Đổi mới mô hình tăng trưởng nông nghiệp theo hướng xanh, bền vững

NGUYỄN LỘC (thực hiện) | 02/11/2023 10:44

(BKTO) - Là 1 trong 5 nhà xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, song mô hình tăng trưởng nông nghiệp của Việt Nam còn bộc lộ nhiều điều đáng lo ngại về chất lượng và tính bền vững. Trao đổi với Báo Kiểm toán, GS,TS. Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp - cho rằng, việc chuyển đổi sang mô hình nông nghiệp xanh, từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp đang trở thành yêu cầu cấp bách hiện nay.

14(1).jpg
GS,TS. Nguyễn Hồng Sơn

Thưa ông, ông đánh giá ra sao về đóng góp của ngành nông nghiệp đối với nền kinh tế, cũng như mô hình tăng trưởng nông nghiệp của Việt Nam hiện nay?

Việt Nam xác định nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; việc đảm bảo an ninh lương thực là một trong những thành tố của an ninh con người, là điều kiện tiên quyết để bảo đảm quyền sống của con người.

Nông nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc trong những năm qua. Kết quả này đã giúp Việt Nam cải thiện đáng kể an ninh lương thực, góp phần giảm nghèo, ổn định kinh tế - xã hội và trở thành 1 trong 5 nhà xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nông nghiệp đang bảo đảm sinh kế cho trên 60% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn; chiếm 30% lực lượng lao động cả nước và chiếm tỷ trọng gần 12% GDP. Từ một nước kém phát triển về nông nghiệp, phải nhập khẩu lương thực, Việt Nam hiện nay trở thành một trong những nước xuất khẩu nông - lâm - thủy sản hàng đầu thế giới với tổng kim ngạch năm 2022 đạt trên 53 tỷ USD (tăng trưởng GDP của khu vực nông nghiệp ước tính 3%). Kết quả này đã làm sâu sắc hơn vai trò trụ đỡ của ngành nông nghiệp, đóng góp cho tăng trưởng chung của nền kinh tế, đảm bảo vấn đề an ninh lương thực và các vấn đề xã hội.

Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng nông nghiệp của Việt Nam hiện nay còn bộc lộ nhiều điều đáng lo ngại. Nền sản xuất dựa vào năng suất và sản lượng đã giúp Việt Nam nhanh chóng đảm bảo an ninh lương thực nhưng sẽ không còn thực sự phù hợp với nền sản xuất hàng hóa, tư duy kinh tế. Mặt khác, năng suất cây trồng, vật nuôi đều đã gần chạm ngưỡng, trong khi dễ dẫn tới tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội. Để đảm bảo được mục tiêu phát triển bền vững, việc chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng nông nghiệp mới, chất lượng, an toàn thực phẩm gắn với “xanh hóa” trở thành một yêu cầu cấp bách hiện nay.

14b.jpg
Thúc đẩy tăng trưởng xanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Ảnh: ST

Ông nhìn nhận ra sao về triển vọng, thách thức khi triển khai thực hiện mô hình tăng trưởng nông nghiệp xanh tại Việt Nam, thưa ông?

Nông nghiệp xanh là nền nông nghiệp sản xuất áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất. Nông nghiệp xanh hướng đến nâng cao tính cạnh tranh của nông sản, phát triển công nghệ xử lý, tái sử dụng phụ phẩm và giúp cho người nông dân có chất lượng cuộc sống tốt hơn, bảo vệ các nguồn tài nguyên và hệ sinh thái nông nghiệp… đảm bảo nông nghiệp bền vững trên cả trụ cột kinh tế - xã hội và môi trường. Soi chiếu với thực tiễn, Việt Nam có nhiều dư địa để phát triển mô hình nông nghiệp xanh.

Nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh trong lĩnh vực nông nghiệp, Chính phủ ban hành Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 về nông nghiệp hữu cơ; tiếp đó là Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030 ban hành ngày 23/6/2020 với nhiều giải pháp nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong nông nghiệp. Đặc biệt, Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 ban hành ngày 28/01/2022 được xây dựng trên quan điểm sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, hiện đại, hiệu quả và bền vững… Đây cũng là chỉ đạo xuyên suốt từ Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong những năm qua và ngành nông nghiệp đã và đang tích cực triển khai chủ trương này…

Nông nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc trong những năm qua. Kết quả này đã giúp Việt Nam cải thiện đáng kể an ninh lương thực, góp phần giảm nghèo, ổn định kinh tế - xã hội và trở thành 1 trong 5 nhà xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới.

