Kiến nghị tháo gỡ vướng mắc liên quan đến đấu giá đất, nhà ở xã hội…
Theo Báo cáo tại cuộc làm việc, cả 3 địa phương đều duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao trong 9 tháng đầu năm 2023, trong đó Quảng Ninh đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất 9,94%, dự kiến cả năm đạt trên 11%, Hải Dương đạt tốc độ tăng trưởng trên 7%.
Các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài, du lịch cũng đạt được nhiều kết quả khả quan, trong đó Quảng Ninh và Hải Phòng dự kiến thu hút FDI vượt mục tiêu đề ra, trong khi tổng thu từ du lịch của Quảng Ninh dự báo vượt mức trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.
Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đạt được nhiều kết quả tích cực nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng và đầu tư trang thiết bị hiện đại để soi chiếu hàng hóa ra, vào cảng, quản lý chặt chẽ công tác xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu.
Về xuất nhập khẩu, Hải Dương ghi nhận tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu giảm 14,2% do khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, nhưng Quảng Ninh ghi nhận mức tăng trưởng 14,15% so với cùng kỳ năm 2022.
Về giải ngân đầu tư công, Quảng Ninh và Hải Phòng đạt tỷ lệ giải ngân cao hơn mức bình quân cả nước, lần lượt là 82% và 52%, nhưng Hải Dương mới chỉ đạt 38%
Các địa phương kiến nghị Trung ương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến chỉ tiêu sử dụng đất, đấu giá đất, lấn biển, mua sắm trang thiết bị y tế, xây dựng cơ sở dữ liệu về xử phạt hành chính, nhà ở xã hội, đầu tư cho các công trình cấp bách để cung cấp điện cho các dự án mới, mở rộng sân bay Cát Bi…
Tháo gỡ nút thắt về thể chế theo nguyên tắc phân cấp tối đa cho các địa phương
Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao sự năng động, sáng tạo của cả 3 địa phương trong nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch, qua đó đạt được mức tăng trưởng thuộc nhóm đầu cả nước.
Phó Thủ tướng đặc biệt biểu dương Hải Phòng, Quảng Ninh và Hải Dương đã rất chú trọng đến việc nâng cao tính kết nối giữa 3 địa phương để thúc đẩy nhau cùng phát triển, nhất là về hạ tầng giao thông; và những đóng góp không chỉ về nguồn lực mà còn cả tinh thần đối với sự phát triển chung của cả nước.
Phó Thủ tướng nêu rõ, trong lúc khó khăn nhất, Chính phủ xác định rõ đẩy mạnh đầu tư công là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu để vừa tháo gỡ những nút thắt về hạ tầng của các địa phương, vừa đẩy nhanh tiến độ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Vì thế, các địa phương phải tập trung cao độ cho nhiệm vụ này.
Phó Thủ tướng cho rằng, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, Việt Nam vẫn duy trì được vị thế quốc tế tốt, giữ vững ổn định chính trị, nỗ lực điều chỉnh chính sách thu hút đầu tư thuận lợi hơn. Đây là cơ hội để các địa phương tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài nếu chuẩn bị sẵn sàng những điều kiện đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư.
Phó Thủ tướng đề nghị Hải Phòng và Hải Dương tập trung hoàn thiện việc xây dựng quy hoạch tỉnh, bảo đảm đúng thời hạn theo quy định của Trung ương, đồng thời bảo đảm chất lượng để sau khi ban hành không bó buộc, cản trở việc thực hiện các dự án đầu tư.
Về định hướng sửa đổi chính sách trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương phải cùng cộng đồng trách nhiệm để tháo gỡ những nút thắt về thể chế cho các địa phương theo nguyên tắc phân cấp tối đa cho các địa phương.
Đối với các địa phương, Phó Thủ tướng nhắn nhủ "còn gì vướng cứ nhắn cho Phó Thủ tướng", ông sẽ trực tiếp điều phối, thống nhất phương án xử lý từng việc cụ thể; tính đến việc kết hợp nguồn lực ngoài ngân sách nhiều hơn để xử lý những khó khăn về nguồn vốn đầu tư; tiếp tục thúc đẩy công tác chuyển đổi số và liên kết giữa các địa phương; phát huy vai trò điều phối của người đứng đầu trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư; dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác phòng, chống cháy nổ.
Ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của các địa phương tại cuộc họp, Phó Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ không chỉ tổng hợp để Chính phủ phân công các Bộ, ngành xử lý theo thẩm quyền, mà còn có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, đôn đốc và tham mưu giải pháp đẩy nhanh tiến độ xử lý của các Bộ, ngành.
Trước đó, sáng 25/9, tại thành phố Móng Cái, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia - dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ có buổi làm việc với tỉnh Quảng Ninh về tình hình phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong 9 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh./.