Để khoa học công nghệ đóng góp lớn hơn vào giá trị sản xuất nông nghiệp

NGUYỄN LỘC - NGUYỄN HỒNG (thực hiện) | 09/10/2023 17:46

(BKTO) - Khoa học, công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp; đồng thời góp phần nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa nông sản và dịch vụ trên thị trường. Đây là đánh giá được Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Thị Thanh Thủy trao đổi với Báo Kiểm toán bên lề Hội nghị về KHCN và đổi mới sáng tạo của ngành nông nghiệp.

ba-thuy.jpg
TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy. Ảnh: ST

Xin bà đánh giá khái quát về công tác quản lý, triển khai thực hiện nhiệm vụ KHCN tại Bộ hiện nay?

Trong những năm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đã đẩy mạnh việc đổi mới công tác quản lý khoa học, tăng cường ứng dụng KHCN trong nông nghiệp tạo nền tảng và động lực then chốt để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền nông nghiệp, góp phần hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm an ninh lương thực, an sinh xã hội và nâng cao thu nhập cho người sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp.

Theo đó, hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của ngành đã tập trung vào các sản phẩm chủ lực như: chọn tạo các giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng, kháng bệnh và chống chịu; xây dựng quy trình canh tác, gói kỹ thuật theo chuỗi trong sản xuất các sản phẩm chủ lực…

Nhiều nhiệm vụ đặt hàng các sản phẩm với yêu cầu và chỉ tiêu kinh tế kỹ thật định lượng rõ ràng, đảm bảo tính ứng dụng thực tiễn của sản phẩm tạo ra và khả thi thương mại hoá.

Giai đoạn 2013-2020, Bộ NNPTNT đã công nhận 529 giống mới, 185 sáng chế được công nhận, 224 tiêu chuẩn kỹ thuật, 440 quy trình kỹ thuật được ban hành. Các kết quả nghiên cứu được ứng dụng, chuyển giao vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp, góp phần to lớn trong quá trình phát triển ngành nông nghiệp.

Tổng kết chương trình KHCN giai đoạn 2013-2020 đã đánh giá, KHCN và đổi mới sáng tạo đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp. KHCN đã đóng góp có hiệu quả vào phát triển sản xuất nông nghiệp, bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa nông sản và dịch vụ trên thị trường trong nước và quốc tế.

Thông qua việc đẩy mạnh KHCN đã xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với sự đầu tư mạnh của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước và nước ngoài.

Xin bà cho biết cụ thể hơn về vấn đề quản lý tài sản hình thành sau nghiên cứu và giải pháp để đưa nghiên cứu vào thực tiễn thuận lợi hơn, từ đó giảm lãng phí tài chính, tài sản công cho KHCN?

Sản phẩm khoa học theo các Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27/01/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật KHCN của Bộ KHCN và các Bộ, ngành, địa phương gồm: Sản phẩm dạng I là hàng hoá có thể được tiêu thụ trên thị trường; dây chuyền công nghệ; giống cây trồng, vật nuôi và các loại khác… Sản phẩm dạng II, gồm các tiêu chuẩn; quy phạm; quy trình công nghệ; đề án... Sản phẩm dạng III bao gồm các sách chuyên khảo và các sản phẩm liên quan đến tham gia đào tạo sau đại học và dự kiến đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng.

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 190,03 tỷ USD, trung bình đạt 38 tỷ USD/năm, tốc độ tăng GDP toàn ngành đạt bình quân 2,65%/năm; năm 2022, tăng trưởng GDP của khu vực nông nghiệp ước tính 3%, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 53,2 tỷ USD. Nhiều kết quả NCKH đã được chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp như giống mới, quy trình công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới đã góp phần giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận trong sản xuất nông nghiệp.

Về giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ: Nghị định số 70/2018/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước, được Chính phủ ban hành ngày 15/05/2018 và có hiệu lực thi hành từ ngày ký ban hành.

