Một trong những thành công nổi bật của NHNH trong điều hành chính sách tiền tệ năm 2015 là góp phần kiểm soát tốt lạm phát. Ảnh: TS
Ngân hàng không còn là “điểm nóng”
Giải đáp câu hỏi trên, không ít đại biểu QH và chuyên gia tài chính - ngân hàng đã gợi lại bối cảnh của cách đây mấy năm. Đó là thời kỳ lạm phát của Việt Nam lên tới hai con số; giá vàng liên tục nhảy vọt trong ngày; nhiều ngân hàng thương mại đứng trước nguy cơ đổ vỡ, phá sản; cán bộ ngân hàng sa vào vòng lao lý; thanh khoản của hệ thống rơi vào tình trạng nghiêm trọng khi lãi suất liên ngân hàng có lúc lên tới 30%/năm và đẩy lãi suất huy động lên đến 18% - 20%/năm, vượt xa mức trần mà NHNN đặt ra. Thực trạng này đã khiến hoạt động của ngành Ngân hàng từng là “điểm nóng”, tập trung các câu hỏi của nhiều đại biểu Quốc hội trong các kỳ họp đầu nhiệm kỳ.
Thế nhưng, tại các kỳ họp Quốc hội gần đây, ngành Ngân hàng đã không còn là tâm điểm chất vấn. Lý giải điều này, TS. Cao Sĩ Kiêm - đại biểu QH, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, nhận định: Bằng nhiều biện pháp, ngành Ngân hàng đã cơ bản khắc phục những hạn chế, góp phần đưa lãi suất về mức hợp lý, đảm bảo thanh khoản dồi dào, quản lý và kiểm soát tốt cung cầu ngoại tệ, thị trường vàng. Mặt khác, trong chỉ đạo, điều hành quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD), NHNN đã xử lý tốt những ngân hàng yếu kém, tránh gây đổ vỡ hệ thống. Nhiều chương trình, sáng kiến như mua dự trữ lương thực, cho vay hộ nghèo và giải quyết nhà ở cho dân đã được thực hiện. Bằng nhiều biện pháp, NHNN vừa giải quyết vấn đề lâu dài vừa giải quyết được những vấn đề bức xúc, trước mắt. Tất cả những việc làm này đều hợp với lòng dân và được nhân dân ghi nhận.
Một trong những thành công nổi bật của NHNH trong điều hành chính sách tiền tệ, góp phần “gieo” niềm tin cho các đại biểu QH chính là kiểm soát tốt lạm phát. Lạm phát cả năm 2015 ở mức thấp nhất trong vòng 14 năm trở lại đây (0,63%), đánh dấu thời kỳ ổn định lạm phát dài nhất trong một thập kỷ qua, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đạt 6,68% - mức cao nhất trong 5 năm gần đây. Ghi nhận điều này, TS. Trương Văn Phước- Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia và TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính-ngân hàng đều chung quan điểm: Nếu không có sự nỗ lực, chủ động của NHNN, chắc chắn lạm phát sẽ không thể thấp như hiện nay.
Bên cạnh đó, tại Hội nghị tổng kết ngành Ngân hàng năm 2015, nhiều kết quả khác trong điều hành chính sách tiền tệ cũng được đại diện của NHNN nhấn mạnh. Đó là, so với cuối năm trước, tổng phương tiện thanh toán đến ngày 21/12/2015 tăng 13,55% và huy động vốn tăng 13,59%, tạo điều kiện cho các TCTD cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế; mặt bằng lãi suất cho vay giảm khoảng 0,3% đến 0,5%/năm so với cuối năm trước, đưa mặt bằng lãi suất giảm khoảng 50% so với thời điểm cuối năm 2011; lãi suất huy động giảm khoảng 0,2% đến 0,5%/năm và hiện ở mức tương đối thấp; ước cả năm tín dụng có thể đạt khoảng 18%, dòng vốn tín dụng tiếp tục được phân bổ hợp lý, hướng tới các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ; nợ xấu toàn hệ thống đã được đưa về mức 2,72%; tái cơ cấu ngân hàng cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra...
Rõ ràng, những kết quả trên đã góp phần từng bước tạo dựng nền tảng cho sự ổn định và phát triển, giúp ngành Ngân hàng lấy lại niềm tin của các đại biểu QH và cử tri cả nước. Việc các đại biểu QH không chất vấn Thống đốc Nguyễn Văn Bình phần nào thể hiện sự tin cậy, chia sẻ và đồng thuận với những quyết sách về tiền tệ thời gian qua.