GS,TS. Nguyễn Hồng Sơn

Để có thể tiệm cận với nền nông nghiệp xanh, Việt Nam vẫn còn nhiều “điểm nghẽn”, đó là hiện trạng cơ sở hạ tầng hạn chế; nguồn lực lao động giảm và chất lượng còn chậm được cải thiện; khoa học công nghệ còn thiếu nghiên cứu cơ bản và chuyên sâu; năng lực quản trị thấp; sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản thấp… Đặc biệt, người dân vẫn nặng tư duy sản xuất, thay vì làm kinh tế nông nghiệp; quy mô sản xuất nhỏ, manh mún, thiếu liên kết hữu cơ bền vững.

Vậy chúng ta cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp gì để đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh trong nông nghiệp, thưa ông?

Để phát triển nông nghiệp xanh theo hướng bền vững trong thời gian tới, Việt Nam phải có những nỗ lực rất lớn, không chỉ từ phía Chính phủ, mà cả khối tư nhân gồm các doanh nghiệp và người sản xuất trực tiếp cùng tham gia thực hiện. Trong đó, cần chú trọng triển khai một số nội dung sau:

Thứ nhất, hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng ngành nông nghiệp theo hướng xanh, sinh thái; xây dựng chuỗi giá trị “nông sản xanh”, lối sống xanh, tiêu dùng bền vững; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái.

Thứ hai, tăng cường tuyên truyền, thay đổi nhận thức của nông dân, các tổ chức, hợp tác xã… và thu hút sự vào cuộc của cả hệ thống các ngành hàng. Các tổ chức quốc tế, khu vực tư nhân, hiệp hội ngành hàng cùng chung tay để hình thành hệ sinh thái xanh.

Thứ ba, tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường đất, nước. Sử dụng hợp lý các yếu tố đầu vào, có chính sách đồng bộ từ nghiên cứu, sản xuất, đăng ký lưu hành để đẩy mạnh ứng dụng các loại vật tư có nguồn gốc sinh học, giảm thiểu sử dụng hóa chất.

Thứ tư, tập trung phát triển nghiên cứu cơ bản về công nghệ cao và công nghệ thông tin trong nông nghiệp; ứng dụng rộng rãi vào sản xuất, nâng cao chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thứ năm, quy hoạch lại ngành theo hướng chuyên canh, tập trung, phát huy lợi thế vùng. Các chính sách ưu tiên và hỗ trợ cần hướng tới phát triển hệ thống sản xuất hàng hóa có liên kết sản xuất và có chứng nhận chất lượng sản phẩm, từng bước xây dựng hệ thống bảo hiểm trong nông nghiệp.

Cuối cùng, để nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa nông sản, cần đẩy mạnh hệ thống chứng nhận chất lượng sản phẩm và minh bạch thông tin; kiểm soát chặt chẽ thị trường tiêu thụ nông sản, đẩy lùi việc kinh doanh nông sản không có chứng nhận chất lượng, xuất xứ. Bên cạnh đó, cần tận dụng tối đa phụ phẩm nông nghiệp theo hướng phát triển nền nông nghiệp tuần hoàn và chế biến sâu các phụ phẩm nông nghiệp.

Xin trân trọng cảm ơn ông!./.

Cùng chuyên mục
  • Ngành thuế góp phần chuyển đổi số quốc gia
    6 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Việc chuyển đổi số của ngành thuế đã cung cấp dịch vụ thuế điện tử chất lượng cao cho người nộp thuế và góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia.
  • Hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính dự án PPP
    6 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Việc triển khai các dự án theo phương thức đối tác công - tư (PPP) đã đạt được những kết quả nhất định nhưng còn nhiều vướng mắc. Số dự án mới được triển khai theo Luật PPP còn hạn chế, tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP còn thấp, việc thẩm định giá tài sản công tham gia dự án PPP còn bất cập...
  • Vấn đề cốt lõi hiện nay là phải tăng tổng cầu của nền kinh tế
    6 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Theo Bộ Tài chính, thực hiện tốt chính sách tài khóa năm 2023 trong bối cảnh thế giới phức tạp và nền kinh tế chưa thực sự đột phá về mô hình tăng trưởng là nhiệm vụ rất khó khăn. Vấn đề cốt lõi hiện nay là phải tăng tổng cầu của nền kinh tế, chính sách tài khoá chỉ là một trong những giải pháp để giải quyết khó khăn và cần thực hiện đồng bộ các giải pháp…
  • Gỡ rào cản, thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế
    6 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tái cơ cấu nền kinh tế đến năm 2025, có 10 chỉ tiêu có thể đạt được, 13 chỉ tiêu khó có khả năng hoàn thành, thậm chí một số chỉ tiêu rất khó đạt.
  • Cần những giải pháp cấp bách cho nền kinh tế...
    6 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Ghi nhận những điểm sáng của nền kinh tế, các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị cần có những giải pháp đột phá để giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế, nút thắt lớn đang cản trở sự phát triển đất nước, nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và trong nửa nhiệm kỳ còn lại.
Đổi mới mô hình tăng trưởng nông nghiệp theo hướng xanh, bền vững