Đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long

(BKTO) - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Chủ tịch Hội đồng Điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - nhấn mạnh yêu cầu này khi chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL, ngày 27/9, tại tỉnh Bạc Liêu.

1(1).jpg
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Chính phủ

Tại Hội nghị, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Cao Huy công bố Quyết định số 974/QĐ-TT ngày 19/8/2023 thành lập Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông trình bày báo cáo một số nội dung liên quan đến phát triển vùng ĐBSCL. Lãnh đạo các Bộ, ngành, các địa phương tham luận làm rõ chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng vùng và các cơ quan, đơn vị liên quan; các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện; đề xuất một số kiến nghị lớn về cơ chế, chính sách đặc thù... cho vùng.

Định hướng hoạt động của Hội đồng Điều phối vùng thời gian tới

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, vùng ĐBSCL có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; là vùng cực Nam của Tổ quốc, là cầu nối nước ta với các nước trong khu vực ASEAN, đặc biệt là các nước thuộc Tiểu vùng sông Mekong.

Đây cũng là vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước với nhiều sản phẩm chủ lực, nhất là lúa, tôm, cá tra, trái cây, giữ vai trò to lớn về môi trường sinh thái, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực cho cả nước.

Về định hướng hoạt động của Hội đồng Điều phối vùng thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai một số nhiệm vụ:

Một là, triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được ban hành tại Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 816/QĐ-TTg ngày 07/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện quy hoạch Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hai là, tập trung nghiên cứu để đề xuất bổ sung về thể chế, cơ chế, chính sách phát triển vùng ĐBSCL, thúc đẩy liên kết vùng, tiểu vùng bảo đảm các quy định, cơ chế, chính sách liên kết vùng, tiểu vùng được thực hiện đồng bộ, nhất quán, khả thi, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn đất nước.

Ba là, sớm hoàn thiện để triển khai danh mục các chương trình, dự án có quy mô vùng và có tính chất liên kết vùng để bổ sung thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết 108/NQ-CP ngày 18/7/2023 sử dụng vốn vay ODA của các đối tác phát triển, trong đó ngân sách trung ương cấp phát 100% đối với các dự án của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; cấp phát 90% cho các dự án của 13 địa phương (gọi tắt là các dự án Mekong DPO).

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đây là một chính sách đặc thù của ĐBSCL. Tuy nhiên, hiện nay tiến độ hoàn thành thủ tục đầu tư còn chậm, hiện mới có Bộ Giao thông vận tải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất đầu tư, các Bộ, địa phương còn lại cần khẩn trương hoàn thiện thủ tục pháp lý để phấn đấu khởi công các dự án trong giai đoạn 2024-2025.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các tỉnh phối hợp với các Bộ ngành đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình xử lý các khu vực sạt lở bờ sông. Đây là vấn đề có tính cấp bách, cần phải được thực hiện kịp thời, hiệu quả, tránh lãng phí.

2(1).jpg
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân nhắc lựa chọn đề xuất nội dung cơ chế chính sách gì là đặc thù cho đích đáng, trọng tâm, trọng điểm và phù hợp cho vùng. Ảnh: Chính phủ

Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù về hạ tầng giao thông, nông nghiệp…

Để Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL hoạt động hiệu quả, thực chất, Phó Thủ tướng đề nghị các thành viên Hội đồng, các đồng chí lãnh đạo Bộ, ngành và địa phương bám sát các nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng để đề ra kế hoạch hành động, khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ liên quan điều phối, liên kết vùng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ thường trực Hội đồng, bảo đảm thông tin thông suốt và đề xuất những nội dung công việc mà Hội đồng cần phải thảo luận, cho ý kiến và thống nhất hành động.

Các Bộ, địa phương gửi ngay ý kiến góp ý tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp trình ký ban hành Kế hoạch hoạt động các tháng cuối năm 2023 của Hội đồng; các địa phương chưa được phê duyệt quy hoạch tỉnh khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt làm cơ sở để điều phối các hoạt động liên kết vùng.

Về cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng, Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan rà soát các cơ chế, chính sách hiện hành và nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội nhằm phát triển vùng, trong đó có các cơ chế, chính sách phát triển hạ tầng giao thông kết nối; phát triển nông nghiệp hiệu quả cao; bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu.

Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Thường trực Hội đồng - cân nhắc lựa chọn đề xuất nội dung cơ chế chính sách gì là đặc thù cho đích đáng, trọng tâm, trọng điểm và phù hợp cho vùng.

Bộ Tài chính khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ các nội dung về ưu đãi, tác động đối với các chỉ tiêu an toàn nợ công, cơ chế tài chính trong nước các dự án Mekong DPO của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và địa phương vùng ĐBSCL theo quy định tại Nghị định số 114/2021/NĐ-CP ngày 16/12/2021 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài (Nghị định số 114/2021/NĐ-CP) và Nghị định số 20/2023/NĐ-CP ngày 04/5/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 114/2021/NĐ-CP trên cơ sở đó giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt các đề xuất dự án Mekong DPO…/.

Cùng chuyên mục
Đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long