Hoàn thiện pháp luật và đảm bảo tính độc lập, liêm chính trong hoạt động của Kiểm toán nhà nước

(BKTO) - Hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước (KTNN) những năm qua đã tập trung vào các vấn đề nhạy cảm, tiềm ẩn nguy cơ lãng phí, tham nhũng, từ đó kịp thời phát hiện và kiến nghị với cơ quan, tổ chức liên quan trong việc quản lý và sử dụng ngân sách, đồng thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý những trường hợp có dấu hiệu tham nhũng.



                
   

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung chủ trì Hội thảo “Phòng, chống tham nhũng và vai trò của KTNN”. Ảnh: Ly Lộc

   

Còn nhiều khoảng trống trong việc phát hiện và xử lý tham nhũng

Tại Hội thảo “Phòng, chống tham nhũng và vai trò của KTNN” sáng 24/8, TS. Vũ Thanh Hải - Vụ trưởng Vụ Pháp chế - cho biết: Giai đoạn 2016-2021, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 353.733 tỷ đồng, tăng 3,5 lần so với giai đoạn 2011-2015. Kết quả kiểm toán của KTNN đã được các đơn vị được kiểm toán, các đơn vị có liên quan phối hợp triển khai theo dõi và thực hiện kịp thời. Trong đó, kiến nghị về xử lý tài chính của KTNN đã được các đơn vị thực hiện là 237.578 tỷ đồng, đạt 73,6%.

Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN) thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã chủ động phối hợp tốt với các cơ quan trong khối nội chính, góp phần quan trọng vào việc phát hiện, phòng ngừa và xử lý tham nhũng.
                
   

TS. Vũ Thanh Hải - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, KTNN - trình bày tham luận tại Hội thảo. Ảnh: Ly Lộc

   

Đặc biệt, KTNN đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 786 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai quy định hoặc không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn, kịp thời khắc phục “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách, tránh thất thoát, lãng phí, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, góp phần làm lành mạnh nền tài chính quốc gia.

Có thể thấy, cùng với sự hoàn thiện của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật củng cố cho hoạt động của KTNN, hiệu lực và hiệu quả thực hiện kiến nghị kiểm toán cũng gia tăng đáng kể cả về số lượng và chất lượng kiến nghị được xử lý; từ đó, thể hiện được vai trò của KTNN là một trong các cơ quan tích cực trong việc tham gia PCTN của Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, việc phát hiện các vụ việc có hành vi tham nhũng, lãng phí cấu thành tội phạm để chuyển cơ quan điều tra, cơ quan có thẩm quyền xử lý còn ít. Sự phối hợp giữa KTNN với các cơ quan nhà nước, nhất là các cơ quan tố tụng trong việc xử lý các vụ việc có dấu hiệu tội phạm, tham nhũng được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán trong thời gian qua vẫn chưa được thực hiện thường xuyên.

Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó, các quy định của pháp luật liên quan tới việc phát hiện, phối hợp xử lý tham nhũng còn khó khăn, vướng mắc. Việc phát hiện các vụ việc có hành vi tham nhũng, lãng phí cấu thành tội phạm để chuyển cơ quan điều tra, cơ quan có thẩm quyền xử lý còn ít do đặc thù hoạt động, phương pháp chuyên môn, nghiệp vụ của KTNN.

So với các cơ quan có chức năng về PCTN khác, hoạt động kiểm toán của KTNN có nhiều điểm khác biệt, chủ yếu căn cứ trên mẫu hồ sơ do đơn vị cung cấp và tiến hành “hậu kiểm” nên hạn chế trong phát hiện tham nhũng. Thêm vào đó, một số đơn vị được kiểm toán chưa thực hiện nghiêm các kết luận, kiến nghị của KTNN, thậm chí chây ì trong việc thực hiện kết luận, kiến nghị do chưa có chế tài xử lý đối với hành vi này.
                
