Sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Israel liên tục phát triển mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đưa Việt Nam và Israel trở thành đối tác quan trọng hàng đầu của nhau tại khu vực Đông Nam Á và Tây Á.
Tính đến nay, Israel có 40 dự án FDI tại Việt Nam, với tổng vốn hơn 140 triệu USD xếp thứ 47 trong tổng số 148 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Việt Nam hiện có 4 dự án đầu tư tại Israel với tổng trị giá khoảng 76 triệu USD.
Israel là đối tác thương mại lớn thứ 5 và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam tại Trung Đông, là đối tác thương mại lớn thứ 33 trên tổng số hơn 200 thị trường quốc gia và vùng lãnh thổ mà Việt Nam có xuất nhập khẩu hàng hóa.
Cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam và Israel có tính bổ trợ lẫn nhau, các mặt hàng xuất nhập khẩu của hai nước không những không cạnh tranh trực tiếp mà còn có sự bổ sung cho nhau. Các mặt hàng Việt Nam đã tạo dựng được chỗ đứng tại thị trường Israel như điện thoại di động và linh kiện, thủy hải sản, nông sản các loại, giày dép, hàng dệt may.
Thông qua thị trường trên 100 triệu dân Việt Nam, hàng hóa và công nghệ của Israel có cơ hội tiếp cận thị trường các nước khu vực ASEAN, châu Á-Thái Bình Dương và các nền kinh tế lớn trong 16 FTA mà Việt Nam đã tham gia.
Việt Nam và Israel vừa ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Israel (VIFTA). Đây là một hiệp định toàn diện, bao trùm nhiều lĩnh vực mà Việt Nam và Israel cùng quan tâm, gồm: thương mại hàng hóa, dịch vụ-đầu tư, quy tắc xuất xứ, các biện pháp vệ sinh kiểm dịch động thực vật, hải quan, mua sắm.
Chính phủ Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích doanh nghiệp Israel đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp vật liệu; công nghệ thông tin; sản xuất xanh; sản xuất sạch, đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp. Hai nước đang phấn đấu nâng kim ngạch thương mại song phương đạt mục tiêu 3 tỷ USD.
Israel là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về công nghệ và khởi nghiệp. Với dân số chỉ 10 triệu người, Israel có hơn 10.000 doanh nghiệp khởi nghiệp hướng tới thị trường toàn cầu; trong đó, các lĩnh vực mà Israel có thế mạnh và đang ưu tiên phát triển đó là: công nghệ cao, khoa học đời sống-sức khỏe-y tế, hệ thống sản xuất tiên tiến, giáo dục-nhân sự, du lịch, nông nghiệp-thực phẩm, an ninh quốc phòng.
Cùng với tiềm lực về khoa học công nghệ, Chính phủ Israel có cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp phát triển, mở rộng đầu tư, hợp tác phát triển ra thị trường nước ngoài.
Với việc ký kết VIFTA, Israel đang mở cửa nhiều hơn cho hàng hóa của Việt Nam thâm nhập trực tiếp vào thị trường tiêu dùng nội địa. Chính vì vậy, đây là cơ hội để hai bên đẩy mạnh thương mại và đầu tư, hình thành hệ sinh thái kinh doanh trong cộng đồng doanh nghiệp hai quốc gia.
TP. Hồ Chí Minh mong muốn thúc đẩy hợp tác và thu hút doanh nghiệp Israel đầu tư vào các lĩnh vực mà TP. Hồ Chí Minh đang có nhu cầu lớn như kinh tế số, khoa học công nghệ, nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, góp phần thúc đẩy quan hệ đầu tư, thương mại giữa Việt Nam-Israel tương xứng với nhu cầu, tiềm năng, thế mạnh của hai nước.
Việc ký kết và thực thi VIFTA sẽ mở ra những cơ hội hợp tác mới sâu rộng hơn cho Việt Nam và Israel. TP. Hồ Chí Minh với vai trò là trung tâm kinh tế và du lịch lớn nhất cả nước là một thị trường rộng lớn, tiềm năng cho doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư, kinh doanh thời gian tới./.