Để ngành nước phát triển bền vững

(BKTO) - Giới chuyên gia nhận định, ngành nước hiện vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là việc thiếu hành lang pháp lý ở cấp luật chuyên ngành. Theo đó, để ngành nước phát triển ổn định và bền vững, cần hoàn thiện “lỗ hổng” pháp lý này.

14.jpg
Cần tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về cấp, thoát nước. Ảnh sưu tầm

Thiếu hành lang pháp lý ở cấp luật chuyên ngành

Thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực hoàn thiện thể chế, chính sách thông qua ban hành, bổ sung chỉnh sửa nhiều luật liên quan đến ngành nước như: Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Doanh nghiệp, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP)… thu hút các nguồn lực cho đầu tư, nâng cao năng lực, chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là áp dụng những tiến bộ khoa học - công nghệ trong lĩnh vực cấp, thoát nước và xử lý nước thải.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) Mai Thị Liên Hương, hiện tỷ lệ thu gom xử lý nước thải sinh hoạt đô thị mới đạt khoảng 15%. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu, hạn hán thiên tai và xâm nhập mặn, cùng với việc gia tăng dân số và tốc độ đô thị hóa tăng nhanh đã tác động không nhỏ đến sự phát triển của ngành nước, trong đó giải quyết bài toán an ninh, an toàn cấp nước, tình trạng ngập úng đô thị và vấn đề xử lý nước thải là những thách thức được đặt ra đối với ngành này.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cấp, thoát nước Việt Nam (VWSA) Trần Anh Tuấn nhấn mạnh, hiện nay, hệ thống thoát nước các đô thị cơ bản là hệ thống thoát nước chung cả nước mưa và nước thải, chưa đồng bộ với phát triển đô thị, được xây dựng qua nhiều thời kỳ, ngoại trừ một số khu vực đô thị mới có đầu tư hệ thống thoát nước riêng. Khu vực nông thôn thoát nước chủ yếu là tự thấm, chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu, quản lý thực hiện quy hoạch đô thị, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt hạ tầng thoát nước không đồng bộ. Tình trạng ngập úng đô thị xảy ra ở hầu hết các đô thị với tần suất ngày càng gia tăng do mưa và thủy triều, đặc biệt thường xuyên xảy ra tại các đô thị lớn, như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... và các đô thị ven biển, cửa sông, thậm chí các đô thị trung du miền núi cũng xảy ra ngập úng.

Theo TS. Trần Anh Tuấn, ngành nước (cấp, thoát nước) hiện thiếu hành lang pháp lý ở cấp luật chuyên ngành. Các vấn đề về khai thác nguồn nước, xả thải nước vào các nguồn nước đều được điều tiết chung từ 3 Luật: Tài nguyên nước, Thủy lợi và Bảo vệ môi trường; không có quy định riêng đối với nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất. Hay, việc đầu tư xây dựng các công trình cấp thoát nước lại chịu sự quản lý chồng chéo của các Luật: Xây dựng, Quy hoạch đô thị, Đầu tư, Bảo vệ môi trường, Tài nguyên nước, Doanh nghiệp…

Trong khi đó, Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch đã được ban hành trên 15 năm; Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06/8/2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải chỉ có các quy định chung cho thoát nước, chưa rõ các nội dung về thoát nước mưa, thoát nước và xử lý nước thải. Các vấn đề đầu tư, xây dựng, quản lý vận hành hệ thống thoát nước (trách nhiệm cấp chính quyền, tổ chức, người dân, nguồn lực đầu tư, chi phí chi trả cho dịch vụ nước mưa, nước thải và phòng, chống ngập úng đô thị…). Ngoài ra, các văn bản dưới luật đến nay không còn phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung và ngành nước nói riêng.

Sớm ban hành Luật Cấp, thoát nước

Chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản, chuyên gia về chính sách thoát nước của Tổ chức JICA - ông Norihide Tamoto - cho biết, từ tháng 5/2021, Nhật Bản đã đưa ra luật mới về ngập lụt trên diện rộng. Luật này nhằm ngăn ngập lụt nước trở thành thảm họa bằng cách quy định toàn diện các biện pháp đối phó trong lưu vực sông. Theo đó, về khía cạnh môi trường, chuyên gia này khuyến nghị Việt Nam cần quản lý lưu vực sông, xử lý và tái sử dụng bùn thích hợp. Đặc biệt, cần thiết phải có chính sách và quy định chống lại việc chôn lấp bùn. Về khía cạnh tài chính, Việt Nam cần thiết lập nguyên tắc tài khóa như phí và hỗ trợ tài chính của Nhà nước. “Để thúc đẩy đầu tư, hình thức PPP có thể là một trong những lựa chọn, nhưng cần phải xem xét về cơ bản các công trình thoát nước mang tính công cộng cao và kinh doanh độc quyền” - chuyên gia này lưu ý.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của hành lang pháp lý, Phó Chủ tịch VWSA đề xuất xây dựng và sớm ban hành Luật Cấp, thoát nước. Trong thời gian xây dựng mới Luật Cấp thoát nước, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung ban hành mới các văn bản dưới luật đang hiện hành như: Nghị định số 117/2007/NĐ-CP, Nghị định số 80/2014/NĐ-CP...

Về vấn đề này, ông Lương Ngọc Khánh - Trưởng phòng Quản lý cấp thoát nước và Xử lý nước thải, Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) - cho biết, Chính phủ đang tập trung ưu tiên cho lĩnh vực cấp, thoát nước và xử lý nước thải thông qua thiết lập khung pháp lý, các tiêu chuẩn kỹ thuật và định hướng quốc gia. Hiện Bộ Xây dựng đang nghiên cứu xây dựng Luật Cấp, thoát nước nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ, làm công cụ quản lý, phát triển cấp, thoát nước từ định hướng, quy hoạch, đầu tư xây dựng đến khai thác, vận hành để cung cấp nước sạch ổn định, bền vững. Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho biết, Bộ đang rà soát, tổng kết Luật Tài nguyên nước năm 2012 để bám sát, giải quyết vấn đề nguồn nước, coi tài nguyên nước là trọng tâm, nghiên cứu điều chỉnh các quy định trong các luật khác để bảo đảm thống nhất, nâng cao hiệu lực, hiệu quả.

Nhằm tạo một hành lang pháp lý giúp ngành nước phát triển ổn định và bền vững, Chính phủ đã đưa dự án xây dựng Luật Cấp, thoát nước vào Chương trình hành động nhiệm kỳ 2021-2026. Bà Mai Thị Liên Hương mong các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về cấp, thoát nước; ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, quản lý và vận hành hệ thống cấp, thoát nước, bảo đảm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp với Bộ Xây dựng tập trung xây dựng Luật Cấp, thoát nước trình Quốc hội thông qua trước năm 2025./.

Cùng chuyên mục
Để ngành nước phát triển bền vững