Doanh nghiệp nỗ lực về đích nửa cuối năm

(BKTO) - Số liệu thống kê cho thấy bức tranh doanh nghiệp (DN) trong nửa đầu năm 2025 có nhiều gam màu sáng, tối đan xen. Nửa cuối năm, bên cạnh những cơ hội, khó khăn, thách thức đối với DN vẫn hiện hữu, đòi hỏi DN cần nỗ lực cao độ để có thể hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh của năm 2025.

30.jpg
5 tháng đầu năm 2025, bình quân một tháng có gần 22.400 DN gia nhập thị trường. Ảnh minh họa

Số vốn bổ sung vào nền kinh tế tăng cao

Trải qua nửa đầu năm 2025, bức tranh về tình hình phát triển DN có nhiều điểm sáng. Cụ thể, theo số liệu của Cục Thống kê, Bộ Tài chính, trong 5 tháng đầu năm, cả nước có hơn 111.800 DN gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2024. Bình quân một tháng có gần 22.400 DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Điểm sáng đáng chú ý nữa là tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 5 tháng đầu năm đạt gần 2.279.500 tỷ đồng, tăng 83,8% so với cùng kỳ năm 2024.

Bên cạnh tín hiệu tích cực từ số lượng DN gia nhập thị trường, ở chiều ngược lại, số lượng DN rút lui khỏi thị trường cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Cụ thể, trong 5 tháng, cả nước có gần 74.600 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước), hơn 27.500 DN chờ làm thủ tục giải thể (tăng 18,3%) và gần 9.600 DN đã hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 15,7%). Bình quân một tháng có hơn 22.300 DN rút lui khỏi thị trường, con số này gần như tương đương với số DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Theo kết quả điều tra hoạt động sản xuất kinh doanh của DN của Cục Thống kê, Bộ Tài chính, trong quý I/2025, có 70% DN cho biết hoạt động sản xuất kinh doanh tốt hơn và giữ ổn định so với quý IV/2024 và 30% DN đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn hơn.

Nhìn vào bức tranh DN trong nửa đầu năm, chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong đánh giá, mặt tích cực có thể thấy là số lượng DN gia nhập thị trường gia tăng, nhất là số DN tạm ngừng hoạt động quay trở lại tăng cao (tăng 32,2%), thể hiện tinh thần khởi nghiệp rất khả quan của DN trước niềm tin vào triển vọng phát triển kinh tế của đất nước trong thời gian tới. Đặc biệt, việc vốn đăng ký bổ sung của các DN đang hoạt động tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước cho thấy sự tự tin và kỳ vọng của nhà đầu tư khi mở rộng sản xuất kinh doanh, bởi đây là những DN đã có kinh nghiệm thực tế trong môi trường kinh doanh. Cũng theo các chuyên gia, những tín hiệu tích cực về tình hình phát triển DN có được bên cạnh sự nỗ lực của DN, là do Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ DN, nhất là chính sách về tài khóa, tiếp tục là những trợ lực tiếp sức, hỗ trợ cho cộng đồng DN nỗ lực vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ở chiều ngược lại, vấn đề còn quan ngại đó là số lượng DN rút lui khỏi thị trường vẫn cao, tương đương với số lượng DN gia nhập thị trường, điều này cho thấy cộng đồng DN vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Thể hiện là, theo kết quả khảo sát tình hình sản xuất kinh doanh của DN do Cục Thống kê thực hiện cho thấy, hầu hết các DN đều gặp khó khăn cả ở đầu vào và đầu ra. Trong đó, về đầu vào, giá nguyên, nhiên vật liệu, chi phí vận tải kho bãi, chi phí các dịch vụ tăng cao; DN vẫn gặp khó khăn về vốn cho sản xuất kinh doanh và lãi suất vay vốn còn cao… Về đầu ra, nhu cầu thị trường trong nước thấp và tính cạnh tranh của hàng trong nước cao là hai yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

Cơ hội, thách thức đan xen…

Bước sang nửa cuối năm 2025, TS. Nguyễn Quốc Việt - Đại học Quốc gia Hà Nội - cho rằng có nhiều yếu tố thuận lợi đối với hoạt động của DN. Trước hết, “bộ tứ chiến lược” được Bộ Chính trị ban hành là nền tảng định hướng dài hạn cho tăng trưởng, với trọng tâm là thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; hội nhập quốc tế; xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật và phát triển kinh tế tư nhân. Theo đó, nhiều cơ chế, chính sách mới, đột phá được đề ra nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản kìm hãm, hạn chế DN phát triển, cũng như tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn cho hoạt động của DN.

