các nhóm xã hội địa phương đóng vai trò quan trọng trong quá trình này, đặc biệt đối với việc thiết kế chiến lược phát triển và chịu trách nhiệm khởi xướng cũng như phát triển các dự án để đáp ứng nhu cầu thực tế của địa phương.
Cuộc kiểm toán này cũng tiếp nối các cuộc kiểm toán trước đây của ECA để đánh giá xem liệu sau hơn một thập kỷ, Uỷ ban châu Âu có giải quyết được những điểm yếu đã được xác định hay không. Thông qua báo cáo, ECA mong muốn cung cấp thông tin chi tiết về các khuyến nghị kịp thời cho quá trình đánh giá liên tục của Uỷ ban về cách tiếp cận LEADER. Cuộc kiểm toán đã kiểm tra 10 nước thành viên (Thuỵ Điển, Estonia, Séc, Slovakia, Áo, Romania, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Ireland, Đức).
Báo cáo đặc biệt do ECA công bố chỉ ra rằng, EU chưa cân nhắc giữa chi phí và rủi ro liên quan trong cách tiếp cận LEADER để tạo ra nhiều lợi ích nhất. ECA cho rằng, cách tiếp cận LEADER tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia và chủ động của địa phương, nhưng kéo theo rủi ro và chi phí gia tăng, quá trình phê duyệt còn chậm chạp; lợi ích bổ sung của LEADER và sự phát triển địa phương dẫn dắt bởi cộng đồng vẫn chưa được chứng minh rõ ràng; cách tiếp cận đa nguồn vốn làm tăng tính phức tạp trong việc cấp vốn cho các dự án phát triển địa phương…
ECA kết luận, nhìn chung có rất ít bằng chứng cho thấy lợi ích của cách tiếp cận LEADER khi cân nhắc giữa chi phí và rủi ro. Các nhóm xã hội địa phương đã thành công trong việc thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng khi xây dựng các chiến lược phát triển của họ nhằm góp phần cải thiện tình hình từ hơn một thập kỷ trước. Hầu hết các quốc gia thành viên thuộc phạm vi kiểm toán đều áp dụng các thủ tục thích hợp để lựa chọn và phê duyệt các nhóm xã hội địa phương dựa trên chiến lược này. Quá trình lựa chọn dự án không còn bị chi phối chính thức bởi các cơ quan công quyền (như đã diễn ra năm 2010) và các nhóm xã hội đã thành công trong việc tạo điều kiện cho sự tham gia của cộng đồng địa phương.
Tuy nhiên, ECA nhận thấy quá trình đăng ký, phê duyệt dự án rất phức tạp, phát sinh thêm các yêu cầu hành chính bổ sung so với các chương trình chi tiêu truyền thống. Điều này góp phần dẫn đến tình trạng tại thời điểm kiểm toán, các quốc gia thành viên đã hoàn thành và giải ngân dự án khá thấp (39%). ECA cũng nhận thấy các tiêu chí lựa chọn dự án của LEADER, trong hầu hết các trường hợp là khá chung chung. ECA phát hiện, trong năm 2021, hầu hết các nhóm xã hội có cơ cấu không cân bằng giới tính và ít đại diện là người trẻ. Điều này tạo ra nguy cơ các cơ quan ra quyết định không cân nhắc quan điểm và lợi ích trong quá trình ra quyết định./.
Yến Nhi, Thu Hiền