Tuy nhiên, cần khẳng định là khu vực FDI đã có những đóng góp tích cực không thể phủ nhận vào phát triển kinh tế - xã hội cũng như tài chính ngân sách nước ta trong hơn 3 thập kỷ qua. Thành công đó là nhờ chính sách thu hút và sử dụng vốn FDI nhất quán với những ưu đãi hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài về tiếp cận đất đai, lao động, thị trường đi đôi với những ưu đãi về thuế, phí và thủ tục hành chính. Sức hấp dẫn đối với FDI của Việt Nam sẽ còn lớn hơn nhiều, đặc biệt trong bối cảnh dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài do tác động của Covid-19, nếu chúng ta kiên định chủ trương thu hút vốn FDI và khẳng định khu vực FDI là bộ phận quan trọng của nền kinh tế, đồng thời nỗ lực hơn nữa đảm bảo được ba chữ “công” trong thu hút và sử dụng vốn FDI bao gồm:
- công phạt: cơ chế, chính sách ưu đãi hấp dẫn vốn FDI thực sự có hiệu lực và hiệu quả, thu hút được những nhà đầu tư chiến lược giúp Việt Nam tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời ngăn chặn những nhà đầu tư núp bóng, giữ chỗ, tiềm lực kinh tế - tài chính hạn chế hoặc chỉ chuyển giao những công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường và thực hiện chuyển giá.
- công bằng: quyền tiếp cận các yếu tố sản xuất như: đất đai, lao động, thị trường cũng như các ưu đãi về thuế phí, tiền thuê đất,... phải bình đẳng và không phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư FDI lẫn các nhà đầu tư trong nước, nhằm tuân thủ đúng và đủ các quy luật thị trường trong thu hút vốn đầu tư cũng như các cam kết hội nhập quốc tế mà Việt Nam đã và sẽ ký kết.
- công khai: quyền và trách nhiệm của các nhà đầu tư FDI cần được công khai, minh bạch theo chuẩn mực quốc tế để tránh lạm dụng hay vận dụng tùy tiện, sai biệt cả từ phía cơ quan quản lý nhà nước lẫn từ phía nhà đầu tư thông qua hệ thống kiểm tra, thanh tra, giám sát và kiểm toán của cơ quan chức năng và xã hội.
Để cả 3 chữ “công” trên thành hiện thực với mức độ ngày càng cao thì KTNN đóng vai trò quan trọng không chỉ trong kiểm soát và cung cấp bằng chứng cụ thể, chi tiết, đáng tin cậy về quá trình thực hiện, đặc biệt là triển khai các ưu đãi hỗ trợ có nguồn gốc từ tài sản công, tài chính công trong thu hút vốn FDI mà kết quả của KTNN còn giúp đánh giá hiệu quả thật sự của các cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ đối với DN FDI, đối với sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương và quốc gia; từ đó có cơ sở điều chỉnh chính sách vừa phù hợp với thông lệ quốc tế, vừa tăng sức cạnh tranh thu hút và sử dụng vốn FDI, vừa đảm bảo hài hòa lợi ích hợp pháp, hợp lý của tất cả các bên gồm Nhà nước, DN và người lao động, của thị trường và toàn xã hội.
TS. VŨ ĐÌNH ÁNH
Chuyên gia Kinh tế