Sửa đổi, bổ sung Hệ thống Chuẩn mực Kiểm toán nhà nước

(BKTO) – Chiều 20/12, Phân hội Kiểm toán viên nhà nước và Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã tổ chức Hội thảo về sửa đổi, bổ sung Hệ thống Chuẩn mực KTNN (Hệ thống CMKTNN) theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

chi-ngoc.jpg
Bà Bùi Thị Minh Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán: Việc sửa đổi, bổ sung Hệ thống CMKTNN vừa phù hợp với thực tiễn hoạt động kiểm toán của KTNN Việt Nam vừa phù hợp với Hệ thống CMKT quốc tế. Ảnh: Phương Vân.

Bà Bùi Thị Minh Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, Phó Chủ tịch Phân hội Kiểm toán viên nhà nước chủ trì Hội thảo.

Hội thảo có sự tham gia của đại diện các đơn vị tham mưu, sự nghiệp, các KTNN chuyên ngành và khu vực.

Bà Ngọc cho biết, theo Điều 6 Luật KTNN, CMKTNN là những quy định và hướng dẫn về yêu cầu, nguyên tắc, thủ tục kiểm toán và xử lý các mối quan hệ phát sinh trong hoạt động kiểm toán mà kiểm toán viên nhà nước phải tuân thủ khi tiến hành hoạt động kiểm toán. Đây là cơ sở để kiểm tra, đánh giá chất lượng kiểm toán và đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên nhà nước.

KTNN đã xây dựng, ban hành và đang áp dụng Hệ thống CMKTNN gồm 39 chuẩn mực với 3 cấp độ: Cấp độ 2 - Các điều kiện tiên quyết để thực hiện chức năng của KTNN; cấp độ 3 - Các nguyên tắc kiểm toán cơ bản (6 chuẩn mực) và cấp độ 4 - Các hướng dẫn kiểm toán (33 chuẩn mực).

Tuy nhiên, việc áp dụng Hệ thống chuẩn mực còn bất cập. Bên cạnh đó, Hệ thống chuẩn mực kiểm toán của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao INTOSAI (ISSAIs) đã sửa đổi một số nội dung.

Do đó, KTNN đã thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ Soạn thảo sửa đổi, bổ sung Hệ thống CMKTNN, dự kiến ban hành vào năm 2023.

Tại Hội thảo, ông Đỗ Trung Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán - đã báo cáo tóm tắt quá trình rà soát, sửa đổi, bổ sung Hệ thống CMKTNN.

Đến nay, Ban Soạn thảo đã lấy ý kiến của các đơn vị trong Ngành, xin ý kiến Ban Cán sự Đảng KTNN về 2 phương án: Phương án 1: Giữ nguyên 39 chuẩn mực như hiện hành. Phương án 2 gồm 6 chuẩn mực cấp độ 3, không xây dựng các CMKTNN cấp độ 4, tuy nhiên có lồng các nguyên tắc cơ bản của từng chuẩn mực vào các CMKTNN cấp độ 3.

Cụ thể, Ban Soạn thảo lồng các nguyên tắc cơ bản của các CMKTNN tài chính (từ CMKTNN 1200-1805) vào CMKTNN 200 - Các nguyên tắc cơ bản của kiểm toán tài chính; lồng các nguyên tắc cơ bản của các CMKTNN 3000 và 4000 vào CMKTNN 300 - Các nguyên tắc cơ bản của kiểm toán hoạt động và CMKTNN 400 - Các nguyên tắc cơ bản của kiểm toán tuân thủ.

281a6815.jpg
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Phương Vân.

Tại Hội thảo, đại diện lãnh đạo một số đơn vị tham mưu, KTNN chuyên ngành và khu vực đã nêu những vướng mắc khi áp dụng Hệ thống CMKTNN trong việc lập kế hoạch kiểm toán và lập báo cáo kiểm toán.

Bên cạnh đó, các đại biểu nêu một số vấn đề, như: Cách tiếp cận CMKTNN, việc sử dụng một số thuật ngữ trong chuẩn mực kiểm toán chưa thống nhất, chưa rõ ràng. Hệ thống CMKTNN với quy trình kiểm toán, hệ thống mẫu biểu hồ sơ kiểm toán, các hướng dẫn kiểm toán... còn những nội dung chưa thống nhất.

CMKTNN về kế hoạch kiểm toán tổng quát đối với cuộc kiểm toán ngân sách địa phương, ngân sách bộ, ngành còn những điểm khó thực hiện.

Bên cạnh việc chỉ ra các vướng mắc nêu trên, các đại biểu đã đề xuất các giải pháp và gợi mở hướng sửa đổi, bổ sung Hệ thống CMKTNN cho phù hợp với thực tiễn hoạt động kiểm toán của KTNN Việt Nam và phù hợp với ISSAIs.

Sau khi được ban hành, Hệ thống CMKTNN mới được kỳ vọng sẽ phù hợp hơn, đáp ứng được yêu cầu, nguyên tắc, thủ tục kiểm toán và xử lý các mối quan hệ phát sinh trong hoạt động kiểm toán theo đúng tinh thần được luật hóa tại Điều 6 Luật KTNN, từng bước chuyên nghiệp hóa hoạt động kiểm toán, góp phần thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030./.

Cùng chuyên mục
Sửa đổi, bổ sung Hệ thống Chuẩn mực Kiểm toán nhà nước