Cùng với đó, Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành, địa phương về việc cắt giảm ít nhất 30% thời gian thực hiện thủ tục hành chính và chi phí tuân thủ trong năm 2025, sẽ giúp giảm “gánh nặng” tuân thủ cho DN. Đồng thời, chính sách miễn, giảm cho 46 nhóm phí, lệ phí áp dụng từ ngày 01/7/2025 đến hết năm 2026 sẽ giúp DN giảm sức ép về tài chính. Ngoài ra, năm 2025 là năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, do đó kỳ vọng các dự án đầu tư công sẽ “chạy nước rút” về đích, hệ thống hạ tầng được đồng bộ, hoàn thiện hơn với nhiều dự án mang ý nghĩa liên kết vùng và tạo hiệu ứng lan tỏa được đưa vào khai thác, sẽ mở ra những điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao thương của DN. Đặc biệt, việc sáp nhập các Bộ, ngành có chức năng tương đồng, cùng với việc thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp sẽ nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, chính quyền gần dân hơn, sát dân hơn, từ đó phục vụ người dân, DN tốt hơn.

Bên cạnh những thuận lợi nhất định, dự báo các DN cũng phải đối mặt với không ít khó khăn. Cụ thể, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tháng 6 do S&P Global công bố cho thấy chỉ số PMI giảm xuống 48,9 điểm, từ 49,8 điểm của tháng 5. Chỉ số này nằm dưới ngưỡng 50 điểm trong 3 tháng liên tiếp, phản ánh sự sụt giảm đơn đặt hàng mới của DN.

Liên quan đến vấn đề Mỹ áp thuế đối ứng - mối quan tâm rất lớn của DN khi thời hạn tạm hoãn 90 ngày sắp kết thúc, sau cuộc điện đàm với Tổng Bí thư Tô Lâm tối ngày 02/7, trong bài đăng trên mạng xã hội sau đó, Tổng thống Donald Trump thông báo đã đạt được “thỏa thuận thương mại” khung với Việt Nam, theo đó hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ sẽ chịu thuế suất 20% và mức thuế 40% được áp đối với hàng hóa “trung chuyển”. Mức thuế chính thức sẽ được chính quyền Mỹ công bố, tuy nhiên các DN cũng phải chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản để đảm bảo đạt được các kế hoạch sản xuất kinh doanh đã đề ra.

Ngoài ra, bối cảnh tình hình thế giới trong thời gian tới được dự báo tiếp tục có những biến động lớn, phức tạp và khó lường; xung đột, căng thẳng tại khu vực Trung Đông nếu kéo dài và lan rộng sẽ khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn, gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của DN. Mặt khác, DN vẫn phải đối mặt với những khó khăn hiện hữu như giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, chi phí logistics vẫn đang tăng cao; các thị trường nhập khẩu tăng cường áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại cũng như gia tăng các yêu cầu, tiêu chuẩn ngày càng cao đối với hàng hóa xuất khẩu…

Với những cơ hội và thách thức đan xen, các chuyên gia cho rằng, để có thể đạt được các kết quả sản xuất, kinh doanh tươi sáng trong nửa cuối năm và “về đích” mục tiêu của cả năm 2025, các DN cần chủ động theo dõi sát các diễn biến của thị trường trong và ngoài nước, từ đó chủ động, linh hoạt trong việc nắm bắt các cơ hội cũng như đề ra các giải pháp hiệu quả nhằm vượt qua khó khăn, thách thức, để có thể trụ vững tại thị trường nội địa, cũng như duy trì, phát triển được các thị trường xuất khẩu và “chen chân” sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu./.

Cùng chuyên mục
Doanh nghiệp nỗ lực về đích nửa cuối năm