Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán

Chiều 20/12, tại Hà Nội, Hội đồng khoa học Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã tổ chức nghiệm thu Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam hiện nay”.

1(1).jpg
ThS. Nguyễn Văn Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Tin học - thay mặt Ban Đề tài trình bày kết quả nghiên cứu. Ảnh: Nguyễn Ly

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu. Đề tài do ThS. Nguyễn Văn Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và ThS. Vũ An Huy - KTNN chuyên ngành Ia đồng Chủ nhiệm.

Theo Ban Đề tài, những năm gần đây, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động kiểm toán đã được KTNN đặc biệt quan tâm và đạt được những kết quả quan trọng. KTNN đã đầu tư cơ sở về CNTT gắn với việc đầu tư hệ thống máy móc, hạ tầng CNTT và một số phần mềm căn bản nhằm xây dựng “nền tảng” cho các ứng dụng CNTT trong hoạt động kiểm toán.

KTNN cũng đã hoàn thiện việc xây dựng và ứng dụng các phần mềm phục vụ công tác quản lý điều hành và quản lý hoạt động kiểm toán, từng bước phát huy hiệu quả trong hoạt động kiểm toán, góp phần tăng cường tính chuyên nghiệp, hiện đại và hiệu quả kiểm toán.

Bên cạnh đó, KTNN đã ban hành Chiến lược phát triển và Kiến trúc tổng thể CNTT của KTNN giai đoạn 2019-2025, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm tăng cường năng lực phát triển và ứng dụng CNTT trong hoạt động kiểm toán.

3.jpg
Quang cảnh buổi nghiệm thu. Ảnh: Nguyễn Ly

Hiện nay, hầu hết các đơn vị trong Ngành đã và đang đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong tất cả các khâu của hoạt động kiểm toán, đem lại hiệu quả cao, có tính đột phá.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực nêu trên, việc ứng dụng CNTT trong hoạt động kiểm toán cũng còn một số hạn chế nhất định. Trong đó, khó khăn nhất là việc KTNN chưa có các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và công cụ hỗ trợ việc tìm kiếm, thu thập, khai thác, đối chiếu thông tin phục vụ hoạt động kiểm toán. Phần lớn các công đoạn trong hoạt động kiểm toán về cơ bản hiện nay vẫn đang thực hiện thủ công, chưa được hỗ trợ bởi những công cụ, công nghệ thông minh.

Ngoài ra, mặt bằng trình độ thao tác, sử dụng các cộng cụ CNTT của nhiều kiểm toán viên vẫn chưa thực sự đồng đều, chưa theo kịp được với những đòi hỏi mới, nhất là yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam hiện nay. Điều này phần nào cũng hạn chế tiến trình đẩy mạnh ứng dụng CNTT rộng rãi trong toàn Ngành.

2.jpg
Hội đồng nghiệm thu đánh giá Đề tài có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cao đối với hoạt động kiểm toán của KTNN. Ảnh: Nguyễn Ly

Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 (giai đoạn 2021-2030) đã xác định “Công nghệ đóng vai trò then chốt, thiết lập, định hướng cho quá trình xây dựng, hình thành các hệ thống nền tảng quản trị thông minh, góp phần đưa KTNN tham gia tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế số và thích ứng linh hoạt với sự thay đổi quá trình chuyển đổi số trong tương lai…”. Vì vậy, việc xây dựng hạ tầng ứng dụng đồng bộ để đáp ứng yêu cầu hoạt động của Ngành và xu hướng phát triển của CNTT trong Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là yêu cầu cấp thiết, đồng thời khắc phục những hạn chế nêu trên và đáp ứng yêu cầu Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030.

Trên cơ sở đánh giá thực trạng ứng dụng CNTT trong hoạt động kiểm toán của KTNN, Ban Đề tài nghiên cứu, đề xuất các giải pháp xây dựng hạ tầng ứng dụng đồng bộ phục vụ hoạt động kiểm toán của KTNN đáp ứng yêu cầu của Chiến lược phát triển và Kiến trúc tổng thể CNTT của KTNN giai đoạn 2019-2025, tầm nhìn đến năm 2030 và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam hiện nay.

Đề tài được kết cấu gồm 3 chương: Chương 1 - Cơ sở lý luận về ứng dụng CNTT trong hoạt động kiểm toán của KTNN; Chương 2 - Thực trạng ứng dụng CNTT trong hoạt động kiểm toán của KTNN; Chương 3 - Giải pháp đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động kiểm toán của KTNN.

Tại buổi nghiệm thu, các thành viên Hội đồng đánh giá Đề tài có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cao đối với hoạt động kiểm toán của KTNN. Đề tài đã đề xuất được giải pháp ứng dụng CNTT trong hoạt động kiểm toán, từ việc xây dựng các phần mềm ứng dụng đến việc hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ chế chính sách, đào tạo phát triển nguồn nhân lực hay việc tổ chức triển khai thực hiện. Đặc biệt, Ban Đề tài đã đề xuất cụ thể các quy trình cần tin học hóa theo quy trình 4 bước trong hoạt động kiểm toán hiện nay của KTNN.

Để Đề tài hoàn thiện hơn, Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban Đề tài bổ sung một mục định hướng các nguyên tắc phát triển các phần mềm ứng dụng như: Các điểm mấu chốt nhất định cần tin học hóa và những bước không quan trọng không nhất thiết phải tin học hóa; làm rõ nội dung liên quan đến kiến trúc ứng dụng nhất quán, đảm bảo khả năng chia sẻ, kết nối, liên thông dữ liệu; triển khai theo hướng tập trung, đồng bộ, hiện đại, ưu tiên công nghệ nền tảng web, thiết bị di động; phần mềm xây dựng trên công nghệ tiên tiến và có tính mở, đảm bảo việc lưu trữ, quản lý và khai thác lâu dài một khối lượng lớn dữ liệu; đảm bảo an toàn thông tin.

Cùng vớ đó, Ban Đề tài cần bổ sung điều kiện thực hiện, ứng dụng tại KTNN, bao gồm cả các vấn đề liên quan đến cơ sở pháp lý, nhân lực (lộ trình tuyển dụng, đào tạo), phương án tài chính, nguồn vốn, và kèm theo đó là khung thời gian cho lộ trình thực hiện cụ thể hơn.

Hội đồng khoa học KTNN đánh giá Đề tài xếp loại Khá.

Cùng chuyên mục
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán