Chuyển đổi số phải bắt đầu từ tư duy người lãnh đạo DN. Ảnh tư liệu
Doanh nghiệp còn cân nhắc chuyển đổi vì nỗi lo cơm áo
Theo Ngân hàng Thế giới, năm 2019 có 4,3 tỷ người sử dụng internet, chiếm 57% dân số thế giới; 5,1 tỷ người sử dụng điện thoại di động, chiếm 67% dân số; 42% dân số thế giới sử dụng mạng xã hội trên thiết bị di động... Đây là kho dữ liệu khổng lồ và mở ra cơ hội kinh doanh cho các DN.
Yêu cầu đặt ra cho các DN khi chuyển đổi số là cần chuẩn bị kỹ từ hạ tầng công nghệ thông tin đến số hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo ra môi trường kết nối an toàn. Tiếp đó là áp dụng công nghệ mới, như: dữ liệu lớn (Big Data), internet vạn vật, điện toán đám mây, robot... vào quy trình hoạt động của DN để cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Điều quan trọng là, DN luôn phải xác định vấn đề đổi mới công nghệ có vai trò then chốt trong việc nâng cao năng suất, chất lượng của hàng hóa, dịch vụ cũng như khả năng cạnh tranh.
Theo góc nhìn của chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, 3 - 4 năm trở lại đây, tinh thần bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số của DN lên rất cao nhưng chủ yếu vẫn ở vị trí mới nhập cuộc, phần lớn DN Việt chỉ mới chiếm phần nhỏ trong doanh thu kinh tế số tại thị trường trong nước. Việt Nam đã có ít nhất 2 lần đề ra chủ trương phải tiến vào khoa học kỹ thuật ở trình độ cao để đuổi kịp thế giới, nhưng cả 2 lần đều không có chiến lược thực thi và không thực thi được.
Ông Thiên thẳng thắn bày tỏ sự lo ngại về những bước đi quá thận trọng này: Chúng ta cứ dò đá qua sông đến bao giờ? Nếu cứ dò mãi thì không bao giờ đến đích. Tất nhiên vẫn cần phải dò nhưng nên ít thôi và phải rút ngắn khâu này càng sớm càng tốt.
Chia sẻ về những thách thức đối với DN Việt tại Hội thảo “DN Việt Nam trước ngưỡng cửa chuyển đổi số”, bà Nguyễn Thuỳ Dương - Phó Tổng Giám đốc phụ trách bộ phận Dịch vụ tài chính ngân hàng của EY Việt Nam - cho rằng: Có 3 thách thức rất lớn đối với DN. Thách thức đầu tiên là hạ tầng. Nếu có hạ tầng tốt, các DN sẽ chạy rất nhanh và ngược lại. Việc này giống như lái xe trên một con đường, nếu có xe tốt mà đường gồ ghề, tắc nghẽn thì cũng không thể đi nhanh được. Khó khăn thứ hai là nguồn lực, các DN nhỏ và vừa hiện nay vẫn loay hoay với cơm áo gạo tiền nên việc đầu tư vào công nghệ là điều họ phải cân nhắc. Tuy nhiên, nếu vượt qua được mối lo này, đồng thời có sự chuẩn bị tốt về tài chính thì DN sẽ thắng. Thách thức quan trọng nhất trong vấn đề chuyển đổi số vẫn là quyết tâm của người làm chủ DN, người dẫn dắt DN.
Nghĩ lớn, nhưng hãy bắt đầu từ việc nhỏ
GS. Hồ Tú Bảo - Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán - cho rằng: Để chuyển đổi số, các DN cần thay đổi về cả nhận thức và hành động, trước hết cần thấu hiểu về vấn đề này để thay đổi cách làm việc, từ đó thay đổi công nghệ cũng như mô hình kinh doanh với công nghệ mới. Đối tượng cần phải nhận thức rõ nhất điều này là các giám đốc điều hành của DN. Trong cuộc cách mạng số, người thắng cuộc sẽ là người làm chủ nguồn dữ liệu lớn và có nguồn nhân lực số tốt. Vì vậy, đào tạo nhân lực là việc làm bắt buộc và rất cấp thiết. Đây là một trong những yếu tố tiên quyết để DN nói riêng cũng như quốc gia nói chung theo kịp môi trường chuyển đổi số cũng như cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Cũng theo GS. Hồ Tú Bảo, chuyển đổi số là sự sống còn của DN trong thời gian tới. Do vậy, mỗi DN phải xác định lộ trình chuyển đổi, xây dựng năng lực số bằng hạ tầng, trang thiết bị, nguồn nhân lực, văn hóa... Yếu tố thành công không phải ở công nghệ mà phải bắt nguồn từ nhận thức, chiến lược và mức độ sẵn sàng về công nghệ của DN. Trên thực tế, nhiều DN “nghĩ quá lớn”, xây dựng những dự án quá đồ sộ, kéo dài quá lâu và tốn nhiều kinh phí. Trong khi đó, công nghệ luôn thay đổi và thay đổi nhanh hơn những gì mà DN dự tính. Do vậy, các doanh nhân nên nghĩ rằng: việc chuyển đổi số giống như một công cụ hay một quy trình bắt đầu đầu tư. Chúng ta có thể nghĩ lớn nhưng hãy bắt đầu từ những việc nhỏ.
Ông Nguyễn Mạnh Hải - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư - cho rằng, để kinh tế số, kinh tế chia sẻ được vận dụng có hiệu quả ở Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước cần có cơ chế, chính sách giảm thiểu rủi ro cho các bên, bao gồm việc cảnh báo sớm cho người cung cấp dịch vụ. Đồng thời, nâng cao năng lực hiểu biết và sử dụng dịch vụ kinh tế số cũng như pháp luật về hợp đồng số cho người sử dụng dịch vụ; đảm bảo an toàn lao động và an toàn trong thanh toán các hợp đồng điện tử. Đặc biệt, cần xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin và dữ liệu giữa các Bộ, ngành với chính quyền các cấp, các DN, các hiệp hội. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho DN khởi nghiệp tiếp cận tài chính, khuyến khích cạnh tranh, hỗ trợ DN thực hiện hoạt động nghiên cứu, sáng tạo...
Còn theo bà Nguyễn Thuỳ Dương, để tiết kiệm chi phí và hiệu quả khi chuyển đổi số, DN cần tính đến sự liên kết với các công ty khởi nghiệp về công nghệ. Cùng với đó, thay vì việc nghĩ ra những ý tưởng thiếu thực tiễn thì các công ty khởi nghiệp nên đưa ra những sáng kiến đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của DN.
Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên kỳ vọng: Dù còn trở ngại về thể chế, chính sách, hạ tầng, nguồn nhân lực và khiếm khuyết của bản thân rất lớn song DN Việt Nam hoàn toàn có thể khắc phục, giảm thiểu được chúng bằng sự quyết liệt cả trong nhận thức, trong xây dựng chiến lược và nhất là trong hành động.
THÙY ANH
Theo Báo Kiểm toán số 30 ra ngày 25-7-2019
Theo Báo Kiểm toán số 30 ra ngày 25-7-2019