Đề xuất nhiều giải pháp thực hiện kiến nghị kiểm toán

(BKTO) - Kiểm toán nhà nước (KTNN) khu vực VIII đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm thực hiện tốt các kết luận, kiến nghị kiểm toán.

1(1).jpg
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: HỒNG NHUNG

Chiều 06/6, tại Hà Nội, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ đã chủ trì cuộc họp đánh giá kết quả rà soát tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán của KTNN khu vực VIII.

Tại cuộc họp, đại diện KTNN khu vực VIII cho biết, kết quả theo dõi, kiểm tra, rà soát của đơn vị về tình hình thực hiện kiến nghị cho thấy, tổng số kiến nghị xử lý tài chính đối với niên độ NSNN năm 2021, năm 2020, năm 2019 trở về trước chưa thực hiện đến ngày 31/3/2023 là 848,7 tỷ đồng.

Trong đó, tổng số kiến nghị xử lý tài chính đối với số kiến nghị thuộc niên độ NSNN năm 2021 chưa thực hiện đến ngày 31/3/2023 là 444,3 tỷ đồng; tổng số kiến nghị xử lý tài chính đối với số kiến nghị thuộc niên độ NSNN năm 2020, năm 2019 trở về trước chưa thực hiện đến ngày 31/3/2023 là 404,4 tỷ đồng.

Có 8 đơn vị chưa thực hiện 11 kiến nghị về cơ chế chính sách, 4 đơn vị chưa thực hiện 7 kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân.

Theo KTNN khu vực VIII, thời gian tới, để thực hiện tốt các kết luận, kiến nghị của KTNN, các địa phương cần chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đôn đốc, có ý kiến chỉ đạo sát sao các cơ quan chuyên môn và các cơ quan, đơn vị, địa phương được kiểm toán tập trung thực hiện các kiến nghị của KTNN.

Đối với các kiến nghị xử lý tài chính chưa thực hiện; các kiến nghị liên quan đến công tác quản lý, hoàn thiện cơ chế chính sách, kiểm điểm trách nhiệm, KTNN khu vực VIII tiếp tục theo dõi, đôn đốc các địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời và cung cấp đầy đủ các bằng chứng thực hiện kiến nghị kèm theo; đồng thời có giải pháp xử lý dứt điểm các kiến nghị năm trước chưa thực hiện.

Đối với các kiến nghị khó có khả năng tiếp tục thực hiện hoặc không thể thực hiện qua các năm, đề nghị UBND các tỉnh, Ban quản lý dự án tổng hợp, nêu rõ nguyên nhân kèm theo hồ sơ, tài liệu liên quan gửi KTNN khu vực VIII để tổng hợp báo cáo Lãnh đạo KTNN xem xét, xử lý theo thẩm quyền.

3(1).jpg
Đại diện KTNN khu vực VIII lắng nghe các ý kiến tại cuộc họp. Ảnh: HỒNG NHUNG

Ngoài ra, căn cứ kết quả rà soát các báo cáo của 4 tỉnh (Lâm Đồng, Phú Yên, Ninh Thuận, Khánh Hòa) gửi Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội và kết quả theo dõi, kiểm tra, rà soát của đơn vị, KTNN khu VIII đề xuất, kiến nghị Lãnh đạo KTNN phương án xử lý như sau:

Đối với số kiến nghị xử lý tài chính thuộc niên độ NSNN năm 2021 chưa thực hiện, KTNN khu vực VIII tiếp tục kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kiến nghị kiểm toán theo kế hoạch kiểm tra thực hiện kiến nghị năm 2023.

Đối với số kiến nghị xử lý tài chính thuộc niên độ NSNN năm 2020, năm 2019 trở về trước chưa thực hiện, đề nghị Lãnh đạo KTNN xem xét theo thẩm quyền 4 nhóm nguyên nhân chưa thực hiện như sau: Nhóm nguyên nhân doanh nghiệp/đơn vị không còn hoạt động, dừng hoạt động; nhóm nguyên nhân kiến nghị không thể thực hiện; nhóm nguyên nhân kiến nghị chưa đủ cơ sở để KTNN xác nhận kết quả thực hiện kiến nghị; nhóm nguyên nhân đơn vị đang đề nghị KTNN xem xét kết luận kiến nghị, KTNN đang rà soát, xử lý theo quy định.

Đối với các kiến nghị về cơ chế chính sách của các Bộ/ngành chưa thực hiện kiến nghị, KTNN khu vực VIII xin ý kiến Vụ Tổng hợp trong công tác phối hợp, đốn đốc theo dõi thực hiện kiến nghị kiểm toán.

Đối với các nhóm nguyên nhân chưa thực hiện còn lại, KTNN khu vực VIII tiếp tục phối hợp với địa phương, đơn vị được kiểm toán để kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kiến nghị kiểm toán theo kế hoạch kiểm tra thực hiện kiến nghị năm 2023; đồng thời có văn bản gửi các địa phương về việc xác nhận số liệu chưa thực hiện, nguyên nhân chưa thực hiện đến thời điểm trước ngày 15/6/2023.

Tại cuộc họp, đại diện các đơn vị liên quan đề nghị KTNN khu vực VIII lưu ý: Số liệu và tình hình phải đảm bảo sự thống nhất; thuyết minh rõ số liệu, các nguyên nhân; chủ động liên hệ để rà soát, đối chiếu với báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương; rà soát lại các kiến nghị về cơ chế, chính sách…

Bên cạnh đó, cần làm rõ nguyên nhân chủ quan và khách quan, các nhóm nguyên nhân cũng phải có sự thống nhất toàn Ngành; rà soát lại hồ sơ, bằng chứng kiểm toán để phân loại các kiến nghị, từ đó đề xuất giải pháp xử lý phù hợp.

Các ý kiến cho rằng, bức tranh chung về thực hiện kiến nghị kiểm toán sẽ có rất nhiều thách thức nếu toàn Ngành không có một khung chung và một số tiêu chí thống nhất trong quá trình tổng hợp.

Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ yêu cầu KTNN khu vực VIII tiếp thu tối đa các ý kiến để hoàn thiện báo cáo, đồng thời lưu ý đơn vị rà soát lại các số liệu cũng như có sự đối chiếu với địa phương; đề xuất các nhóm nguyên nhân, tiêu chí, khung chung để Vụ Tổng hợp tham mưu lãnh đạo KTNN trong việc ban hành khung/đề cương về rà soát thực hiện kiến nghị kiểm toán thống nhất trong toàn Ngành.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cũng đề nghị KTNN khu vực VIII cần đề xuất cụ thể hơn nữa về hướng xử lý cho các nhóm đối tượng; nêu rõ mục tiêu, nguyên tắc, các tiêu chí để có hướng tổng hợp, xử lý. Riêng nội dung kiến nghị khác, đơn vị cần cụ thể hóa hơn nữa để đưa ra các giải pháp đảm bảo tính khả thi, sát thực…/.

Cùng chuyên mục
Đề xuất nhiều giải pháp thực hiện kiến nghị kiểm toán