Quyết tâm vượt qua thách thức
Khép lại năm 2015 với những thành công nhất định, năm 2016, thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, trong vai trò điều hành vĩ mô, NHNN tiếp tục đặt ra nhiều mục tiêu và định hướng cụ thể trên cơ sở bám sát mục tiêu của QH và Chính phủ. Các giải pháp vẫn chủ yếu tập trung vào mục tiêu: đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, nâng cao chất lượng tín dụng, giảm tình trạng đô la hóa, vàng hóa trong nền kinh tế.
Tại Hội nghị tổng kết hoạt động ngành Ngân hàng năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016 mới đây, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, một lần nữa, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu NHNN điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để ổn định vĩ mô.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, năm 2016, với việc tiếp tục đảm nhận vai trò quan trọng giúp Chính phủ thực hiện được các mục tiêu kinh tế đã đặt ra, ngành Ngân hàng phải vượt qua nhiều thách thức. Thách thức đến từ thế giới là sự biến động của giá dầu thô, động thái khó lường của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), sự tăng giảm của đồng Nhân dân tệ (CNY), xu hướng của các quốc gia sẽ không nới lỏng giá trị đồng tiền... Trong khi đó, vốn đầu tư cho nền kinh tế tiếp tục đặt gánh nặng lên vai ngân hàng do thị trường vốn nước ta chưa phát triển dẫn đến việc cân đối vốn của ngân hàng thương mại, nhất là vốn trung và dài hạn, vẫn khó khăn. Mặt khác, tình trạng đô la hóa nền kinh tế đã được giảm thiểu nhưng thực tế thị trường thời gian qua vẫn chịu nhiều tác động từ kinh tế thế giới. Với tình hình thị trường tài chính hiện nay, ngân hàng vẫn là lực lượng chủ chốt nắm giữ trái phiếu Chính phủ (TPCP), trong khi đó yêu cầu phát hành TPCP ở mức cao năm 2016 có thể sẽ gây áp lực lớn đến lãi suất.
Những thách thức trên cũng đã được NHNN nhận diện và lường trước. Để đảm nhận tốt vai trò điều hành vĩ mô, giúp Chính phủ hoàn thành các mục tiêu kinh tế đã đặt ra, đáp ứng được yêu cầu và kỳ vọng của QH, nhiều giải pháp đã được các chuyên gia và đại diện ngân hàng đề xuất. Song, trên tất cả, để làm tròn vai trò điều hành chính sách tiền tệ, một bài học sâu sắc đã được Thống đốc Nguyễn Văn Bình đúc kết trong giai đoạn vừa qua, đó là: Trong quá trình tổ chức, triển khai có thể còn nhiều khó khăn thách thức từ bên ngoài và nội tại, từ dư luận xã hội nhưng nếu không kiên định, bền gan mà bị chao đảo hoặc chỉ vì những cái trước mắt thì sẽ làm ảnh hưởng đến lộ trình lâu dài của ngành và của cả nền kinh tế.
TS. Cao Sĩ Kiêm: Thời gian qua, hệ thống ngân hàng đã được sắp xếp lại, lạm phát và lãi suất đều được kéo xuống, thị trường vàng ổn định…Điều này góp phần tạo dựng niềm tin cho thị trường và người dân. Phát huy kết quả đạt được, năm 2016, điều hành chính sách tiền tệ cần hướng tới đáp ứng tốt hơn nhu cầu vốn dài hạn của DN với thủ tục vay vốn gọn nhẹ hơn, giảm bớt tiêu cực trong ngân hàng và quan trọng là giải quyết nợ xấu quá hạn. Bên cạnh đó, ngoài việc xử lý tốt các ngân hàng yếu kém, NHNN cần thực hiện các biện pháp giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của các ngân hàng trung bình. TS.Nguyễn Trí Hiếu: Thành quả lớn nhất của chính sách tiền tệ trong năm 2015 là kéo được tỷ lệ lạm phát xuống thấp. Năm 2016, thay vì những cam kết cứng, chính sách tỷ giá cần linh hoạt hơn nhưng NHNN vẫn nên có định hướng rõ ràng và bằng tất cả các công cụ để đưa nền kinh tế, thị trường ngoại hối đi đúng định hướng đó. Nếu nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích tăng trưởng kinh tế, rất có thể sẽ đưa nền kinh tế vào tình trạng lạm phát hoặc nếu ổn định và thắt chặt chính sách tiền tệ thì lại ảnh hưởng tới phát triển kinh tế. Do đó, để cân bằng giữa 2 mục tiêu ổn định và phát triển, NHNN phải “nghệ thuật” hơn trong điều hành. |
THÀNH ĐỨC