Các diễn giả tham dự phiên thảo luận tại Hội thảo. Ảnh: MSD |
Tiếp nối tinh thần “Khơi nguồn kinh tế tri thức” của Ngày hội công nghệ giáo dục năm 2021, ngày 24/3, Cục Phát triển thị trường và DN Khoa học và Công nghệ (NATEC), Làng Công nghệ giáo dục, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD), Làng Thách thức và Sáng tạo xã hội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã tổ chức Hội thảo “Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở và công nghệ giáo dục trong bối cảnh bình thường mới”. Sự kiện nằm trong khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (TECHFEST 2022)
Hội thảo được tổ chức nhằm đưa đến bức tranh toàn cảnh công nghệ giáo dục Việt Nam từ việc thay đổi tư duy, cách nhìn, cách ứng dụng công nghệ đến giải quyết thách thức mới, qua đó đưa ra những đánh giá, định hướng phát triển công nghệ giáo dục trong thời gian tới.
Đặc biệt, Hội thảo cũng nhấn mạnh vai trò của các chủ thể và việc cần thiết kết nối các bên nhằm giải quyết bài toán về chất lượng giáo dục và tâm lý hậu đại dịch. Ngoài ra, chuyển đổi số trong giáo dục còn cần đảm bảo lấy con người làm trung tâm, công bằng và hòa nhập trong tiếp cận, thụ hưởng, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Theo Báo cáo Công nghệ giáo dục Việt Nam 2021, thị trường công nghệ giáo dục Việt Nam đang được đánh giá vô cùng tiềm năng với tổng vốn đầu tư vào DN khởi nghiệp là 20,2 triệu USD, nằm trong top 10 thị trường công nghệ giáo dục có tốc độ tăng trưởng lớn nhất thế giới với tỉ lệ khoảng 44,3%. |
Chia sẻ tại Hội thảo, GS. Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - nhấn mạnh: Giáo dục là cốt lõi của sự phát triển và sự chuyển đổi số trong giáo dục là vô cùng cần thiết. Việt Nam là một trong những quốc gia thích ứng tốt nhất trước tình hình dịch bệnh, vì vậy, năm 2022 sẽ là năm chúng ta bắt đầu được thực hiện lại những hoạt động đã đình trệ từ những năm trước do ảnh hưởng dịch bệnh và sẽ đạt được những thành tựu nhờ có sự hỗ trợ của công nghệ.
Bà Hooyung Young - Phó Chủ tịch United Way Worldwide khu vực Đông Nam Á, Hàn Quốc và Nhật Bản - đánh giá, đại dịch Covid-19 khiến chúng ta thấy rất nhiều sự thay đổi và sự bất bình đẳng cũng ngày càng tăng, đặc biệt là với các nhóm đối tượng bị tổn thương. Vì vậy, vai trò của startup được đánh giá cao khi là chủ chốt trong việc thực hiện những đổi mới sáng tạo, đặc biệt trong giáo dục. Với việc chuyển đổi số ngày càng diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, đổi mới trong giáo dục là quan trọng và cần thiết để phát triển đất nước và đẩy lùi sự bất bình đẳng.
Đại diện Tripath Việt Nam giới thiệu về nền tảng School.vn |
Trong phiên thảo luận, các diễn giả đã chia sẻ, trao đổi về cách xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ giáo dục bao gồm đầu tư công nghệ, nội dung, nhân lực số. Ngoài ra, tại Hội thảo, một số DN khởi nghiệp điển hình trong lĩnh vực giáo dục cũng được giới thiệu.
Tiêu biểu như, Công ty Tripath Việt Nam mang đến Schools.vn - nền tảng quản trị nhà trường thông minh kết nối nhà trường phụ huynh và học sinh. Nền tảng này đang được chương trình Shinhan Square Bridge hỗ trợ để tiếp cận và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số giáo dục, quản trị nhà trường thông minh tại 100 trường học trên 7 tỉnh tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, BaseLive cũng giới thiệu nền tảng tổng hợp, phân loại và phát sóng sự kiện qua công nghệ livestream. Đây là mô hình DN khởi nghiệp rất thức thời đáp ứng nhu cầu học tập trực tuyến ngày càng tăng cao theo xu hướng.