   

Quang cảnh Hội thảo:“Phòng, chống tham nhũng và vai trò của KTNN”. Ảnh: Ly Lộc

   

Đảm bảo cơ sở pháp lý cho vị trí, vai trò và tổ chức hoạt động của Kiểm toán nhà nước

Theo TS. Vũ Thanh Hải, trong bối cảnh hệ thống pháp luật của Việt Nam vẫn còn những khoảng trống pháp lý, quy định thiếu đồng bộ, việc hoàn thiện pháp luật KTNN đảm bảo theo đúng định hướng của Đảng, tuân thủ các quy định chung của Nhà nước và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa là hết sức cần thiết. Theo đó, KTNN cần tiếp tục rà soát và hoàn thiện Luật KTNN theo hướng bảo đảm bao quát nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát mọi nguồn lực tài sản công; bổ sung thẩm quyền của kiểm toán viên áp dụng các biện pháp ngăn chặn việc tẩu tán tài sản khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm tham nhũng.

Đồng thời, xây dựng và hoàn thiện các văn bản để cụ thể hóa Luật KTNN, phối hợp với các cơ quan có liên quan hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật KTNN như: Xây dựng Thông tư liên tịch trong việc trao đổi, cung cấp thông tin trong PCTN; Thông tư liên tịch trong việc chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra đối với các vụ việc phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán và phối hợp khi tham gia tố tụng.

Nghiên cứu ban hành cơ sở pháp lý thực hiện kiểm toán trách nhiệm kinh tế trước khi bổ nhiệm và mãn nhiệm kỳ đối với cán bộ lãnh đạo và các nhiệm vụ khác để phù hợp với vai trò và trách nhiệm của KTNN. Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định về chế tài đối với các đơn vị, tổ chức, cá nhân không thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ theo quy định của Luật KTNN, nhất là thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Ban hành quy định việc truy cập, khai thác trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán; hoàn thiện và quy định đầy đủ về kiểm tra, đối chiếu các hoạt động có liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán; xây dựng quy định thực hiện nhiệm vụ trình ý kiến của KTNN để Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án trọng điểm quốc gia, dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách…
                
   

GS,TS. Đoàn Xuân Tiên - Nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước - nhấn mạnhvị trí, vai trò và tổ chức hoạt động của KTNN. Ảnh: Ly Lộc

   

Thống nhất với các kiến nghị trên, GS,TS. Đoàn Xuân Tiên - Nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước - cho rằng, để nâng cao hiệu quả, hiệu lực PCTN, vấn đề quan trọng nhất là cơ sở pháp lý cho vị trí, vai trò và tổ chức hoạt động của KTNN. Tiếp đó, KTNN và các các cơ quan liên quan phải giải quyết được vấn đề chồng chéo, trùng lặp, phân công chưa thật rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ, công việc được giao, cũng như mối quan hệ phối hợp để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong PCTN.

GS,TS. Đoàn Xuân Tiên nhấn mạnh: KTNN phải đảm bảo tính độc lập tương xứng với vị trí, vai trò là một cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập chỉ tuân theo pháp luật. Một mặt, KTNN phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, đảm bảo sự phân định, phân công rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, đồng thời nâng cao trách nhiệm trong việc kiểm soát, phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn lực công. Mặt khác, KTNN phải tăng cường đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ và đổi mới phương thức kiểm toán.

                
   

Ông Trần Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Theo dõi công tác PCTN tiêu cực, Ban Nội chính Trung ương - chia sẻ về công tác phối hợp giữa các cơ quan trong PCTN.Ảnh: Ly Lộc

   

Ý kiến thêm về công tác phối hợp giữa các cơ quan trong PCTN, ông Trần Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Theo dõi công tác PCTN, tiêu cực, Ban Nội chính Trung ương - cho rằng, KTNN và các cơ quan nhà nước, trong đó có Ban Nội chính Trung ương phải nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp để tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật về PCTN, góp phần bịt kín những khoảng trống, kẽ hở, không để lọt tội phạm và không tạo cơ hội tham nhũng.

Bên cạnh đó, KTNN tăng cường phối hợp tham mưu, nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tham nhũng; phối hợp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực, nhất là với các vụ việc có dấu hiệu tội phạm do KTNN chuyển cho cơ quan điều tra.

Một yếu tố quan trọng nữa là muốn công tác PCTN hiệu quả, KTNN phải là cơ quan trong sạch, vững mạnh, đội ngũ cán bộ, công chức liêm chính, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực trong thi hành nhiệm vụ - ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.
         
Giai đoạn 2016-2021, KTNN đã chuyển 20 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định; 2 vụ việc đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý; cung cấp 498 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.

THÙY LÊ – NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
Hoàn thiện pháp luật và đảm bảo tính độc lập, liêm chính trong hoạt động của Kiểm toán nhà nước