Tuy nhiên, Nghị định số 70/2018/NĐ-CP chỉ quy định chung cho việc định giá tài sản, vì vậy, đối với ngành NNPTNT sẽ gặp một số bất cập. Đơn cử, đối với kết quả sản phẩm dạng II, các quy trình công nghệ, quy trình kỹ thuật được chuyển giao cho đối tượng là nông dân, hợp tác xã để nâng cao đời sống kinh tế - xã hội của nông dân và địa phương sản xuất nông nghiệp, vì vậy không thu hồi được kinh phí.

Ngoài ra, để có thể khuyến khích người dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất nhà nước còn phải triển khai các dự án như dự án khuyến nông để chi trả cho việc học tập, bồi dưỡng của người nông dân, cán bộ khuyến nông, cán bộ chỉ đạo sản xuất ở địa phương. Hay đối với kết quả sản phẩm dạng III, quyền đối với giống cây trồng chủ yếu mang ý nghĩa xã hội (đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội) và phải trả phí, lệ phí, không có giá trị thương mại…

Xuất phát từ lý do trên, Bộ NNPTNT đề xuất Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ KHCN và các đơn vị có liên quan “Rà soát, kiến nghị các cơ quan có liên quan sửa đổi Nghị định số 70/2018/NĐ-CP” theo hướng giao sản phẩm KHCN hình thành từ các nhiệm vụ có sử dụng ngân sách nhà nước cho các tổ chức chủ trì nhiệm vụ để chủ động khai thác, sử dụng và chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm theo quy định hiện hành về sở hữu trí tuệ và các quy định hiện hành khác.

Qua kiểm toán, Kiểm toán nhà nước đã chỉ ra nhiều bất cập, thiếu sót của Bộ NNPTNT trong thực hiện nhiệm vụ KHCN, Vụ nhìn nhận ra sao về vấn đề này và đã có giải pháp gì để chấn chỉnh tình trạng được KTNN chỉ ra?

Thời gian qua, KTNN đã vào cuộc và có ghi nhận, đánh giá những nỗ lực của Bộ trong thực hiện nhiệm vụ KHCN, đồng thời chỉ ra một số bất cập, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, trong đó có nội dung đánh giá về việc chậm nghiệm thu nhiệm vụ KHCN. 

Đối với nội dung này, Bộ đã trả lời đơn vị kiểm toán về nguyên nhân là do tính chất, đặc thù của hoạt động nghiên cứu KHCN trong ngành, lĩnh vực NNPTNT thường triển khai trên đồng ruộng, phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết, nên việc xử lý, phân tích và hoàn thiện các sản phẩm mất rất nhiều thời gian, bị động.

dsc_0840.jpg
Qua kiểm toán giúp nâng cao hiệu quả quản lý, thực hiện nhiệm vụ KHCN. Ảnh: N.Lộc

Mặt khác, giai đoạn 2020-2022, đại dịch Covid-19 bùng nổ và liên tục diễn biến phức tạp, các biện pháp phòng chống dịch như phong tỏa, giãn cách xã hội liên tục nên việc triển khai các hoạt động bị đình trệ phải chuyển tiếp, nhiệm vụ bị chậm, công tác hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu cũng bị chậm, một số nhiệm vụ đã có quyết định thành lập Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ rồi những không tổ chức họp trực tiếp đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ được.

Từ kết luận, kiến nghị kiểm toán, lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan nghiêm túc tiếp thu chấn chỉnh; đồng thời đề ra giải pháp để hoàn thiện, nâng cao hơn nữa hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ KHCN, từ đó góp phần phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, dù là lí do khách quan hay chủ quan, song trước các kiến nghị kiểm toán, Vụ đã tiếp thu và coi đây là những lưu ý quan trọng để điều chỉnh trong quá trình tham mưu, giúp việc lãnh đạo Bộ trong quản lý, thực hiện nhiệm vụ KHCN.

Đồng thời, lãnh đạo Bộ cũng đã chấn chỉnh, đôn đốc các đơn vị có thực hiện nhiệm vụ KHCN của Bộ được KTNN chỉ ra để thực hiện nghiêm túc kiến nghị kiểm toán; coi đây là cơ hội để nhìn nhận, rút ra bài học kinh nghiệm và tự đổi mới, có giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý, thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học.

Trân trọng cảm ơn bà!

Cùng chuyên mục
Để khoa học công nghệ đóng góp lớn hơn vào giá trị sản xuất nông nghiệp